+
Aa
-
like
comment

Chuyện tỷ phú tài trợ 155 triệu bảng cho Đại học Oxford và kẻ “bình loạn” về cách tiêu tiền của người giàu

An Diễm - 05/11/2021 16:35

Mấy hôm nay, thông tin tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ 155 triệu bảng cho trường Linacre College của viện Đại học Oxford tràn ngập các trang báo. Đặc biệt, trường còn có ý định đổi tên thành “Thao College” để vinh danh nhà tài trợ khiến nhiều người Việt Nam hồ hởi tự hào. Nhưng cũng có không ít người tỏ ra băn khoăn việc tại sao không đem tiền tài trợ trong nước mà lại đem ra nước ngoài, có người lại nâng tầm quan điểm thành cái gọi là “nương nhờ giá trị ngoại” như ông tiến sỹ toán Nguyễn Ngọc Chu.

Ngày 31-10 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Tập đoàn SOVICO và Viện Đại học Oxford hôm nay vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Thỏa thuận bao gồm thành lập trung tâm đào tạo sau đại học và cấp học bổng để sinh viên theo học, một quỹ học bổng 7,5 triệu bảng Anh dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực, mang đến cơ hội học tập, nghiên cứu tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới tại Oxford. Bên cạnh đó, Viện Đại học Oxford cam kết xây dựng và thực hiện chiến lược loại bỏ phát thải khí CO2 cho tập đoàn Sovico và khách hàng, đối tác đến năm 2050.

“Từ lâu, chúng tôi là một trong những đại học ít được tài trợ nhất trong hệ thống Oxford. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng khi một phần đáng kể từ khoản quyên góp này sẽ dành cho quỹ tài trợ chung để hỗ trợ hoạt động của trường”, Linacre College cho hay. Đồng thời, trường cũng cho biết sau khi nhận được 50 triệu bảng Anh đầu tiên từ gói tài trợ cam kết, nhà trường sẽ đệ trình lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh để đổi tên thành “Thao College”, nhằm ghi nhận khoản tài trợ “mang tính chất bước ngoặt” đối với ngôi trường này.

Vậy ý nghĩa của dự án này là gì?

Chiến lược đứng trên vai người khổng lồ của bà Thảo?

Thực chất không phải thông tin quá bất ngờ, bởi chương trình ký kết tài trợ giữa Sovico với các trường đại học tại Anh nằm trong chuyến thăm Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong những ngày vừa qua. Các thông tin về việc ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại Anh đã được đưa tin rất chi tiết trên các báo chính thống.

Theo những người am hiểu về giáo dục thì, về mặt kinh doanh thì nhiều tỷ phú Việt Nam ôm tham vọng đầu tư vào một đại học tầm quốc tế lâu nay. Nhưng thị trường Việt Nam quá bé để có thể thu hút nhân sự cao cấp và sinh viên thường chọn học nước ngoài. Việc xây dựng một thương hiệu đại học từ đầu rất khó. Vin Uni là một ví dụ hay nhưng để xây một trường đại học đẳng cấp thế giới như của tập đoàn VinGroup không chỉ cần tiền, mà là một quá trình hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, tuyển dụng con người, đầu tư trang thiết bị và đầu tư vào hệ thống lâu dài.

Do đó, việc công bố tài trợ vào Oxford của bà Thảo có thể được xem là một chiến lược đứng trên vai khổng lồ để xây dựng thương hiệu, danh tiếng cá nhân cho bà Thảo, Sovico và cả Việt Nam. Khoản ‘đầu tư’ này có hiệu quả thương hiệu tức thì, trong khi khoản tiền bỏ ra là 4800 tỉ, chỉ bằng 2/3 khoản đầu tư vào Vin Uni của tỷ phú Vượng.

Giá trị nhất ở đây là Việt Nam có quỹ học bổng riêng cho sinh viên ở Oxford. Các nước như Trung Quốc, Singapore… đều có quỹ học bổng riêng cho sinh viên được nhận vào Oxford từ rất lâu rồi nhưng Việt Nam thì không. Lâu nay không ít người Việt được nhận vào Oxford nhưng không có học bổng nên phải bỏ, rất đáng tiếc. Việc tài trợ Oxford lại nằm rất đúng trong xu hướng chuyển dịch từ bất động sản và chứng khoán sang công nghệ cao, giáo dục để chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam theo chủ trương của Đảng.

Tại cuộc tiếp đón Giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng trường Đại học Linacre, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Viện Đại học Oxford khẩn trương triển khai các thỏa thuận cam kết đạt được, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các du học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận tinh hoa tri thức của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, dược, khoa học máy tính, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ tại lễ ký kết: “Giáo dục và nghiên cứu là chìa khóa cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. Tôi tin tưởng những kết quả hợp tác lâu dài với Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, những giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới”.

Câu chuyện tiêu tiền của người giàu

Trong bài viết mới trên mạng xã hội, Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu lại bàn về cách tiêu tiền của doanh nghiệp. Trong đó ông dẫn chứng người giàu thường chi tiêu chặt chẽ, có tiêu cũng chỉ tiêu nhỏ giọt và “kiếm tiền từ đâu, tài trợ ở đó” như các công ty đang tài trợ tại Việt Nam. Rồi từ đó, ông quay ngược lại câu chuyện tập đoàn Vingroup lập giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture chỉ dành cho người nước ngoài và câu chuyện tài trợ của bà Thảo để kết luận đó là “bòn nơi khó, chi nơi giàu”, “nương nhờ giá trị ngoại”.

Vốn dĩ ông cũng khiêm tốn thừa nhận “không dám luận bàn đúng sai về cách tiêu tiền của người giàu” nên chúng ta cũng không trách cứ, có điều ông thiếu hiểu biết quá.

Ngày 19/5/2014, ga hàng không Terminal 5 tại sân bay nổi tiếng ở London, Anh quốc là Heathrow được đổi tên tạm thời thành “Terminal Samsung Galaxy S5”, theo tên chiếc điện thoại thông minh mới nhất của Samsung thời điểm đó. Thông tin này được truyền thông quốc tế mô tả rầm rộ là một nỗ lực marketing, làm thương hiệu vô tiền khoáng hậu của Samsung nhằm phát triển thương hiệu. Thời điểm đó, những chiếc điện thoại của Samsung vẫn bị “lép vế” bởi điện thoại iPhone của Apple, nhưng dần dần họ đã vượt lên và trở nên hùng mạnh như ngày nay.

Câu chuyện tài trợ của tỷ phú Thảo hay giải thưởng khoa học của Vingroup cũng có thể dễ dàng diễn giải là một cách làm truyền thông, đưa thương hiệu doanh nghiệp vượt tầm thế giới. Ngoài ra nó cũng mang lại rất nhiều lợi ích như các mối quan hệ và hợp tác quốc tế. Tập đoàn Vingroup từng có những bước tiến thần tốc trong lĩnh vưc sản xuất ô tô, khi ra mắt thương hiệu Vinfast và xây dựng xong nhà máy sản xuất hiện đại chỉ trong vòng 21 tháng, trong khi hầu hết những nhà sản xuất ô tô trên thế giới phải trong từ 36 đến 60 tháng. Nếu không nhờ những mối quan hệ hợp tác quốc tế và làm thương hiệu hiệu quả, liệu Vingroup có thể tự mình làm được hay không?

Cũng như câu chuyện của Samsung, khi thương hiệu doanh nghiệp còn chưa mạnh thì chi phí phải lớn, và đương nhiên không thể so sánh câu chuyện làm thương hiệu của những công ty ít tên tuổi từ Việt Nam so với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Toyota, Mercedes Benz hay Heineken ở Việt Nam.

Tóm lại, đừng bàn về cách tiêu tiền của người giàu.

Tại sao mang tiền ra nước ngoài mà không tài trợ trong nước?

Có thể thấy, mục đích lớn của thỏa thuận hợp tác giữa Sovico và Viện Đại học Oxford chính là mang tới nhiều hơn cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên Việt Nam tại môi trường giáo dục đẳng cấp là Viện Đại học Oxford. Ngoài ra đây còn là chuyện hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn toàn không phải là từ thiện. Cũng không thể so sánh tréo nghoe như ông Nguyễn Ngọc Chu lấy ví dụ trường hợp của ông ĐBQH Phạm Phú Quốc đi mua hộ chiếu ở Cyprus.

Trước thắc mắc của nhiều người về việc vì sao bà Thảo không dùng số tiền rất lớn đó tài trợ cho các trường ĐH, CĐ ở trong nước, ông Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: “Có thể là vì theo đánh giá của bà Thảo, các trường Đại học Cao đẳng trong nước chưa có nơi nào tiếp nhận hiệu quả khoản tài trợ lớn”.

PGS Trần Xuân Nhĩ tỏ ra đồng tình với cách làm của nữ tỷ phú: “Cũng giống như nhiều nước khác đã tài trợ vào Việt Nam, xây dựng nên các trường ĐH, THPT theo mô hình hợp tác Việt – Nhật, Việt – Đức… nếu bà Thảo muốn phát huy sức ảnh hưởng của mình và thấy có đủ khả năng thì hoàn toàn cũng có thể làm như vậy”

“Cũng không nên lúc nào cũng chỉ bo bo nghĩ chuyện trong nước, cho rằng giáo dục nước mình còn kém hơn, kinh tế nghèo hơn thì việc gì phải giúp nước họ. Nhưng vì sao ngay như Campuchia, trong lúc dịch bệnh khó khăn như thế họ vẫn giúp Việt Nam 250.000 liều vắc-xin, mặc dù đấy cũng đâu phải nước giàu có?

Hoặc ngay như Việt Nam đang bị Covid-19 khó khăn như vậy, nhưng chúng ta vẫn viện trợ cho các nước khác, kể cả Mỹ. Đó là chuyện đương nhiên cần làm. Cho nên việc này cũng không có vấn đề gì. Đôi khi lo cho nước ngoài, thương hiệu của nước mình nổi lên thì ngược lại người ta cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam, không chỗ này thì là chỗ khác thôi.”

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng bà Thảo đi con đường đầu tư thẳng vào một trong những cái nôi học thuật lâu đời nhất thế giới, hợp tác với một trong những tên tuổi hàng đầu của giáo dục đại học Anh Quốc và chắc chắn sẽ mang lại “những lợi ích to lớn, không chỉ cho nền học thuật Việt Nam, mà còn xa hơn nữa, là sự đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và thực nghiệm của nhân loại.”

Không hiểu vì sao ông Chu lại có thể nghĩ một tỷ phú đã có mọi thứ bà Thảo, ông Vượng lại cần phải “nương nhờ giá trị ngoại”. Người ta chỉ “nương nhờ” khi thiếu thốn, không ai “nương nhờ” khi họ đã là những cá nhân sở hữu nhiều của cải và đứng top 1.000 những người giàu nhất thế giới. Một lần nữa, không nên bàn về cách tiêu tiền của người giàu. Và vì những người như ông Nguyễn Ngọc Chu chẳng hiểu gì về người giàu, nên thôi cũng xin ông đừng bàn gì về “thể chế” nữa, vì ông “lý luận” nghe thật là buồn cười.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều