Chuyện tấm bằng
Vụ việc Đại học Đông Đô vi phạm quy định về đào tạo và cấp văn bằng trái với quy định của pháp luật đang nhận được sự quan tâm theo dõi của cộng đồng. Đặc biệt, sau thông tin 55 người có uy tín, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô được đưa ra đã gây ra một làn sóng tranh luận mạnh trên cộng đồng mạng xã hội.
Liên quan đến vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, ngày 24-11 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường đại học Đông Đô theo quy định của pháp luật. Vụ án vi phạm quy định trong giáo dục nêu trên đã gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ngành giáo dục, gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nghiêm trọng hơn, nhiều đối tượng cơ hội đã lợi dụng vụ việc này để xuyên tạc, tấn công hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng.
Những kẻ “ăn bám”, xuyên tạc thông tin
Cần phải nhấn mạnh, việc giả mạo trong công tác, tiến hành đào tạo “chui”, mua bán bằng giả diễn ra tại Đại học Đông Đô là vụ án có tính chất nghiêm trọng, có tổ chức, thể hiện sự ngang nhiên, coi thường pháp luật, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội, tác động xấu đến dư luận. Theo thông tin được báo chí đưa ra, có đến 55 trường hợp đã sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô để làm điều kiện xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ; nhiều người sử dụng bằng giả này để “thăng quan tiến chức”, nâng ngạch thanh tra viên v.v… Trong vụ việc này, cùng với việc xử lý những kẻ thực hiện hành vi phạm tội, chúng ta cũng cần tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích, bản chất của những người được Đại học Đông Đô cấp bằng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể có một sự nhập nhèm, trắng – đen lẫn lộn trong vụ việc này.
Trong trường hợp những người sử dụng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp, nếu ngay từ đầu họ biết nó là giả, không tiến hành học tập trên thực tế, chỉ bỏ tiền ra để mua bằng nhằm mục đích vụ lợi cá nhân cần phải xử lý nghiêm khắc, không thể bao che, khoan nhượng với sai phạm.
Tuy nhiên, hiện nay, một số đối tượng cơ hội chính trị lại đang lợi dụng vụ việc nêu trên để chĩa mũi nhọn tấn công chính quyền. Trên mạng xã hội, nhiều dòng thông tin sai trái, độc hại được tung ra như: “chính cơ quan nhà nước chứ không nơi nào khác, nó chiếm hầu hết bằng giả, bằng dỏm của xã hội”, “một chính quyền như thế, làm sao họ xây dựng được nền giáo dục cho ra hồn được”. Thậm chí, các đối tượng còn tiến hành vơ đũa cả nắm, vu khống năng lực, trình độ của đội ngũ lãnh đạo ở nước ta. Đồng thời, các đối tượng này tích cực công kích, phỉ báng, xuyên tạc nền giáo dục của nước ta; ca ngợi, cổ vũ nền giáo dục của chế độ miền Nam cũ, chế độ giáo dục của chế độ tư sản. Cái đích cuối cùng mà các đối tượng hướng đến là đổ lỗi cho Đảng, cho Nhà nước, cho chế độ là nguyên nhân phát sinh những sai phạm trong công tác quản lý giáo dục. Từ đó, các đối tượng này kích động tư tưởng bất mãn, chống đối, kêu gọi hình thành chế độ đa nguyên, đa Đảng ở nước ta.
Không có ai dung túng cho sai phạm
Cần phải nhấn mạnh, việc các đối tượng đổ lỗi cho Đảng, cho Nhà nước như trên là luận điệu sai trái, xuyên tạc, cần phải kiên quyết đấu tranh.
Đảng, Nhà nước ta không bao che, dung túng cho sai phạm, tiêu cực. Đặc biệt, trong vấn đề sử dụng bằng cấp càng phải tiến hành thận trọng. Thực tế, không phải đến hiện tại, khi Cơ quan CSĐT – Bộ Công an kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác diễn ra tại Đại học Đông Đô thì vấn đề sử dụng bằng cấp mới được chú ý. Chính Đảng, Nhà nước và các cơ quan công quyền đã nhiều lần tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm của cán bộ trong việc sử dụng bằng giả. Đơn cử như năm 2011, tại tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện 284 cán bộ sử dụng bằng giả; năm 2015, tại Thanh Hóa phát hiện 20 trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả. Tất cả các trường hợp sử dụng bằng giả đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hơn ai hết, đảng ta hiểu rõ cán bộ là sức mạnh của đất nước. Chính vì vậy, Đảng ta luôn thận trọng trong việc sử dụng cán bộ. Khi phát hiện sai phạm, chúng ta đều kiên quyết xử lý, không hề có bao che, bắt tay với sai phạm. Việc đổ lỗi, vu khống các sai phạm tại Đại học Đông Đô cho Đảng, Nhà nước như luận điệu mà các đối tượng đưa ra là hoàn toàn sai trái, thể hiện sự xuyên tạc trắng trợn.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả