+
Aa
-
like
comment

Chuyện thiếu hiểu biết thời hiện đại giết chết lịch sử

07/10/2020 10:37

Cuối tháng 9, nhiều diễn đàn phim ảnh, văn học và lịch sử Việt Nam “dậy sóng” vì bộ phim nhiều tập “Kiều” – dựa trên tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng điều “dậy sóng” ở đây không phải đến từ việc chuyển thể một trong những tác phẩm văn học rực rỡ nhất lịch sử dân tộc mà từ việc đạo diễn của bộ phim phê phán thẳng thừng chê bai chữ Nôm là “giống chữ Hán”, từ đó sử dụng chữ Quốc ngữ để gọi tên các địa điểm xuyên suốt bộ phim. Ngoài ra, khi nhìn trang phục và bối cảnh qua những thước phim đầu tiên, người xem có chuyên môn lẫn ngoại đạo đều không biết phim Kiều nói về thời kỳ nào, vì nó có chút “tân thời”, có chút cổ điển, có cả chút Nhật Bản, một chút Trung Quốc, một chút của Việt Nam.

Nhiều câu chuyện lịch sử đã bị một số người đem ra xuyên tạc.

Theo như chia sẻ, mục đích của đạo diễn và đội ngũ là muốn làm một bộ phim thuần Việt.

Hay mới đây hơn, đó là những tranh cãi về chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh bắt nguồn từ chương trình Rap Việt. Nói một cách dễ hiểu, thí sinh các đội sử dụng các tình tiết trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh để thực hiện phần thi, tiết mục này gây ra rất nhiều tranh cãi từ phía ban giám khảo. Tuy nhiên, điều buồn cười ở đây là có những người hâm mộ lợi dụng việc này để xuyên tạc truyền thuyết và văn hóa Việt Nam, lợi dụng thần tượng để chỉ trích lịch sử nước nhà là “nhồi sọ”, là “tuyên truyền ngược lại với nền văn minh”.

Họ phán xét rằng vua Hùng đã không hỏi Mỵ Nương rằng muốn kết hôn với Sơn Tinh hay Thủy Tinh, đó kiểu như là việc không cho phụ nữ lựa chọn hướng đi cho cuộc đời của họ, là chuyện cưỡng ép hôn nhân, kiểu như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Bên cạnh đó, việc “lão đại” Wowy có những bày tỏ liên quan đến việc bảo vệ động vật hoang dã cũng bị nhiều kẻ “đu theo”, họ phê phán trực tiếp việc vua Hùng “thách cưới” các động vật quý hiếm như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… là một hành động cổ vũ việc săn bắt động vật quý hiếm. Và chốt hạ, là những người này cho rằng nền giáo dục Việt Nam đang “nhồi sọ”, đưa những tư tưởng hủ tục, không hợp thời vào giáo dục.

Không ít lần, lịch sử Việt Nam đã bị đem ra phán xét dưới góc nhìn của những con người tự cho mình là hiện đại, thông tuệ và đa chiều. Những người này từng chỉ trích chiến tranh du kích là “hèn nhát”, họ đặt câu hỏi rằng tại sao phía quân Giải phóng không đánh trực diện với đế quốc Mỹ mà lại sử dụng một chiến thuật “bẩn” như chiến tranh du kích? Vì thế, đội này kết luận rằng Mỹ không thua Việt Nam mà chỉ đơn giản là rút quân khỏi Việt Nam vì đế quốc Mỹ không muốn chơi tiếp một trận chiến mà Việt Nam “chơi không đẹp”. Họ cho rằng lịch sử Việt Nam luôn cố gắng “nhồi sọ” là thắng đế quốc Mỹ, đó là một chiến thắng rởm đời, chiến thắng bằng chiến tranh du kích là không vinh quang.

Xa hơn nữa, đó là những chiến công chiến thắng quân Mông Nguyên của quân đội nhà Trần cũng bị “bình thường hóa”. Họ cho rằng những trận đối đầu trực tiếp như Bình Lệ Nguyên, Vạn Kiếp, Thăng Long… thì phía Đại Việt đều thua và phải rút chạy, phía Đại Việt chỉ thắng được Mông Nguyên nhờ kế sách bẩn là “vườn không nhà trống”. Chiến thắng mà lúc đánh, lúc chạy, lúc rút lui, có đáng không?

Nếu muốn nói hay bàn luận về mỗi sự kiện lịch sử trong quá khứ, phải căn cứ vào hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử của thời kỳ ấy. Nếu không, các sự kiện lịch sử sẽ bị “hiện đại hóa”, nói một cách dễ hiểu, “hiện đại hóa” lịch sử là việc người ta áp đặt những tiêu chuẩn, suy nghĩ của thời kỳ hiện đại vào những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Việc làm này thường gây ra những hậu quả không tốt, khiến ý nghĩa của các sự kiện lịch sử trong quá khứ bị sai lệch hoàn toàn, các chuỗi sự kiện lịch sử đang liên kết chặt chẽ bỗng nhiên bị “đứt gãy”. Như câu chuyện về trò chơi Sử Hộ Vương, đội ngũ phát triển luôn luôn cho rằng họ đang làm đẹp lịch sử Việt Nam, họ sẽ sử dụng những yếu tố hiện đại để đưa lịch sử Việt Nam gần gũi hơn với người trẻ. Nhưng cách thực hiện của họ là gì? Là việc sử dụng các nét vẽ giống như những nét vẽ xuất hiện trong truyện tranh người lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc để minh họa cho các danh nhân của lịch sử Việt Nam, họ khoác những trang phục kệch cỡm cho Lý Thường Kiệt, Chử Đồng Tử, Yết Kiêu… Họ vẽ Hồ Xuân Hương như một con điếm rẻ tiền, bịa ra câu chuyện vua Gia Long và vua Quang Trung yêu nhau, tạo ra hình tượng Lý Thường Kiệt là một người đa nhân cách.

Rồi câu chuyện về bộ phim Kiều, cần biết rằng, bản chất Truyện Kiều không phải là một tác phẩm thuần Việt vì cốt truyện của Truyện Kiều gần như dựa hoàn toàn vào tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc. Điều khiến Truyện Kiều lọt vào nhóm các danh tác thế giới nằm ở việc câu chuyện trong Truyện Kiều được thuật lại bằng thể thơ lục bát cổ truyền của Việt Nam, một thể thơ thường bị cho là “không đẳng cấp” như các thể thơ Đường luật của Trung Quốc hay Haiku của Nhật Bản. Bên cạnh đó, một yếu tố nâng tầm giá trị của Truyện Kiều nằm ở việc tác phẩm này được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm – loại chữ do người Việt sáng tạo dựa vào chữ Hán có lịch sử cả ngàn năm.

Bây giờ, chính đạo diễn phim từ chối sử dụng chữ Nôm vì cho rằng chữ Nôm “giống chữ Hán”, không khác gì phủ nhận công lao của những thế hệ lịch sử đi trước đã sáng tạo ra chữ Nôm. Mà điều sai nữa, chính đạo diễn phim nói rằng chữ Quốc ngữ hiện tại là thuần Việt và phủ nhận chữ Nôm. Điều buồn cười đến từ việc chuyển thể một tác phẩm có cốt truyện thời nhà Minh của Trung Quốc, nhưng trang phục thì không rõ là của Việt Nam hay Trung Quốc và ở thời kỳ nào, còn các địa điểm trong phim lại được gọi tên bằng chữ Quốc ngữ hiện đại. Miệng kêu là thuần Việt, nhưng lại tạo ra một tác phẩm hổ lốn, xuyên tạc văn hóa và lịch sử Việt.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm.

Như khi nói về truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, hầu như nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những bài học ẩn dụ về cuộc đấu tranh chống thiên tai, thể hiện sức mạnh vượt lên khó khăn của người Việt và tôn vinh công lao dựng nước của các vua Hùng, thì lại được các “trưởng giả học làm sang” lồng ghép thêm yếu tố hôn nhân, gia đình, bảo vệ động vật hoang dã vào. Điều này không khiến tác phẩm vĩ mô hơn, mà ngược lại, khiến cho ý nghĩa của một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất Việt Nam bị méo mó đi. “Hiện đại hóa” lịch sử chưa đủ, bây giờ, người ta còn “hiện đại hóa” của truyền thuyết và văn hóa.

Gà chín cựa là loại lễ vật duy nhất có thật và có nguồn gốc tại Lạng Sơn và Phú Thọ. Có giả thuyết cho rằng, việc đưa loại gà này vào truyền thuyết nhằm tôn vinh chủ quyền toàn vẹn của đất nước, Lạng Sơn là địa điểm thường bị quân xâm lược từ phía Bắc tiến đánh đầu tiên còn Phú Thọ lại được coi là đất Tổ. Còn voi và ngựa là hai loài vật đồng hành cùng lực lượng bảo vệ đất nước từ xa xưa, chúng ta có lực lượng tượng binh đông đảo trong lịch sử, từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến nhà Trần, nhà Tây Sơn… Bên cạnh đó, vua Hùng đặt các lễ vật là các loài thú hiếm, người tham gia kén rể cũng toàn là thánh thần nhằm mục đích tôn vinh phụ nữ Việt Nam, rằng muốn lấy phụ nữ Việt Nam thì phải có xuất thân thần linh và anh hùng. Điều này phù hợp với nguồn gốc xuất thân của người Việt từ thần linh trong truyền thuyết Con Rồng, Cháu Tiên.

Về cơ bản, truyền thuyết là những câu chuyện có yếu tố kì ảo, thần thoại dựa trên các sự kiện và nhân vật lịch sử hoặc có tính chất lịch sử, được dân gian sáng tác ra. Bản chất các truyền thuyết đều được lấy bối cảnh ở thời kỳ rất xa xôi, vì thế, lồng ghép các yếu tố hiện đại vào là vô lý và kệch cỡm.

Đọc những câu chuyện thần thoại của Hy Lạp, La Mã với đầy những tình tiết loạn luân, dã man thì lại ca ngợi là văn minh, còn đọc những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam đầy nhân văn thì lại bảo là lạc hậu, hủ tục.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, khi lực lượng, trang vũ khí ít hơn hẳn so với đế quốc Mỹ thì “chiến tranh du kích” là một trong những chiến thuật giúp Việt Nam giành thắng lợi.

Có những đám người cho rằng chiến tranh du kích của Việt Nam là “bẩn tính”, vậy thì tại sao đám người đó không đặt câu hỏi rằng, trang bị của đế quốc Mỹ và Việt có tương xứng với nhau hay không? Tấu hài thay, một đội quân thiện chiến khắp nơi, sử dụng gần như mọi vũ khí hiện đại nhất, chỉ trừ bom nguyên tử, lại đòi công bằng trước đối thủ là một đội quân non trẻ và thiếu thốn?

Đòi công bằng cho đế quốc Mỹ, vậy tại sao không đòi công bằng cho bộ đội Việt Nam? Chẳng có một cuộc chiến tranh nào mà diễn ra công bằng cả, bất cứ bên nào tham gia chiến tranh cũng sẽ tìm mọi cách để thắng, Việt Cộng đã thắng. Và nói Việt Cộng thắng chỉ bằng chiến tranh du kích là sai sự thực lịch sử. Vậy Điện Biên Phủ trên không diễn ra ở trong rừng Trường Sơn à?

Mỗi tác phẩm văn học đều có hoàn cảnh sáng tác, thời kỳ lịch sử sáng tác và chịu tác động bởi các yếu tố xã hội, chính trị bấy giờ. Mỗi sự kiện lịch sử cũng gắn chặt với bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh lịch sử thời kỳ đó, mỗi sự kiện lịch sử vừa là nguyên nhân của những sự kiện diễn ra tiếp nối trong tương lai, vừa là hệ quả của những sự kiện đã đã diễn ra trước đó.

Yêu lịch sử, văn học và văn hóa Việt Nam là gì? Là giữ thái độ tộn trọng tiền nhân, đặt cái tôi của bản thân thấp xuống, học hỏi và nghiên cứu dựa trên tâm thế của quang minh, chính đại, tôn trọng sự thực lịch sử. Chứ đừng đòi phán xét lịch sử bằng tâm địa hẹp hỏi, ích kỷ, bằng một vài dòng tài liệu trôi nổi trên mạng và rồi nghĩ rằng những thứ đó là “sự thực”, “đa chiều”,…

Lịch sử Việt Nam tồn tại hàng ngàn năm, nhưng có khi chỉ mất vài giờ để phủ nhận.

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều