Chuyện ông lão thích “ăn cơm nhà vác tù và…cao tốc”!
Một thông tin đáng chú ý tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can là cán bộ quản lý, điều hành, thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 298 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Những người bị bắt tạm giam có ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.
Khi nghe tin sự việc này xảy ra, nhiều người sẽ nhớ đến lão nông Phạm Tấn Lực- một người dân ở huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi, từng làm bảo vệ ở công trường của gói thầu A3 trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Nhận thấy dấu hiệu làm bậy, rút ruột công trình tại dự án của nhà thầu, ông Lực đã âm thầm thu thập hình ảnh, tài liệu làm bằng chứng tố cáo các sai phạm như việc lấy đất không đủ tiêu chuẩn để đắp nền đường.
Thậm chí sau đó, ông nghỉ làm, nhờ vợ nuôi, xin tiền vợ mua máy ảnh để chụp hình làm bằng chứng, ròng rã tố cáo nhà thầu thi công suốt 4 năm và cuối cùng có kết quả: Nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng, ngừng thi công trên đoạn tuyến của gói thầu A3. Ở huyện Bình Sơn khi đó, nhiều người dân mặc dù đồng tình, tán dương ông Lực nhưng vẫn gọi đùa ông là ông Sáu “gàn”, ông Sáu “cao tốc” hay ông già thích “ăn cơm nhà vác tù và… cao tốc”.
Vụ việc trên thì không liên quan trực tiếp đến việc ông Sáu “cao tốc” tố cáo lên Ban quản lý dự án vì những cá nhân nói trên được cho là có những hành vi vi phạm pháp luật ở các gói thầu khác. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là trong số các bị can vừa bị khởi tố, có ông Nguyễn Tiến Thành nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án của toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi có vốn đầu tư đặc biệt lớn: 34.500 tỷ đồng. Mà ông Thành lại là người đã nhiều lần nhận đơn tố cáo từ ông Phạm Tấn Lực nhưng đã có biểu hiện bao che, lấp liếm cho sai phạm của nhà thầu mà ông Lực đã cung cấp bằng chứng chứng minh họ đã rút ruột công trình như thế nào.
Trong bài báo “Lão nông 4 năm kiên trì tố nhà thầu cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thi công gian dối” đăng trên báo Dân trí ngày 20/10/2018, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Dân trí về nội dung tố cáo của ông Lực là đúng hay không, ông Nguyễn Tiến Thành, khi đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án trên đã nói rằng: “Có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên “người ta” chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được giải pháp nên thông tin đó không được toàn diện”.
Đến nay, khi ông Nguyễn Tiến Thành cùng nhiều cán bộ liên quan khác bị khởi tố, bắt giam, có thể hiểu rằng, những tố cáo của lão nông Phạm Tấn Lực khi đó không sớm được làm rõ vì ban đầu ông đã tố cáo không đúng địa chỉ.
Bởi người giải quyết, tiếp nhận đơn thư của ông, như điều tra ban đầu của cơ quan công an lại là người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm trái quy định về xây dựng của nhà nước thì họ làm sao có thể công tâm xử lý nội dung ông tố cáo?.
Rất may, sau này, những nội dung ông Lực “cao tốc” cũng được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý và từ đó phát hiện ra nhiều sai phạm của nhà thầu để xử lý, hạn chế thất thoát vốn nhà nước.
Đáng tiếc là cho đến giờ, mới chỉ có các cơ quan báo chí, trong đó có Dân trí vinh danh ông Sáu “cao tốc”- người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mà chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra xem xét khen thưởng, tặng thưởng cho ông theo quy định về khen thưởng người có thành tích tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực hiện hành.
Mạnh Quân