Chuyên môn của Bộ Công an không đến lượt RFA đánh giá
Cách đây vài tháng, trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã có đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Mặc dù, Chính phủ đã đồng ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án này. Tuy nhiên, ngay sau đó, trang RFA Tiếng Việt đã đăng tải bài viết có tựa đề “Bộ Công an cấp bằng lái xe: vừa đá bóng vừa thổi còi!” cùng với nội dung chủ yếu cho rằng “Bộ Công an độc tài, sinh tiêu cực, không đúng chuyên môn”.
Như đã biết, việc tổ chức dạy, thi và cấp giấy phép lái xe đã từng do Bộ Công an thực hiện. Đến ngày 29/5/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Theo đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Công an quản lý sang Bộ Giao thông vận tải từ ngày 1/8/1995. Nay, Bộ Công an đề xuất chuyển đổi ngược lại, ắt hẳn cũng có nhiều lý do.
Đầu tiên phải nhìn vào con số tai nạn giao thông năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ, bao gồm 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Là những người kiểm tra, giám sát, xử phạt người vi phạm Luật an toàn giao thông, chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông kèm theo thương vong sau đó, có lẽ hơn ai hết Bộ Công an cũng cảm thấy sốt ruột. Dù vì lý do chủ quan hay khách quan thì tai nạn giao thông cũng cần có giải pháp ngăn chặn. Trong số các giải pháp từng có thì không thể thiếu khâu kiểm soát chặt chẽ việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đúng vậy, muốn đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn thì phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe. Thế nên, để các chiến sỹ cảnh sát giao thông (những người đã có vô số cảm nhận rõ nhất về tình hình, ý thức và hậu quả của tai nạn giao thông) tham gia sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ chuẩn xác hơn nhiều.
Hơn nữa, Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn cũng nhận định rằng: “Việc chuyển giao công tác sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an quản lý là phù hợp vì Bộ Công an có lợi thế trong quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan tăng tính răn đe, giúp thay đổi ý thức giao thông hiệu quả hơn”. Đúng như Tiến sỹ Tuấn nói, một trong những điểm lợi thế nhất có ở Bộ Công an đó là tính răn đe, kỷ luật, điều này có thể giúp người dân nâng cao được ý thức tham gia giao thông hơn rất nhiều.
Trước đây, có không ít ý kiến phàn nàn nàn bộ máy nhà nước các bộ, ban, ngành các cấp còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Nếu đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an được thông qua thì chẳng phải công tác quản lý sẽ quy một mối, khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hơn nữa, nhìn xa vấn đề thì việc làm này còn tiết kiệm được ngân sách hơn rất nhiều. Cuối cùng là mang về lợi ích cho người dân. Vậy có xem là “độc tài, sinh tiêu cực” như RFA Tiếng Việt đã nói?
Nhìn vào thực tế, thời gian qua, bất kỳ học viện, trường Đại học Cảnh sát, An ninh nào cũng tự tổ chức đào tào và sát hạch lái xe ô tô 4 bánh cho học viên. Đây là điều kiện cần và đủ để tốt nghiệp ra trường. Giấy phép lái xe được các chiến sỹ công an nhân dân cầm trên tay cũng do Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an cấp. Đặc biệt, trên cả nước, hằng ngày có hàng ngàn chiến sỹ cảnh sát giao thông đứng đường điều tiết giao thông, xử phạt các lỗi vi phạm, điều tra, xử lý các vụ án về tai nạn giao thông… thì cớ gì “không đủ chuyên môn” để sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân?
Huống hồ, Cục Cảnh sát giao thông là cơ quan đặc thù thuộc Bộ Công an, nắm rõ nhất về các quy định giao thông đường bộ, những sai phạm thường có của người tham gia giao thông, những quy tắc an toàn để người dân bảo đảm an toàn giao thông trên đường,… thì không một cơ quan, đơn vị nào có thể có chuyên môn hơn, phù hợp hơn được nữa.
Chính Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã thừa nhận những vấn đề về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thực tế vừa qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Chính vì vậy, ông ấy nhấn mạnh: “Thời gian tới chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tốt người điều khiển phương tiện giao thông thì Bộ Công an thống nhất quản lý là cần thiết. Chúng ta cần giải pháp mạnh cho lĩnh vực này, Bộ GTVT rất đồng tình và ủng hộ”. Vậy, hà cớ gì RFA Tiếng Việt phải tung ra luận điệu sặc mùi công kích và ly gián như vậy? Thay vì “đâm bị thóc chọc bị gạo”, tạo làn sóng ngầm mâu thuẫn giữa Bộ Công an và Bộ GTVT như RFA Tiếng Việt thì thiết nghĩ chúng ta nên ủng hộ Bộ GTVT chuyển giao những chính sách, công nghệ quản lý, dữ liệu quản lý cho Bộ Công an, đồng thời hiến kế để Bộ Công đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch vẫn hơn.
Như một thói quen chầu chực các vụ việc nóng thu hút dư luận trên cả nước, đặc biệt là các sự việc liên quan đến ngành Công an, một lần nữa, RFA lại bộc lộ bản chất gian trá, xuyên tạc của mình. Thử hỏi một trang tin luôn phủ đầy những nội dung tiêu cực, nay công kích lãnh đạo này, mai công kích lãnh đạo kia, rồi tấn công hết cơ quan chức năng này đến bộ ngành nọ thì có gì tốt đẹp để chúng ta học hỏi?
Đặng Trường