+
Aa
-
like
comment

Chuyện nhà thơ, nhà toán học và người chèo đò

03/07/2020 06:03

Niên học 2019 – 2020 kết thúc kỉ lục với kỳ nghỉ kéo dài tới 4 tháng. Và rất vui, theo đánh giá của Bộ Giáo dục & Đào tạo, chất lượng năm nay không hề bị ảnh hưởng.

Từ đây, đặt ra một câu hỏi: Các bậc học phổ thông có cần thiết phải kéo dài 9 – 10 tháng như mọi năm? Và thậm chí, có cần kéo dài đến 12 năm như hiện nay?

Đây là câu hỏi rất lớn, xin được đề cập sau.

Trước mắt, xin đề xuất mấy ý kiến có thể làm ngay trong thời điểm đang thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

Đó là có nên bỏ bớt một số môn và bỏ bớt một số phần trong chương trình để tập trung vào một số môn thiết thực hơn?

Xin ví dụ điển hình từ môn toán, một trong những môn chiếm nhiều thời lượng nhất hiện nay.

Về chủ đề này, cách đây 8 năm (2012), cố PGS Văn Như Cương, một nhà giáo nổi tiếng, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam từng bày tỏ trong một bài phỏng vấn:

“Toán phổ thông thừa ít nhất 50%, có nhiều kiến thức thừa, vô bổ đối với học sinh. Thực tế, ngoài các nhà Toán học nghiên cứu chuyên sâu, không ai sử dụng số ảo, số phức kể cả kỹ sư, nhà thơ, nhà lãnh đạo… cũng không cần. Vậy mà năm nào, đề thi tốt nghiệp cũng có một bài số phức. Chỉ học lý thuyết suông chứ đâu có vận dụng được vào thực tế. Vậy học để làm gì? Để thi à?

Theo tôi, phần tích phân, số phức là thừa. Mở rộng đến số hữu tỷ là được rồi, chứ không cần phải dạy trường số phức làm gì cả. Còn hình học có phép biến hình trong không gian là không cần thiết”.

Chuyện nhà thơ, nhà toán học và người chèo đò - 1

Đây là những ý kiến rất đáng lưu ý bởi tính thực tế vì PGS Cương còn là người sáng lập ra trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam, trường Lương Thế Vinh.

Thực tế, đúng là trong số hàng ngàn, hàng vạn người may ra mới có một vài người sau khi ra trường còn nhớ đến những 7 hằng đẳng thức, phương trình 1,2,3 hay tích phân, lượng giác bởi nó… chẳng để làm gì cả.

Vậy, giả sử giảm bớt 50% lượng kiến thức môn toán như đề xuất của PGS Cương thì học sinh học gì?

Xin trích dẫn 5 đề xuất của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam – Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP HCM:

Dạy thêm cho các em thật nhiều môn khác là thể dục, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, điền kinh… Dạy thêm cho các em biết cách sử dụng tiếng Anh thật thành thạo. Dạy thêm cho các em biết thương những phận đời dưới đáy xã hội, để rồi các em có thể sống nhân hậu hơn và không còn vô cảm trước những hoàn cảnh kém may mắn. Dạy thêm cho các em kỹ năng làm việc nhóm, để các em hiểu rằng không thể thành công nếu chỉ làm việc thui thủi một mình. Dạy thêm cho các em một số kỹ năng sống tối thiểu, để lỡ một mai không có ba mẹ đi bên cạnh, các em ấy vẫn đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời… “Sống nửa đời người, mình chỉ tiếc nuối một điều thôi, nếu ngày xưa có điều kiện hơn, chắc chắn mình sẽ giỏi tiếng Anh hơn, chắc chắn sức khỏe mình sẽ tốt hơn, chỉ cần vậy thôi là mình sẽ làm được nhiều việc hơn nữa”. GS Nam tâm sự.

Tóm lại, theo PGS Cương và GS Nam, chương trình và sách giáo khoa hiện nay vừa thừa, vừa thiếu.

Thừa những kiến thức không cần thiết, “vô bổ”, chả để làm gì… và thiếu những kiến thức thiết thực.

Để kết thúc bài này, người viết xin kể lại một câu chuyện đã đọc lâu rồi, đại loại có một nhà thơ và một nhà toán học đi dạo biển trên một con thuyền.

Nhà thơ hỏi người chèo thuyền:

Anh có biết làm thơ không?

Không, thưa ông!

Ôi, anh đã bỏ phí một phần của cuộc đời.

Nhà toán học hỏi:

Anh có biết toán học không?

Không, thưa ông.

Anh đã bỏ phí một phần cuộc đời.

Các vị có biết bơi không? Người chèo thuyền hỏi.

Không! Cả hai vị đều đáp.

Thế thì hai vị có thể sẽ mất cả cuộc đời.

Nói rồi anh ta chỉ vào một con sóng khổng lồ đang ầm ầm kéo tới…

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều