Nếu ví mối quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga như một cuộc hôn nhân thì nó đã vượt lên trên cả mức cao nhất là kim cương (60 năm). 72 năm cùng nhau vượt qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử lẫn những thách thức của thời đại mới, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên Bang Nga có thể xem là hình mẫu lý tưởng của sự bền vững, truyền thống, tin cậy góp phần tạo động lực, đột phá mới trong hợp tác giữa hai nước.
Không chỉ trong quá khứ mà ngay ở hiện tại, cả Liên Bang Nga và Việt Nam vẫn luôn dành cho nhau sự coi trọng rất lớn. Trong chính sách “quay trục về phía Đông”, lãnh đạo Nga luôn quan tâm và tăng cường đến việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Trong Sắc lệnh số 605 của Tổng thống Nga Vlamidir Putin ngày 7/5/2012 “Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, Việt Nam được coi là một trong ba quốc gia đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở Châu Á. Đặc biệt, trên trường quốc tế, Nga và Việt Nam thường có đồng quan điểm trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau tại LHQ, APEC, ASEAN, ARF.
Thậm chí, thời gian gần đây, bất chấp đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam – Liên Bang Nga vẫn tăng hơn 15% và trong 9 tháng năm 2021, tăng hơn 16%. Chính vì vậy, chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra xung lực mới thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên Bang Nga trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo quan hệ chí nghĩa chí tình tiếp tục tiến lên phía trước.
Có lẽ, hiếm có cuộc hội đàm nào giữa hai nguyên thủ quốc gia lại kéo dài lâu như vậy. Gần 4 tiếng đồng hồ để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Vladimir Putin thẳng thắn nhìn lại những thành quả đạt được lẫn những rào cản, khó khăn tồn tại trong quá trình hợp tác giữa hai quốc gia. Đặc biệt, đã có hơn 20 vấn đề được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cùng với một số nội dung do Tổng thống Putin đề ra được đưa lên bàn hội đàm. Chính sự cởi mở, thân tình nhưng cũng hết sức trọng thị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống V.Putin đã đạt được kết quả hội đàm rất thành công, đó là ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên Bang Nga đến năm 2030, nhằm định hướng cho hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, dân tộc, góp phần vào hoà bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Tuyên bố chung đã cho thấy ý chí của lãnh đạo hai nước trong việc củng cố tin cậy, tạo nền tảng cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thiện hoạt động của các cơ chế hợp tác chung và trong trường hợp cần thiết, sẽ thiết lập các hình thức hợp tác mới nhằm tạo động lực và đột phá thực chất trong quan hệ song phương.
Với quyết tâm đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên Bang Nga, hai nước sẽ nỗ lực mở rộng hơn nữa hợp tác. Và trong cuộc hội đàm lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống V.Putin nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng này. Những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được khắc phục nhằm đạt mục tiêu đưa kim ngạch giữa hai nước không chỉ dừng lại ở con số 5 tỷ USD.
Nỗ lực đưa mối quan hệ hai nước đúng nghĩa đi vào thực chất và hiệu quả không chỉ dừng lại ở đó mà trong chuyến thăm và làm việc với Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể nhận thấy những vấn đề rất chiến lược đã được mang ra bàn đúng trọng tâm và thể hiện rõ ý chí, quyết tâm của Việt Nam.
Ngày 30/9 vừa qua, Việt Nam đã nhận lô Sputnik-V thương mại đầu tiên với số lượng 739.000 liều. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, Việt Nam sẽ nhận được 40 triệu liều Sputnik-V cho đến tháng 6/2022. Cuộc chiến chống lại Covid-19 hiện đang trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Nga và Việt Nam trong tương lai gần. Đặc biệt, các nghiên cứu mở rộng đang được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Nga-Việt với sự tham gia của các nhà dịch tễ học Nga. Hơn nữa, một trong những dấu ấn quan trọng là vào tháng 9, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã gia công đóng chai thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên ở Việt Nam với sinh phẩm được Nga chuyển giao. Như đã biết, VABIOTECH đang tiến hành sản xuất đại trà vaccine Sputnik V, tiến tới có thể nâng công suất lên 5 triệu liều/tháng. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể trở thành địa điểm sản xuất vaccine Sputnik V đầu tiên tại Đông Nam Á trong tương lai gần.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đã ký kết biên bản ghi nhớ với Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga và Tập đoàn Binnopharm về việc chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết lập mới một cơ sở sản xuất “chu trình đầy đủ” vaccine Sputnik V phòng Covid-19 tại Việt Nam để sản xuất các loại dược phẩm phòng, chống Covid-19 và các loại dược phẩm khác. Có thể nói, một trong những thành công của cuộc hội đàm này, đó là việc Việt Nam sẽ nhận được công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19, được Nga hỗ trợ toàn diện từ tài liệu, quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực, vật liệu sinh học cần thiết để bảo đảm vaccine đạt tiêu chuẩn như sản xuất tại Nga. Trước đó, Việt Nam cũng đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga, thêm “cái bắt tay” kịp thời giữa Tập đoàn T&T với đối tác Nga để sản xuất Sputnik V trong nước lần này nữa thì có thể thấy được công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam từ trước trên nay là rất đúng đắn và mang ý nghĩa chiến lược. Từ đây, Việt Nam không chỉ có cơ hội chủ động nguồn cung vaccine mà còn nhanh chóng rút ngắn thời gian chống lại những biến chủng mới liên tục của virus SARS-CoV-2.
Như đã biết, Nga là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, không chỉ vài năm trở lại đây mà ngay cả trong quá khứ, Việt Nam cũng đã được nhận được sự viện trợ rất nhiều từ nước bạn. Vì vậy, đối với lĩnh vực an ninh quốc phòng, cả hai nước đều dành sự lưu tâm ở mức độ cao để hai nước cùng có lợi ở lĩnh vực này. Năm 2008, một bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác quân sự-kỹ thuật đã được ký kết. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã mua các loại vũ khí hiện đại từ Nga, trong đó có 6 con tàu ngầm Kilo. Ngoài ra, một số loại vũ khí của Nga cũng được cấp phép sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam. Có thể nói, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam hiện nay đã khác trước rất nhiều, Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc thi trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế tại Việt Nam năm 2021, cử đoàn cấp cao tham dự các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, cử tàu Hải quân tham gia lễ duyệt binh Hải quân Liên bang Nga và môn thi “Cúp Biển”.
Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không thể thiếu mảng hợp tác quan trọng này. Trong thời gian tới trên cơ sở các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, hợp tác quốc phòng hai bên sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, ủng hộ và tham gia các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng hai nước tổ chức (Hội nghị An ninh quốc tế Moskva, Hội thao Quân sự quốc tế, Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế), trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kỹ thuật quân sự, nghiên cứu mở ra cơ chế tham vấn cấp làm việc, cũng như tổ chức các hoạt động chung trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là Hội nghị quốc phòng quân sự ADMM+. Có thể nói, Nga chính là người bạn kề vai sát cánh hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc nâng cao năng lực quốc phòng lẫn cả vị thế quốc phòng trên trường quốc tế. Ông bà ta có câu “chọn bạn mà chơi” hay chơi với người giỏi thì ta sẽ là người giỏi tiếp theo. Nói nôm na vậy để thấy chiến lược ngoại giao của Việt Nam luôn có sự khôn khéo, chiến lược nhất định.
Đáng chú ý trong hợp tác quốc phòng lần này, Việt Nam cũng cho thấy sự ủng hộ rõ ràng của mình đối với các sáng kiến, đề xuất của Nga nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với ASEAN cũng như đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định và phát triển ở mỗi khu vực cũng như trên thế giới. Đặt trong bối cảnh tình hình biển Đông luôn có những diễn biến phức tạp thì những gì Việt Nam đạt được trong chuyến thăm Liên Bang Nga có vai trò rất quan trọng. Đó là tăng cường nội lực sức mạnh quân sự, đó là tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của một quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất nhì thế giới. Từ đó, nâng cao vị thế quốc phòng trên trường quốc tế. Những nỗ lực mang tính chiến lược này suy cho cùng là giúp Việt Nam tạo ra được một thứ “áo giáp” chất lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Việt Nam và Liên Bang Nga vốn dĩ đã có quan hệ hợp tác dầu khí từ lâu. Chuyến thăm của Chủ tịch nước là một phương thuốc hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng. Đặc biệt, Chủ tịch nước của cũng ủng hộ triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom.
Nói đi đôi với làm, ngay trong chuyến công du này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm công ty Zarubezhneft (đối tác Nga trong liên doanh Vietsovpetro ở Việt Nam và Rusvietpetro ở Nga), cũng như tiếp lãnh đạo hai tập đoàn Gazprom và Novatek, hai nhà sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất Nga. Trong khi Gazprom đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ nhiều năm qua thì Novatek vừa mới mở văn phòng đại diện tại Hà Nội hồi tháng 8/2021. Phải nói ngành năng lượng là một trong ngành kinh tế xương sống của Việt Nam. Bao nhiêu chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến Nga cũng chú trọng lĩnh vực hợp tác dầu khí và các đối tác ở Nga. Bởi lẽ sự hiện diện của các tập đoàn dầu khí Nga với hàng chục dự án trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là ngoài khơi biển Đông không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà nó còn mang ý nghĩa duy trì, bảo đảm tình hình ổn định của biển Đông trước những hành vi gây mất an ninh khu vực này.
Đặc biệt, trong bản Tuyên bố chung của hai nước cũng đã nhấn mạnh việc Việt Nam và Nga sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế. Rõ thấy, cả hai nước đều dành một sự quyết tâm cao độ để bảo đảm tình hình ổn định của biển Đông, tiếp tục hợp tác, phát triển kinh tế.
Theo Tiến sỹ Evgeny Kobelev đánh giá: “Ông Nguyễn Xuân Phúc là một chính khách quen thuộc với Liên bang Nga trên cương vị Thủ tướng trước đây. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc Chủ tịch nước Việt Nam là một trong số ít các nhà lãnh đạo gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm nay cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước”. Có thể nhận thấy Liên Bang Nga luôn dành một sự tôn trọng đặc biệt cho Việt Nam. Chính sự đặc biệt này đã tạo tiền đề để hai nước thống nhất ra Tuyên bố chung, cùng chia sẻ nhiều quan điểm về tình hình thế giới và khu vực. Đáng chú ý là một số văn kiện hợp tác quan trọng tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng, kỹ thuật quân sự giữa hai nước đã được ký kết; Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội trở thành địa điểm sản xuất vaccine Sputnik V đầu tiên tại Đông Nam Á; Hợp tác dầu khí được đẩy mạnh, thậm chí có thể phát triển hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, hiện thực hóa Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam và còn rất nhiều chương trình hợp tác khác được thông qua liên quan đến an ninh thông tin, kinh tế, văn hóa, giáo dục,…
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định đây là mối quan hệ thủy chung, gắn bó chặt chẽ, hiếm có trên thế giới. Quan trọng hơn cả, chuyến thăm còn khẳng định đường lối đối ngoại của nước ta do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu, đồng thời góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương.
Thực hiện: Đặng Trường
Đồ họa: M.N