Chuyến thăm của Thủ tướng hiện thực hóa cam kết trong các hiệp định Việt – Nhật
Việt Nam-Nhật Bản có quan hệ nguồn nhân lực rất quan trọng, đây là dịp Thủ tướng gửi thông điệp đến cộng đồng Việt Nam rằng chính phủ luôn ủng hộ, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11. Nhân dịp này, PV phỏng vấn ông Vũ Hồng Nam – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản.
PV: Thưa Đại sứ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến quan hệ đối ngoại toàn cầu, trong bối cảnh đó Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian gần đây?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Nét đặc trưng trong quan hệ 2 nước những năm vừa qua, đặc biệt là trong 2 năm đại dịch 2020, 2021 vẫn thể hiện “biểu đồ” đi lên. Đầu tư vẫn tăng bởi các làn sóng phát triển doanh nghiệp mở rộng nguồn cung ở Việt Nam. Thương mại tăng bởi cung ứng hàng hóa 2 nước đều tăng. Điều này thể hiện quyết tâm, gắn bó nền kinh tế 2 nước đặc biệt là ảnh hưởng của hiệu lực của các FTA của chúng ta vừa mới ký.
Về chính trị, mặc dù trong bối cảnh đại dịch nhưng hai nước vẫn tổ chức gặp gỡ. Năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản, 2020 Thủ tướng Suga Yoshihide thăm Việt Nam và sắp tới Thủ tướng Việt Nam là vị khách đầu tiên đến thăm Thủ tướng Kishida Fumio.
Quan hệ an ninh – quốc phòng phát triển, Việt Nam tiếp tục đón nhận các tàu Nhật Bản ghé thăm. Các bạn thực tập sinh của Việt Nam hiện nay sang Nhật Bản tăng rất nhiều và là nguồn cung ứng nguồn nhân lực mà Nhật Bản rất tin cậy và coi trọng. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản.
PV: Với nền tảng quan hệ 2 nước đang phát triển tốt đẹp, theo đánh giá của ông, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa như thế nào?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Điều quan trọng tôi cho rằng, lãnh đạo cấp cao thường xuyên duy trì trao đổi gặp gỡ lần nhau. Năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản. Năm 2020, mặc dù đại dịch căng thẳng Việt Nam vẫn đón Thủ tướng Yoshihide Suga thăm Việt Nam thành công, mở ra hợp tác tốt đẹp, tạo đà cho năm 2021.
Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được dập tắt, có nhiều khó khăn, hai nước chưa hẳn mở cửa nhưng đã dũng cảm, cùng quyết tâm thực hiện chuyến thăm. Chuyến thăm có ý nghĩa phá vỡ “tảng băng” của đại dịch, chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường, làm sao phải tiếp tục phát triển, đảm bảo an toàn, duy trì quan hệ hai nước thường xuyên tạo nền tảng cho quan hệ toàn diện trên các mặt.
Điều thứ 2 rất quan trọng, tôi cho rằng 2 thủ tướng đều mới. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Kishida Fumio tiếp đón, còn với Thủ tướng Phạm Minh Chính – đây là chuyến đi thứ 2 sau chuyến công du dự COP26, điều này thể hiện nhu cầu cấp thiết của 2 thủ tướng mới gặp nhau để tạo ra mối quan hệ cá nhân. Người Nhật có câu “xa mặt cách lòng” nếu không gặp nhau thì tình thân không gắn bó. Tại COP26, 2 thủ tướng đã gặp nhau về mặt lễ tân, nhưng chuyến đi lần này là nền tảng để 2 thủ tướng bàn bạc sâu rộng hơn.
Các bộ, ngành, địa phương đi theo sẽ có cơ hội để làm việc với các đối tác phía Nhật Bản, đây là cơ hội để chúng ta mở ra thời kỳ mới hậu đại dịch. Tôi cho rằng, chuyến đi có ý nghĩa quan trọng không chỉ là một dấu lịch sử trong quan hệ hai nước, mà còn tạo đà chuẩn bị cho chúng ta chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023, đặc biệt giúp chúng ta phá vỡ “tảng băng” đang ngăn cản phát triển kinh tế và giao lưu giữa hai nước, chuyến đi mở màn cho làn sóng phát triển mới toàn diện giữa ahi nước.
Chuyến đi khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam là các địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng nguồn cung sang Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua chúng ta nỗ lực hết sức vừa đảm bảo phòng dịch, vừa tiếp tục duy trì điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp Nhật Bản duy trì sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam-Nhật Bản có quan hệ nguồn nhân lực rất quan trọng, đây là dịp Thủ tướng gửi thông điệp đến cộng đồng Việt Nam rằng chính phủ luôn ủng hộ, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
PV: Xin Đại sứ cho biết một số nội dung chính sẽ được đưa ra trong chương trình nghị sự sắp tới của 2 thủ tướng?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Chuyến thăm sẽ có các hoạt động chính như đón tiếp chính thức, hội đàm thông qua đó các vấn đề lớn của hai nước sẽ được đề cập. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của chuyến đi này là hai nước phải đặt ra định hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới, thời kỳ hậu đại dịch, khẳng định rằng đại dịch không ảnh hưởng, kiên quyết để vượt qua đại dịch.
Nhiệm vụ thứ 2 là kinh tế thương mại sẽ là chủ đề chính. Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của các hiệp định kinh tế lớn CPTPP, RCEP…. Đây là dịp 2 thủ tướng phải hiện thực hóa cam kết trong các hiệp định. Việt Nam cam kết luôn hỗ trợ các nhà đầu tư Nhât Bản, Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng, thiết lập sản xuất mới để tạo ra nguồn cung an toàn.
Về thương mại, thị trường Nhật Bản hiện đang quan tâm đến nguồn cung của Việt Nam như rau hữu cơ (organic), thủy hải sản, thực phẩm chế biến, hoa quả,… An ninh chính trị là chủ đề chắc chắn được đề ra vì trong giai đoạn vừa qua, mặc dù đại dịch nhưng vẫn tồn tại xung đột thách thức ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Biển Đông, Biển Hoa Đông tạo nguy cơ đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Đây là lúc hai nhà chính trị sẽ phải cùng nhau định hướng hợp tác giữa hai nước, nhằm mục tiêu nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình ổn định của khu vực. Ngoài ra, 2 thủ tướng sẽ trao đổi về các dự án cụ thể như thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác nguồn nhân lực, trao đổi học sinh,…
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!.
Hoàng Nguyễn