Chuyện TP.HCM mất vị thế dẫn đầu: Dám nhìn thẳng nhìn thật
Nỗi lo đang ngày một lớn dần lên khi đầu tàu kinh tế đất nước là TP.HCM lọt top 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Tuy nhiên …
Theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng của TP.HCM gây bất ngờ khi chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần hiếm hoi TP.HCM mất đi vai trò đầu tàu nền kinh tế. Con số giảm vừa qua ở mức quá cao vượt ngoài dự đoán, gây sốc cho nhiều người, song việc công bố mức giảm này cũng cho thấy các cấp chính quyền đã dám nhìn thẳng nhìn thật vào tình hình, nêu lên vấn đề để cả bộ máy vào cuộc giải quyết.
Thực tế theo các chuyên gia, thành phố đã chủ quan khi bỏ qua nhiều công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, điển hình là đầu tư công, nút thắt chính sách, hạ tầng hay như việc phát triển thị trường nội địa đều đã không được chú trọng. Đầu tiên là giải ngân đầu tư công. Trong 3 tháng đầu năm 2023, thành phố chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.
Về nút thắt chính sách, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vừa qua đều bày tỏ những vướng mắc, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính khiến các nhà đầu tư e dè với môi trường kinh doanh tại TP.HCM. Như ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), nêu thực trạng, rất nhiều chuyên gia từ các nước EU gặp khó khi làm giấy phép lao động tại TP.HCM. Nhiều người từ châu Âu đã từng làm việc, sinh sống thời gian dài tại thành phố cũng bị yêu cầu bổ sung quá nhiều giấy tờ, thủ tục. Đại diện hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM cũng nêu ví dụ cụ thể về việc gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính. Một doanh nghiệp cho thuê trang, thiết bị của nước này đang mất từ 9 tháng đến 1 năm để xin giấy phép phụ từ Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, việc ùn tắc giao thông tại địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh, chất lượng sống của người dân. Còn về phát triển thị trường nội địa, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3%, trong khi cả nước đạt gần 10%. Điều này chưa bao giờ xảy ra.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM đã giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng cho cả nước. Nhưng nhìn rộng trên bình diện cả nước, nếu GRDP TP.HCM năm 2010 chiếm hơn 18,7% trong cơ cấu GDP cả nước. Thì đến năm 2022, con số này chỉ còn hơn 15,5%. TP.HCM vẫn phát triển nhưng nhìn lại cả chặng đường dài, tốc độ của đầu tàu kinh tế đang chậm dần và bị các các địa phương khác tiệm cận. Điều này cho thấy bên cạnh việc khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, thành phố cũng cần phải tìm cách chuyển mình, vươn đến những lĩnh vực mới, vì chỉ khi tìm thấy động lực mới, không gian mới thì mới có thể tiếp tục phát huy như trước, phát huy thế mạnh của một thành phố năng động nhất miền nam để từ đó lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.
Ngày 30/3 vừa qua, cơ quan quản lý thị trường tài chính ở London đã thừa nhận, thủ đô London (Anh) nay đã không còn là thành phố duy nhất giữ vị trí dẫn đầu trong số các trung tâm tài chính toàn cầu. Thay vào đó là thành phố New York của Mỹ đã thăng hạng từ vị trí thứ hai lên ngang hàng với London, do ngày càng có nhiều công ty niêm yết tại thị trường Mỹ. Nhìn từ London có thể thấy bất kỳ thành phố nào nếu không sớm tìm cách chuyển mình sau khi đã tăng trưởng tới hạn thì đều đứng trước nguy cơ bị tuột lại đằng sau. Và TP.HCM hiện nay cũng không ngoại lệ!
Huy Hoàng