Chuyện một số “nghệ sĩ” Việt quảng cáo bẩn và coi thường người hâm mộ
Có lẽ hiếm có một làng giải trí nào như làng giải trí Việt Nam, nơi mà các ngôi sao có những hành động rất lạ kỳ, rất khó hiểu, họ bất chấp hậu quả sẽ đến với người hâm mộ, rồi lại tỉnh bơ và phủ nhận như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Tối qua, một loạt các nghệ sỹ, người mẫu có tiếng chia sẻ về một đồng tiền mã hóa, tiền ảo. Nói cho những ai mù mờ về loại hình này, về cơ bản, tiền mã hóa, tiền ảo chưa được cấp phép giao dịch tại Việt Nam, các hình thức kêu gọi đầu tư liên quan đến tiền ảo đều chưa phải là các hình thức đầu tư hợp pháp tại Việt Nam. Cuộc chơi tiền ảo không phải dành cho những tay mơ, cho những người con người “mù kiến thức”.
Có không ít những nghệ sỹ sử dụng danh tiếng cá nhân để quảng bá cho kem trộn, mặt nạ rởm, thực phẩm chức năng, thuốc thang không rõ nguồn gốc. Rồi khi báo chí lên tiếng cảnh báo về tác dụng nguy hại sẽ đến với người tiêu dùng, thì họ “bùng”, “sủi kèo”, xóa bài và còn kích động người hâm mộ của họ vào chửi nhà đài.
Đã có không biết bao nhiêu trường hợp tán gia bại sản vì đầu tư tiền ảo, cánh báo chí và nhà đài nói miết ra rả nhằm khuyên can người dân. Mà các nghệ sĩ lại cứ coi như không, họ đang quảng bá một thứ mà nói thẳng ra chẳng khác gì việc bài bạc là mấy. Và cũng rất nhiều người hâm mộ khác, vì tin tưởng vào những ngôi sao, vì “chữa bệnh là vái tứ phương”, họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn, rồi bệnh thì chưa mất đi nhưng lại mang thêm tật vào người. Nghệ sỹ Việt, liệu còn có lương tâm hay không?
Nghệ sỹ xóa bài đăng luôn dễ dàng hơn việc người hâm mộ lấy lại tài sản và sức khỏe. Mà nếu nhìn về những ngôi sao ấy, họ đâu phải ở trong dạng túng thiếu gì mà phải bất chấp nhận tiền PR bẩn? Nghệ sỹ cũng có gia đình, họ cũng cần tiền như bao người khác. Nhưng có đồng tiền sạch và cũng có đồng tiền bẩn. Những đồng tiền sạch mà những người nghệ sĩ kiếm được dựa trên thành tựu lao động chân chính của họ, từ những tác phẩm nghệ thuật, thù lao từ tham gia gameshow, từ nhà tài trợ, từ những nhãn hàng uy tín, tên tuổi, có kiểm định,… Còn tiền bẩn được hình thành từ việc bất chấp pháp luật và đạo lý, không quan tâm đến người hâm mộ, họ ra sức quảng bá, PR cho những sản phẩm kém chất lượng, thiếu kiểm chứng, đa cấp, biến tướng.
Thứ mà những nghệ sĩ sau mỗi bài “PR bẩn” là thù lao, là tiền bạc nhưng thứ mà người hâm mộ phải chịu đó là bệnh tật, là niềm tin bị phản bội, là tài sản cá nhân bị hao hụt. Có người nào đó nói rằng: “Nghệ sĩ kiếm tiền từ công chúng mà lại im lặng hại công chúng. Công chúng nuôi nghệ sĩ hay nghệ sĩ nuôi công chúng”. Có nhiều người nghệ sĩ khác, rất thích “đú bẩn” chuyện chính trị, đem nước mình ra so với nước người. Hồi năm 2018, xung quanh câu chuyện luật an ninh mạng và luật đặc khu, nhiều nghệ sĩ còn lan truyền thông tin thất thiệt, kích động người hâm mộ chửi bới nhà nước và xua người hâm mộ biểu tình chống phá. Từng có một câu đùa cợt rằng, với nhiều nghệ sĩ, họ “pray” cho mọi thứ, từ Hong Kong cho đến Paris, từ cháy rừng ở Brazil cho đến Úc, nhưng họ lại thờ ơ về Việt Nam.
Nhiều bạn biện minh cho các nghệ sĩ, rằng họ cũng là người thường, được thuê đăng bài thì đăng, muốn bày tỏ ý kiến thì viết. Xin lỗi, nghệ sĩ không phải là những người bình thường. Làm gì có người bình thường nào có hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt theo dõi? Làm gì có người bình thường nào khi đăng status mà có hàng chục ngàn người vào xem? Làm gì có người bình thường nào tự dưng được thuê làm gương mặt đại diện? Những người nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng, có hình ảnh và sự lan tỏa to lớn. Mỗi chi tiết về cuộc sống của họ, những gì họ phát ngôn, đều có thể trở thành chủ đề bàn tán và quan tâm của xã hội.
Phải chăng, từ “nghệ sĩ” dường như đã và đang bị lam dụng? Thật trớ trêu khi Đen Vâu, Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm,… cũng là nghệ sĩ, và một đám người khác, đi lên từ scandal, sống bằng tai tiếng, sinh tồn bằng tiền bẩn, cũng được gọi hoặc tự họ phong, là “nghệ sĩ”. Chính những con người này, đang vùi dập một thế hệ nghệ sĩ đi lên bằng tài năng, khiến showbiz luôn chìm trong những tranh cãi, thủ đoạn, khiến hai chữ “nghệ sĩ” trở nên rẻ rúng đi nhiều, khiến nền nghệ thuật nước nhà cứ lay lắt, khiến người hâm mộ đôi khi còn phải thừa nhận rằng: “Thà ủng hộ nghệ sĩ nước ngoài còn hơn”. “Là nghệ sĩ hay một người bình thường nhất, cũng hãy sống một cách có lương tâm. Nếu không thể chỉ cho người khác một con đường sáng sủa hơn thì cũng đừng nên chỉ họ ra hướng cầu Bình Lợi. Làm vậy, tệ và hại vô cùng”.
Tifosi
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả