Chuyện thật như đùa: Sự dối trá ngự chốn pháp đình
Mấy hôm nay, dư luận tròn mắt trước thông tin mới nghe cứ tưởng là chuyện bịa. Một tòa án huyện ở Đắk Nông đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự, đưa ra xét xử mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế để hoàn thành chỉ tiêu, kê khai thành tích.
Đấy là câu chuyện hết sức kỳ lạ, diễn ra ở tòa án huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Năm 2016, các cán bộ Tòa án nhân dân (TAND) huyện này đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế.
Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Năm năm trôi qua, nếu cơ quan chức năng không phanh phui thì có lẽ tất cả đã chìm vào im lặng, thời gian sẽ xóa sạch dấu vết và những người trong cuộc vẫn ung dung khoác áo cán bộ, đảng viên “trong sạch, vững mạnh” hằng năm ở địa phương.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, năm 2016, cán bộ TAND huyện Đắk Song đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Việc làm này vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Đáng chú ý, trong số hồ sơ vụ án lập khống này, một thẩm phán tên Dung (đã nghỉ việc) lập khống 20 hồ sơ, còn bà Nguyễn Thị Hải Âu lập 12 hồ sơ, các ông Phạm Văn Phiếm và Nguyễn Xuân Triệu lập 8 hồ sơ. Việc lập khống hồ sơ vụ án là để hoàn thành chỉ tiêu, khai thêm thành tích.
Trong đó, thẩm phán tên Dung lập khống 20 hồ sơ với mục đích để được xác nhận thành tích, bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán. Bà Dung cũng là người tự bỏ tiền túi đóng án phí 57 hồ sơ khai khống.
Cả ba vị đương nhiệm đều bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thi hành kỷ luật bằng hình thức… khiển trách.
57 lần dối trá trong 1 năm
Điều khiến dư luận bức xúc trước hết là ở tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Phải khẳng định việc lập 57 án ảo chỉ trong 1 năm là điển hình cho sự dối trá nơi cơ quan công quyền.
Nghiêm trọng hơn, sự dối trá đó lại diễn ra ở chốn pháp đình tôn nghiêm. Những người thực hiện hành vi dối trá vô tiền khoáng hậu đó lại là những thẩm phán được đào tạo về chuyên môn, được rèn giũa về đạo đức tư cách người cán bộ, đảng viên.
Họ đã làm trái với tôn chỉ mục đích của ngành tòa án. Điều 2 luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”.
Với 57 lần dối trá án dân sự trong năm, những cán bộ tòa án như ông Phiếm, bà Âu, ông Triệu đang bảo vệ ai, giáo dục ai?
Nể nang, giơ cao đánh khẽ hay sợ “mất” cán bộ?
Rõ ràng, việc làm của các cán bộ này có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra hàng chục hồ sơ “ảo” là có dấu hiệu của hành vi “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại khoản 4, điều 359, bộ luật Hình sự năm 2015, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thế mà các ông bà ấy, 5 năm nay vẫn đương chức, vẫn ngồi ghế quan tòa để phán xử, răn dạy đạo lý cho người khác.
Hình thức kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông dành cho các vị quan tòa “mẫn cán” cũng khiến dư luận sốc chẳng kém gì vụ việc. Liệu có sự nể nang, giơ cao đánh khẽ hay là sợ “mất” cán bộ ở đây? Lý do biện minh cho sự giả dối của các vị quan tòa cũng khó thuyết phục được dư luận: “Lập khống hồ sơ vụ án là để hoàn thành chỉ tiêu, khai thêm thành tích”.
Hết án oan, giờ lại thêm án ảo. Làm sao người dân có thể yên tâm khi niềm tin công lý được trao vào tay những kẻ đại bịp khoác áo quan tòa như các ông bà Phiếm, Triệu, Âu?