Trả lời PV, 2 chuyên gia nhận định chuyến thăm ngày 28-29/7 của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm tái khẳng định cam kết với khu vực và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến thăm Việt Nam bắt đầu từ ngày mai 28/7. Việt Nam là một điểm đến trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Austin, với hai nước còn lại là Singapore và Philippines.
Bộ trưởng Austin từng đến châu Âu hai lần để thảo luận với các đồng minh của Mỹ. Ông từng tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng vẫn chưa đến Đông Nam Á. Vì thế, chuyến đi lần này được cho là rất đáng mong đợi.
Trả lời chúng tôi, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017, và tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak (Singapore), cùng chia sẻ nhận định rằng chuyến thăm là cách chính quyền Tổng thống Joe Biden kết nối với khu vực Đông Nam Á nói chung và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt – Mỹ nói riêng.
Tăng cường quan hệ với Việt Nam là ưu tiên đối ngoại của Mỹ
Việc Bộ trưởng Austin thăm Việt Nam diễn ra ngay trong năm đầu nhiệm kỳ chính quyền Biden.
Cựu Đại sứ Ted Osius lưu ý ông Austin là thành viên nội các đầu tiên trong chính quyền ông Biden đến Đông Nam Á và Việt Nam. Chuyến đi từng được lên kế hoạch hồi đầu tháng 6, khi người đứng đầu Lầu Năm Góc dự định tham dự Đối thoại Shangri-La (ở Singapore) nhưng sự kiện này bị hủy vì đại dịch Covid-19.
So với Philippines vốn là đồng minh hiệp ước của Mỹ, Singapore là nước cho phép lực lượng Mỹ có thể triển khai trong khu vực trong nhiều năm qua, thì việc ông Austin đến Việt Nam phản ánh vai trò của Việt Nam là một đối tác an ninh mới và ngày càng quan trọng với Mỹ, theo ông Osius.
“Chuyến thăm này, cùng các hành động và tuyên bố khác của chính quyền ông Biden, thể hiện rõ ràng rằng làm sâu sắc hơn tình bạn và quan hệ hợp tác Mỹ – Việt là một ưu tiên cao độ đối với Mỹ”, ông Osius nói.
Khi Lầu Năm Góc chọn Việt Nam là 1 trong 3 điểm đến đầu tiên cho ông Austin trên cương vị mới, tiến sĩ Hiệp chỉ ra rằng chính quyền ông Biden đang tiếp tục thi hành chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do từ thời Tổng thống Trump.
Chính quyền Biden chú ý hơn tới việc khôi phục và tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác an ninh, với một mục tiêu bao trùm là tìm cách tập hợp lực lượng nhằm đối phó hiệu quả hơn với các thách thức, theo tiến sĩ Hiệp.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam nổi lên như một đối tác an ninh quan trọng của Mỹ ở khu vực vì một số lý do.
“Đầu tiên, năng lực và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng thông qua tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quốc phòng”, tiến sĩ Hiệp nói. “Tiếp theo, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm ngay cửa ngõ Đông Nam Á”.
Theo tiến sĩ Hiệp, do tình hình Biển Đông và các vấn đề lịch sử, Việt Nam có xu hướng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược với Mỹ và đồng minh của Mỹ trên nhiều vấn đề, đặc biệt là trên Biển Đông.
“Vì vậy, tăng cường quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đang là một trong những ưu tiên đối ngoại của chính quyền Biden”, ông Hiệp nhận định.
Tiến sĩ Hiệp cũng cho rằng chuyến thăm lần này của ông Austin một mặt có ý nghĩa “chào sân”.
“Qua chuyến đi này, Bộ trưởng Austin nói riêng và chính quyền Biden nói chung sẽ có điều kiện để kết nối với khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam, Philippines và Singapore – 3 đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực, qua đó tăng cường quan hệ với 3 nước này trong những năm tiếp theo”, ông Hiệp nhận định.
Mặt khác, trong quan hệ với Việt Nam, chuyến thăm cũng sẽ giúp thực hiện các thỏa thuận trong quan hệ song phương, nhất là việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo bộ quốc phòng hai nước.
Điều này giúp tăng cường lòng tin, và giúp thảo luận, chuẩn bị cho các biện pháp hợp tác thực chất hơn giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng thời gian tới, tiến sĩ Hiệp nói.
Chuyến thăm cũng sẽ giúp duy trì đà phát triển quan hệ giữa hai nước, hướng tới việc thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Việt trong tương lai.
Mỹ có lợi ích cơ bản về tự do hàng hải tại Đông Nam Á
Nhận định về vị thế của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cựu Đại sứ Ted Osius nhận định với dân số 650 triệu người và GDP 2,8 nghìn tỷ USD, khu vực này có vị thế tối quan trọng.
“Công ty Mỹ đầu tư rất nhiều vào các nước ASEAN, trong khi quan hệ thương mại – kinh tế giữa Mỹ và khu vực đang vững mạnh và ngày một sâu sắc”, ông Osius nói, bổ sung rằng mối quan hệ người với người giữa hai bên rất sâu sắc, vì hàng triệu công dân Mỹ có xuất thân Đông Nam Á.
Ông Osius cho biết Mỹ cũng đang phối hợp với các nước ASEAN trên nhiều lĩnh vực như phục hồi Covid-19, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, an ninh hàng hải, và khôi phục ổn định tại Myanmar. Sự trao đổi trên phương diện giáo dục cũng sôi nổi ở cả 2 chiều.
“Mỹ có lợi ích cơ bản về tự do hàng hải, bao gồm trong khu vực Biển Đông, nhưng cũng có lợi ích lâu dài trong sự tăng trưởng và thịnh vượng của các nước dọc sông Mekong”, ông Osius nói.
Tiến sĩ Hiệp cũng đánh giá rằng trong bối cảnh hiện nay, Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tính toán đối ngoại và quốc phòng của Mỹ.
“Mỹ mong muốn duy trì một khu vực Đông Nam Á thịnh vượng, độc lập và tự do, qua đó tạo thành một bộ phận cho cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ”, tiến sĩ Hiệp nhận định.
Theo tiến sĩ Hiệp, trong thời gian qua, các văn bản chính sách, tuyên bố của quan chức và những hoạt động cụ thể của Mỹ như chuyến thăm này của Bộ trưởng Austin đang là bằng chứng cho cách Mỹ thúc đẩy vai trò của khu vực Đông Nam Á trong việc triển khai chính sách đối ngoại của mình dưới thời Tổng thống Biden.
Việt Nam và Mỹ đã thấu hiểu nhau nhiều hơn
Nhìn lại quá trình phát triển trong chính sách hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và Washington qua các đời tổng thống Mỹ, cựu Đại sứ Ted Osius chia sẻ thêm rằng trao đổi quân sự giữa 2 nước đã thay đổi rất nhiều trong 25 năm qua, với việc Việt Nam tham gia nhiều hành động với Mỹ hơn nhiều với các nước khác.
“Hai nước đã tuân theo 3 nguyên tắc: Cùng nhau xây dựng sự tin tưởng, lắng nghe lẫn nhau, và tôn trọng sự khác biệt về lịch sử và truyền thống. Nhờ đó, tàu sân bay Mỹ đã 2 lần cập cảng Đà Nẵng, và tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam có nguồn gốc từ Mỹ”, ông Osius nói.
“Lúc này, 2 nước thấu hiểu nhau nhiều hơn so với 25 năm trước vì những con người dũng cảm ở cả 2 bên đã vượt qua quá khứ khó khăn để hướng tới quan hệ hợp tác có lợi cho 2 nước và cả thế giới”, cựu đại sứ nhận định.
Ông Osius chỉ ra rằng ngày nay, Việt Nam và Mỹ đang hợp tác để giải quyết những thách thức khu vực và toàn cầu, gồm các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, thách thức nhân đạo, cứu trợ thiên tai, y tế công cộng và môi trường.
Những trải nghiệm và đúc kết về tiến trình hòa giải giữa hai nước được cựu Đại sứ Osius chia sẻ trong quyển sách sắp tới của ông có tựa “Không gì là không thể: Con đường hòa giải của Mỹ với Việt Nam” (Nothing Is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam) sắp ra mắt vào tháng 10.
Cựu Đại sứ Osius nhấn mạnh việc tiếp tục quá trình hòa giải Mỹ – Việt không chỉ quan trọng với 2 quốc gia, mà còn cho các quốc gia khác thấy rằng 2 nước đối đầu trong quá khứ có thể trở thành những người bạn thực chất và đối tác của nhau.
“Việt Nam sẽ dõi theo cam kết khắc phục hậu quả chiến tranh của Bộ trưởng Austin, bao gồm việc dọn dẹp dioxin và rà phá bom mìn chưa nổ tại Việt Nam”, vị cựu đại sứ nhận định, bổ sung rằng người dân Việt Nam cũng sẽ hoan nghênh sự hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 từ Mỹ.
Quốc Đạt