Chuyện “lợi ích nhóm” qua vụ cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng
Đại biểu tham gia hội thảo về tự chủ đại học nhận định, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của trường Tôn Đức Thắng trái với các quy định về tự chủ đại học…
Gửi tham luận tới hội thảo giáo dục đại học Việt Nam 2020 “Tự chủ giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn” (do UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 27/11/2020), TS. Lâm Quang Thiệp – Trường Đại học Thăng Long nêu nhận định, mặc dù chính sách tự chủ đại học đã được các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đề xuất và đưa vào hệ thống luật lệ về giáo dục, nhưng nhận thức về chính sách vẫn còn khoảng cách giữa cấp đề xuất và cấp áp dụng chính sách, cũng như giữa các cấp khác nhau thực thi chính sách trong thực tiễn.
Ông Thiệp phân tích, từ năm 2005, Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ đã quy định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”. Theo quy định này, khi đã đưa vào hội đồng trường (HĐT) đại diện của bộ chủ quản thì sự quản trị của bộ chủ quản không được thực hiện trực tiếp nữa mà thông qua đại diện này.
Sau đó, Nghị quyết 89 năm 2016 của Chính phủ tiếp tục khẳng định “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (HĐT)”.
Tiếp đến, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (năm 2017) về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế HĐT trong các trường đại học theo hướng HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐT”.
Những nhận thức, chỉ đạo về tự chủ đại học, theo TS Thiệp, ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đại diện trường Đại học Thăng Long cũng nêu vấn đề, khi nhận thức không theo kịp sự phát triển của chính sách, cấp áp dụng chính sách bên dưới thường có xu hướng bám theo các quy định cũ, thậm chí ban hành các văn bản vi phạm các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các luật lệ đã được cải tiến.
Ông dẫn chứng, điều này thể hiện rất rõ ở trường hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản “bên trên” trường Đại học Tôn Đức Thắng, trong các sự kiện mâu thuẫn xảy ra vừa qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1584 về việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của trường Tôn Đức Thắng với nhiều quy định trái với Nghị quyết số 19 của Trung ương cũng như Luật Giáo dục đại học năm 2018 về tự chủ đại học.
Liên quan với tình hình này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng UB Pháp luật của Quốc hội tổ chức kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong việc ban hành các văn bản dưới luật của các tổ chức cấp dưới.
TS Thiệp cũng lấy thêm ví dụ liên quan đến Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, ở Điều 7 vẫn quy định cơ quan chủ quản có nhiều quyền quyết định bên trên HĐT chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia HĐT.
“Ví dụ này chứng tỏ những người soạn thảo Nghị định, do những lý do khác nhau, không thật thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo cho “HĐT là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học” như đã nêu” – ông Thiệp bình luận.
Ông Thiệp cho rằng, khoảng cách trong nhận thức được nói ở đây không chỉ phụ thuộc vào trình độ nhận thức, mà đôi khi còn liên quan đến lợi ích nhóm. Vị đại diện đại học Thăng Long bày tỏ chia sẻ với nhận định của TS Trần Đình Thiên rằng, lợi ích của nhóm đang giữ quyền trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ đại học.
Mở rộng phân tích về mô hình tự chủ với thiết chế hội đồng trường, 2 giảng viên của Đại học Bách khoa là ông Lê Anh Tuấn, Lê Minh Thắng xác định, sau khi có Luật Giáo dục Đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018, hội đồng trường ở nhiều trường đại học dần được thành lập. Tuy nhiên hội đồng trường có được vận hành như kỳ vọng hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, khái niệm “Bộ chủ quản” hoặc “Cơ quan quản lý trực tiếp” gây nhiều tranh luận nhưng với hệ thống pháp lý hiện nay, nếu không còn vai trò “Bộ chủ quản” thì nhiều trường sẽ thực sự lúng túng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà từ trước đến nay vẫn do “Bộ chủ quản” quyết định.
Sau nữa, sự thiếu phân định rõ ràng hoặc nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu dẫn tới vị thế của hội đồng trường nói chung và chủ tịch hội đồng trường nói riêng trong một trường đại học tự chủ còn khó đoán định.
Nhận thức của nhiều cán bộ, giảng viên và bản thân các thành viên hội đồng trường còn hạn chế, nhiều thành viên hội đồng trường chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của hội đồng trường cũng như trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Bên cạnh đó là nhận thức của xã hội, của các cơ quan chính phủ nói chung đối với tự chủ đại học và đối với vai trò, chức năng của hội đồng trường, dẫn tới việc ban hành các định chế chồng chéo, mâu thuẫn và khó thực hiện.
Sự khiếm khuyết, mâu thuẫn bộc lộ rõ nếu so sánh với mô hình của các đại học tự chủ trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc cần áp dụng ở đây, sự có mặt của hội đồng trường đảm bảo một cách rõ rệt sự dân chủ trong hoạt động của nhà trường và khả năng tự chịu trách nhiệm và giải trình của nhà trường, mọi thành phần trong trường được tham gia vào các quyết định của nhà trường thông qua các đại diện của họ trong hội đồng trường. Hội đồng trường bầu Hiệu trưởng và miễn nhiệm Hiệu trưởng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ công nhận sự lựa chọn của nhà trường.
Phương Thả/DT