Chuyện làm từ thiện
Thời gian gần đây, trước tình hình mưa, lũ diễn ra tại miền Trung, nhiều cá nhân, tổ chức đã kêu gọi quyên góp ủng hộ, cứu trợ đồng bào. Đây là hành động đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và truyền thống đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua việc cứu trợ đồng bào miền Trung, không ít ý kiến tranh luận cũng đã diễn ra về việc làm sao để hỗ trợ cho đồng bào miền Trung một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Lợi dụng vấn đề này, một số đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống đối đã tuyên truyền xuyên tạc hòng chống phá chính quyền.
Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc, chống phá
Hiện nay, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được điều chỉnh theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Về cơ bản, việc quản lý, phân phối các nguồn hỗ trợ sẽ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành.
Việc tập trung các nguồn hỗ trợ về một đầu mối là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quản lý, phân phối nguồn viện trợ là để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác hỗ trợ người gặp nạn. Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng hàng viện trợ, hỗ trợ người nghèo, người gặp thiên tai bị “đi nhầm”, “đi lạc” vào nhà quan khiến cho cộng đồng vô cùng bức xúc.
Rõ ràng, việc ủng hộ, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai là điều tốt, cần được nhân rộng. Nhiều cá nhân, tổ chức với uy tín và năng lực của mình đã vận động quyên góp được một số tiền, hàng hóa lớn, giúp đỡ được nhiều cho cộng đồng.
Gần đây, trên mạng xuất hiện một số quan điểm trái chiều. Có ý kiến cho rằng cần phải tập trung tất cả các nguồn hộ trợ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý, phân phối. Có ý kiến khác thì cho rằng tất cả mọi người ai có khả năng thì hãy làm từ thiện, không cần tập trung cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lợi dụng điều này, một số cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị rêu rao luận điệu xuyên tạc rằng: “Người dân có thể không biết rõ các tổ chức cá nhân chuyên nghiệp và đáng tin tưởng đến mức nào nhưng họ có thể biết rõ các tổ chức chính phủ không đáng tin cậy ra sao dựa trên một lịch sử dài dằng dặc các kiểu “ăn chặn”…” hay “một số cơ quan đang ngăn chặn người dân tiến hành làm từ thiện để thâu tóm các nguồn hỗ trợ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân”… Rõ ràng, thông qua luận điệu của mình, các đối tượng đang vu khống chính quyền, vu khống Đảng, Nhà nước sử dụng không đúng mục đích tài sản ủng hộ thiên tai. Ngoài ra, các đối tượng này còn tung ra thuyết âm mưu cho rằng một số cơ quan, tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính quyền đang chèn ép cá nhân làm từ thiện vì bị tranh giành, cướp đi quyền lợi.
Xây dựng một giải pháp hữu hiệu để cứu trợ người dân bị thiệt hại
Chúng ta không thể phủ nhận việc làm từ hiện ở nước ta hiện nay đang tồn tại những điểm bất cập. Với việc các cá nhân tự đứng lên quyên góp, kêu gọi ủng hộ và tiến hành phân phát tài sản kêu gọi được, rất khó để đảm bảo sự công bằng cho cộng đồng. Vì suy cho cùng, sức một người là có hạn. Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai như vừa qua là rất lớn. Đó là chưa kể, một số người lợi dụng danh nghĩa cứu trợ người dân để kêu gọi ủng hộ nhưng sau đó không phân phát minh bạch, tiến hành trực lợi tiền ủng hộ.
Với việc tập trung nguồn lực vào một tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và phân phối tiền, hàng ủng hộ sẽ diễn ra dễ dàng hơn, đảm bảo tất cả mọi người đều có cơ hội nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, một số bê bối trong việc hàng, tiền “đi nhầm”, “đi lạc” vào nhà quan diễn ra trong thời gian trước đó khiến cho cộng đồng có cái nhìn lệch lạc, thiếu tin tưởng vào việc phân phối tài sản ủng hộ người dân.
Rõ ràng, việc ủng hộ là tốt. Tuy nhiên, để phân phối và giúp đỡ đúng người thì không phải là dễ dàng. Bất kỳ hình thức nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Suy cho cùng, việc làm từ thiện quan trọng và cơ bản nhất phải bắt nguồn từ đạo đức. Nếu để cho những người có lương tâm không ngay thẳng tham gia vào việc phân phối tài sản từ thiện thì dù dưới hình thức nào cũng có thể phát sinh tiêu cực.
Để bảo đảm nguồn lực giúp đỡ của cộng đồng đến được với nhưng người cần sự giúp đỡ, chúng ta cần xây dựng một cơ chế phân phối tài sản ủng hộ công khai, minh bạch và rõ ràng. Với cá nhân làm từ thiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để đánh giá, sàng lọc và phân phối một cách công bằng. Với các nguồn viện trợ do các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước tiến hành phân phối, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả