+
Aa
-
like
comment

Chuyện tết xưa, tết nay và sum vầy hay đi du lịch?

Bảo An - 24/01/2022 10:10

Người xưa vẫn nói “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán vẫn là một dịp lễ quan trọng, được mọi người quan tâm, chăm chút. Đây cũng là dịp lễ thể hiện đậm nét dấu ấn văn hoá Việt.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều lễ hội ở nước ngoài đã được du nhập và phát triển tại Việt Nam, nhận được sự tham gia của nhiều người. Ở trong nước, đã có một số ý kiến bàn luận về việc bỏ “Tết ta” để sinh hoạt theo lịch “Tết tây”. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến tranh luận được đưa ra, Tết Nguyên đán vẫn được duy trì, là một dịp lễ quan trọng được nhiều người mong đợi.

Tết xưa…

Khi hoa đào rộn ràng khắp phố, hoa mơ, hoa mận nở trắng núi rừng kèm theo những cơn mưa phùn bay lất phất cũng là lúc mùa Xuân đến với miền Bắc. Trong khi đó, “nàng Xuân” lại đến với miền Nam trong sắc vàng tươi của hoa mai, hoa cúc và nắng ấm chan hoà. Tuy nhiên, dù ở đâu thì Tết Nguyên đán vẫn là dịp lễ quan trọng, là thời điểm để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình và bàn lại những chuyện buồn, vui của năm đã qua.

Nguyên đán là một từ Hán Việt. Trong đó, nguyên là sơ khai, khởi đầu; đán có nghĩa là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là sự luân chuyển của thời gian, là thời điểm bắt đầu của một năm, mở ra một chu kỳ sản xuất mới. Tết kéo dài chính thức 3 ngày nhưng trước Tết, từ 23 âm lịch của tháng chạp, nhà nhà đã tất bật để chuẩn bị cho ngày Tết.

Đặc trưng của Tết xưa là cảnh mọi người nô nức đi chợ Tết, là những ngày quây quần gói bánh chưng, là những đêm thức bên bếp lửa đỏ để luộc bánh. Để rồi sau bao bộn bề của cuộc sống, mọi người trong gia đình lại ngồi quây quần trong mâm cơm tất niên ôn lại câu chuyện của năm cũ, trải lòng về những ước mong, hi vọng trong năm mới.

Dù thành công hay chưa thành công, dù đạt được ước vọng hay vẫn còn dang dở thì khi giao thừa đến, mọi người cũng tạm gác lại những điều không vui của năm cũ. Những ngày đầu năm mới, mọi người đi thăm hỏi người thân, bạn bè, hàng xóm và chúc nhau những điều tốt đẹp, động viên nhau có một năm mới với tinh thần phấn chấn hơn, sức khoẻ dồi dào hơn và thành công cũng nhiều hơn.

…Tết nay

So với Tết xưa, ngày nay việc chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết nhẹ nhàng hơn nhiều. Đặc biệt ở các khu phố thị, nhiều nét Tết xưa cũng không còn. Dưới sự xô bồ của cuộc sống, sự phát triển của công nghệ, sự lớn mạnh của nền kinh tế thị trường, người ta không còn phải lịch kịch để chuẩn bị cho Tết như xưa. Chỉ cần một cú bấm chuột, một cuộc gọi là đã có đủ mọi thứ cho Tết, từ bánh chưng, mứt kẹo cho đến những đồ thờ cúng tổ tiên… Thay vì đi thăm hàng xóm, người thân, bạn bè, một số gia đình lại chọn đi nghỉ dưỡng vào những ngày đầu năm mới.

Theo cảm nhận của một số người, Tết nay đã “nhạt”, không còn “đậm đà” như Tết xưa. Thậm chí, với những người hoài cổ, không ít người cảm thấy hụt hẫng, thiêu thiếu một cái gì đó khi Tết đến. Và khi đó, người ta lại mong muốn quay lại những ngày xưa cũ, quay lại thủa hàn vi khi gia đình sum vầy gói bánh chưng…

Có thể thấy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn 10 năm vừa qua, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Nhiều hoạt động trong ngày Tết cũng đã biến chuyển theo những xoay vần của cuộc sống. Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, Tết vẫn luôn là dịp để người ta chờ mong.

Tết từng thời, từng hoàn cảnh, từng gia đình lại có những điểm khác nhau. Nó biến chuyển một cách hài hoà trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì Tết Nguyên đán vẫn là một nét văn hoá đặc trưng, thể hiện đậm nét những giá trị thiêng liêng mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần người Việt nhất. Như lời đánh giá của chuyên gia văn hoá, PGS.TS Đỗ Đình Trụ: “Tết có từ ngàn xưa đã đi vào tâm khảm của mỗi gia đình Việt. Dù chúng ta làm ăn vất vả, đi đâu về đâu, ở trong nước hay nước ngoài nhưng Tết là dịp để hướng về gia đình. Nên Tết nguyên đán còn gọi là Tết sum vầy, ở đây thể hiện tất cả những văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt”.

Như ai đó đã nói, chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về – đó là nhà. Nhắc đến Tết là nhắc đến gia đình, nhắc đến nhà, nhắc đến sự sum vầy. Vì vậy, dù sống nhanh hay sống chậm, dù theo phong cách hiện đại hay truyền thống, dù chọn cách đến theo kiểu Tết xưa hay Tết nay thì hãy nhớ Tết là thời điểm để chúng ta quây quần, đoàn tụ, tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất bên gia đình và người thân.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều