+
Aa
-
like
comment

Chuyện ít biết về biệt đội những chiến binh F0 ở TPHCM

01/09/2021 06:31

Sau khi vượt qua “ải tử thần” mang tên COVID-19, nhiều F0 tình nguyện ở lại chăm sóc, tiếp sức cho những người đang trong cơn nguy khốn.

Cựu F0 chăm sóc F0

Mỗi đêm vào khoảng 1 đến 3 giờ sáng khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, cựu F0 Đặng Minh Tân (37 tuổi) lặng lẽ đi đến từng giường bệnh kiểm tra oxy và theo dõi nhịp thở của từng bệnh nhân.

Khi chắc chắn mọi người đều an toàn, không ai gặp sự cố do thiếu kiểm soát oxy máu hoặc tụt mặt nạ dưỡng khí, anh mới quay lại giường ngủ. Sáng sớm, khi mọi người thức giấc cũng là lúc anh Tân cùng 4 tình nguyện viên khác vận động các F0 cùng xuống sân bệnh viện để tập thể dục, tập thở và ngồi thiền.

Vừa hướng dẫn và cùng tập hít thở với nhóm F0 đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn (TPHCM), anh Tân vui vẻ kể: “Khoảng 2 tuần trước gia đình tôi đã cúng 3 con heo quay ở 3 nơi khác nhau vì nghĩ tôi đã chết rồi. Nhưng hôm nay tôi khỏi bệnh hoàn toàn, chắc một mình có thể ăn hết 5 con trâu với 2 con bò, bù cho những ngày tháng kiệt quệ sức lực vừa qua, tiếp thêm năng lượng để cùng các y bác sĩ và bệnh nhân chiến đấu để tiêu diệt COVID-19”, anh cười nói.

Biệt đội F0 hỗ trợ nhân viên y tế cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Hóc Môn

Anh Tân là nhóm trưởng của nhóm 5 thành viên F0 được bệnh nhân gọi với tên thân mật “Biệt đội những chiến binh F0” đã tham gia nhóm thiện nguyện tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn 10 ngày qua. Thường ngày, ngoài hỗ trợ y bác sĩ theo dõi tình trạng oxy máu, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân họ còn mang đến cho người bệnh những liều thuốc tinh thần”.

Mỗi ngày chúng tôi đều cùng nhau ca hát cho bệnh nhân nghe, mang đến những câu chuyện cười, khích lệ mọi người vững tin chiến đấu với COVID-19. Có những bệnh nhân lớn tuổi vào đây không chịu hợp tác điều trị, nhõng nhẽo như trẻ con, anh Tân nói.

“Tôi biết, họ đang suy sụp tinh thần, nếu họ không tự cứu chính mình thì chẳng ai cứu được họ nên đã dành nhiều giờ động viên, chia sẻ bằng chính những trải nghiệm của bản thân khi chiến đấu với COVID-19. Hôm sau, bệnh nhân nỗ lực ăn uống tập luyện, ai cũng vui mừng và xúc động, đến nay nhiều người đã bình phục được xuất viện”, anh kể.

Một F0 đặc biệt khác là anh Nguyễn Hữu Thắng (25 tuổi, quê ở Đồng Tháp) vừa tốt nghiệp bác sĩ y học cổ truyền ở TPHCM. Khi tham gia đội xét nghiệm COVID-19 truy vết F0 thì bị dương tính, phải chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 3 điều trị.

Trong thời gian này, bằng kiến thức y khoa và bản lĩnh của bác sĩ, anh đã sớm vượt qua bệnh tật, tham gia nhóm tư vấn điều trị F0 tại nhà, giúp nhiều trường hợp vượt qua nguy nan.

Trước trình trạng quá tải nhân lực y tế cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, giữa tháng 8, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thành lập chương trình “ATM F0 chống dịch”. Ngay sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, đến nay đã có khoảng 300 F0 đăng ký tham gia.

Thời gian điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 3 giúp chàng bác sĩ trẻ trải nghiệm sự nhọc nhằn của thầy thuốc trong nỗ lực giúp F0 khỏi bệnh. Những điều mắt thấy tai nghe, trái tim cảm nhận đã thôi thúc anh vừa khỏi bệnh đã đăng ký ngay chương trình F0 chăm sóc F0. “Em đã quyết định và gia đình ủng hộ hết lòng”, anh kể.

Lan tỏa sự sẻ chia

Anh Tân nói: “Cha mẹ đã sinh tôi ra, nhưng các y bác sĩ ở đây đã tái sinh cuộc đời tôi lần 2. Khi mọi người đều sợ hãi trước dịch bệnh nguy hiểm thì các y bác sỹ lại lao vào điều trị, cứu chữa người bệnh, họ là những người anh hùng trong lòng tôi. Đến nay, chúng tôi đang góp chút sức lực nhỏ bé của mình cùng y bác sĩ chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn”.

“Đây là điều vô cùng quý giá bởi chính những bệnh nhân từng mắc COVID-19 là người hiểu rõ nhất những rủi ro, từ kinh nghiệm của mình có thể giúp người bệnh chủ động vượt qua khó khăn của tình trạng bệnh.

Mặt khác, sau khi khỏi bệnh, cơ thể đã tạo được kháng thể bảo vệ nên nguy cơ tái nhiễm của các F0 là không đáng lo ngại. Nếu các F0 sẵn sàng giúp sức, cuộc chiến chống dịch sẽ có thêm nguồn lực vô cùng quý báu”, BS Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn, nói.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Thủ Đức, cho rằng, cựu F0 chăm sóc F0 chính là thời khắc giao thoa của nghĩa tình và tấm lòng.

“Nghĩa tình từ những F0 tình nguyện chăm sóc F0, còn tấm lòng từ những cá nhân, đơn vị trong cộng đồng. Tấm lòng sẽ tiếp sức để nghĩa tình thêm sâu đậm, còn nghĩa tình sẽ thấm vào từng bác sĩ, nhân viên y tế, F0 đang điều trị để ngày càng nhiều bệnh nhân COVID-19 được khỏi bệnh…”, BS Khanh nói.

Vân Sơn

Bài mới
Đọc nhiều