Chuyện khó tin – Tàu Triều Tiên bắt sống tàu Mỹ
Trong một hải trình thường lệ, con tàu do thám Mỹ Pueblo đang tác nghiệp thì bị 3 tàu chiến CHDCND Triều Tiên áp dẫn về cảng Oansan của nước này.
Vụ việc xảy ra vào ngày 23/1/1968, tại một vùng biển ở Thái Bình Dương.
Ngay khi tin dữ bay về căn cứ Yokosuka, Bộ Chỉ huy Mỹ đau đớn nhận ra một nghịch lí là mặc dù có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, nhưng trong trường hợp này, Mỹ lại không có phương cách nào để cứu chiếc Pueblo.
Căn cứ Mỹ đầy rẫy trên đất Nhật, nhưng máy bay không đủ nhiên liệu bay đi về. Tại Hàn Quốc, Mỹ có 2 căn cứ không quân (Osan và Kunsan), khốn nỗi các máy bay ở đấy hoặc đều mang sẵn bom nguyên tử, hoặc được trang bị để mang bom nguyên tử. Nếu cần dùng cho chiến đấu thông thường thì phải mất vài giờ đồng hồ để thay đổi thiết bị.
Về hải quân, tàu sân bay Enterprise lúc ấy nằm ở căn cứ Sasedo (Nhật Bản), cách nơi xảy ra vụ việc gần 800 hải lí. Trong khi đó, đường về cảng Oansan của Triều Tiên chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Người ta lúng túng bổ đi tìm Đô đốc Sharp – Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương để xin chỉ thị thì ông này lại ở tận Đà Nẵng thảo luận với tướng Westmoreland về tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam.
Khi Sharp trở về tàu sân bay Kitty Hawk và nghe báo cáo chi tiết, thì vụ việc xảy ra đã được hơn 3 giờ. Nhưng kể cả trong trường hợp các lực lượng Mỹ có sẵn sàng cho việc tiến hành các hành động trả đũa, thì cũng phải được sự chấp thuận của Tổng thống.
Do cách nhau về múi giờ (14 tiếng), nên khi Cố vấn An ninh quốc gia Rostow biết tin và đến đánh thức Tổng thống L. Johnson thì đã 2 giờ sáng. Trong trạng thái ngái ngủ, Johnson cho rằng hải quân Triều Tiên sẽ không dám “nặng tay” với người Mỹ và do vậy bình thản trở lại giường.
Đến khi bình minh lên thì ở bên này Trái đất, thủy thủ đoàn của Pueblo đã được đưa về Bình Nhưỡng bằng máy bay. Phản ứng tiếp theo của Johnson rất bài bản, song hoàn toàn có thể đoán trước: triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia, gặp thủ lĩnh hai đảng tại Quốc hội và ra lệnh động viên 15.000 quân dự bị… Còn việc tuyên chiến thì không nhắc đến, vì chẳng lẽ lại đánh nhau sau khi khó khăn lắm mới đình chiến được 15 năm trước đó, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang bị sa lầy ở Việt Nam.
Washington liền lệnh cho Đại sứ của mình tại Moscow-Thomson, liên lạc nhờ Kremlin can thiệp, song Kremlin từ chối, viện cớ Mỹ đã vi phạm hải phận Triều Tiên. Cực chẳng đã, Mỹ phải trực tiếp tiến hành đàm phán với “đối thủ” của mình tại Bàn Môn Điếm.
Được dịp, tướng Pac Chung Cúc – Trưởng đoàn Triều Tiên nói thẳng với Đô đốc Smith – Trưởng phái đoàn Mỹ: “Nếu ngài muốn tránh khỏi số phận một thây ma, dù đã thối rữa như của Kennedy hoặc còn sống như của Johnson, thì xin ngài đừng có chối quanh. Tốt nhất, ngài hãy công khai thú nhận những hành động khiêu khích và xâm lược của Mỹ, chính thức xin lỗi và cam kết từ nay không tái phạm các hành động tội lỗi đó”.
Và, để phụ hoạ và dường như để làm mất tinh thần đoàn Mỹ, Đài phát thanh Bình Nhưỡng cho phát lời thú tội của Butcher, thuyền trưởng tàu Pueblo: “CIA hứa thưởng cho tôi và và thuỷ thủ đoàn một số tiền lớn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tội của chúng tôi thật ghê tởm và không thể biện hộ…”.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng đây không phải là ngôn từ của một người có tri thức như Butcher; còn ở quê hương San Diego, bà Butcher cũng không công nhận giọng nói là của chồng mình.
Tiếp đó là những bức thư gửi về Mỹ, được đăng tải lại trên báo chí Triều Tiên. Chẳng hạn, thư của Robert Hansi gửi mẹ: “Tàu của con bị bắt quả tang đang do thám trên lãnh hải Triều Tiên. Ở đây tội này có thể bị xử tử hình. Chính phủ phải xin lỗi và cam kết không tái phạm thì con và mọi người mới không bị hành quyết…”.
Thế là, mẹ của Robert, vợ của Tom, con của John, người yêu của Dick… đồng thanh lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ phải bằng mọi cách bảo vệ thân nhân họ. Trước sức ép của công luận, Mỹ không thể khăng khăng bảo vệ quan điểm ban đầu của họ là tàu Pueblo bị Triều Tiên bắt giữ ở vùng biển quốc tế.
Cuộc thương thuyết ở Bàn Môn Điếm chuyển sang hướng tìm một giải pháp vừa đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên đang to tiếng vì thắng thế, vừa giải thoát được người mà lại đỡ mất mặt cho Washington.
Cuối cùng, người ta tìm ra một quá trình vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại giao thế giới gồm 3 bước: Bước 1, tướng Woodward đại diện cho phía Mỹ tuyên bố “hoàn toàn bác bỏ nội dung văn bản mà tôi sắp kí”. Bước 2, tướng Woodward kí vào văn bản xác nhận việc Mỹ tiến hành do thám trong lãnh hải Triều Tiên là hành động có thật và tội lỗi. Bước 3, tướng Woodward lại trịnh trọng tuyên bố “việc tôi kí văn bản này không hề làm thay đổi các sự kiện đã xảy ra là tàu Pueblo bị bắt giữ trái phép, và Mỹ không có ý định thú nhận hay xin lỗi về việc mà Mỹ không làm”.
Nghe như trò đùa, song cách làm này hoàn toàn phù hợp với tính cách thực dụng của người Mỹ – ra sao thì ra, miễn là được việc, trong trường hợp này là giải phóng được thuỷ thủ đoàn Pueblo. 83 thuỷ thủ Mỹ trở về nước vào dịp Noel sau 11 tháng bị giam cầm trong lo lắng.
Chưa đầy 100 ngày sau khi Tổng thống Nixon nhậm chức, lại xảy ra một “vụ Pueblo” thứ hai. Cuối tháng 4/1969, một chiếc máy bay do thám EC-121 của Mỹ bị máy bay MiG của Triều Tiên bắn tan xác ở không phận quốc tế, phi hành đoàn thiệt mạng.
Điều lạ là Mỹ cũng phản ứng thụ động trước vụ việc ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của một cường quốc: không làm gì, không trả đũa bằng biện pháp quân sự, chỉ lên tiếng nhẹ nhàng tại cuộc họp Uỷ ban Đình chiến tại Bàn Môn Điếm.
Có lẽ người Mỹ hiểu rằng xé to chuyện ra cũng chẳng dẫn đến điều gì tốt đẹp, đường nào thì mình cũng đã trót ăn vụng ở nhà người ta. Tiến hành các hành động quân sự cũng ngoài ý muốn của Washington – một Việt Nam đã là quá đủ.
Nguyên Phong/TT