Chuyện thưởng Tết cho người lao động và “nỗi lòng” của doanh nghiệp
Mặc dù pháp luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay thưởng Tết đã trở thành một nét văn hóa tại Việt Nam, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên trong năm nay, việc phải vật lộn với sự biến động từ kinh tế giới khiến cho tiền thưởng Tết trở thành nỗi lo khó giãi bày của nhiều doanh nghiệp.
Mới đây, theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì có đến 485 doanh nghiệp cùng với 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm. Tại TPHCM, Liên đoàn lao động Thành phố cho biết, hiện nay đã có 155 doanh nghiệp với hơn 50.150 người lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng do biến động từ tình hình thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới, hoặc giảm đơn hàng, nhất là ngành chế biến gỗ, da, giày, dệt, may… Điều này buộc doanh nghiệp phải giảm giờ làm nhân viên, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, tạm hoãn, chấm dứt HĐLĐ. Nguồn thu nhập của NLĐ theo đó cũng bị giảm sâu. Thậm chí, công nhân một số nơi lo ngại sẽ không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13…
Tình hình này khiến cho rất nhiều công nhân, NLĐ lo lắng bởi với họ thưởng Tết là một khoản tiền rất đáng mong chờ. Nó vừa là minh chứng cho thấy cả một năm làm việc, cày bừa vất vả vừa giúp NLĐ trang trải chi tiêu và có một cái Tết đủ đầy hơn. Không những thế, việc nhận được tiền thưởng Tết cũng là động lực để giúp NLĐ tiếp tục gắn bó và hồ hởi quay trở lại với doanh nghiệp sau Tết.
Chính vì thế mà dù thưởng Tết không phải là một quy định bắt buộc thế nhưng nó đã trở thành thành tiền lệ và là sự chờ đợi của gần như tất cả người lao động dịp cuối năm. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng gần nhất vào Tết Dương lịch năm 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng/lao động, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là 6,17 triệu đồng/lao động. Khoản tiền này dù không quá lớn nhưng vẫn mang lại niềm vui cho NLĐ những ngày cuối năm.
Thế nhưng, khi chuẩn bị kết thúc năm 2022 và đón Tết Quý Mão 2023, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kiểm tra sơ bộ kết quả sản xuất, kinh doanh cả năm và cho biết họ đang phải đối mặt với rất nhiều biến động do dịch bệnh những tháng đầu năm, khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong quý IV. Vậy nên cũng dễ hiểu khi những doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng được tiền lương cho NLĐ chứ nói gì đến tiền thưởng Tết.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội cũng cho rằng, để giảm bớt những chi phí, doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm phúc lợi bao gồm cả thưởng Tết, tiền lương và hợp đồng lao động trong thời gian tới. Trong thời điểm này sẽ là lúc chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và NLĐ để cùng nhau vượt qua.
Tuy nghiên, một tín hiệu đáng mừng là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho NLĐ. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Sau khi nhận được chỉ đạo từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng giữ mức thưởng Tết tối thiểu là 1 tháng lương thực lĩnh để động viên NLĐ. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy chế thưởng nhằm hỗ trợ cho người lao động và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Chính nhờ vào sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các cơ quan chức năng và ban ngành đã phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về lương thưởng. Đồng thời cũng giúp cho NLĐ có được một cái Tết ấm no và hạnh phúc.
Minh Thanh