+
Aa
-
like
comment

Chuyển giao nhiệm kỳ: Tháng 3 mùa của xông pha

09/03/2021 11:49

Chính phủ bước vào giai đoạn chuyển giao, nhưng vẫn rầm rập khí thế đi lên, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “vì Nhân dân”. Tháng 3 năm nay, dẫu đã là những ngày cuối của nhiệm kỳ và thấm mệt bởi dịch bệnh, cũng vẫn giữ nguyên khí thế như những tháng 3 trước, mùa của xông pha.

Thủ tướng đối thoại với các doanh nhân

Chuyển giao nhiệm kỳ, không thể vì thế mà để nguội đi khí thế phát triển kinh tế. Chia sẻ cảm xúc phấn khởi, “tôi có xem bản tin (truyền hình) vào 5h sáng về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năng suất cao hơn, giá cao hơn và thị trường được mở rộng hơn” – Thủ tướng cho hay hai vấn đề mà ông đang đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép tiếp tục được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu ở mức cao nhất. Trong quý  I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày 19/2/2021 của Thủ tướng về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thứ hai là khẩn trương tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người trong diện được ưu tiên mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định như người nghèo, gia đình chính sách… ngay trong tuần này và trong những ngày tháng tới, tiêm chủng cho toàn dân.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 2,2%.
Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 2,2%.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ra sức thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mở màn cho tháng 3, hàng loạt địa phương hối hả cho học sinh trở lại trường như một lời tạm biệt với nỗi sợ “giặc” Covid-19. Hải Phòng, địa phương sắt đá nhất, dữ dội nhất cả nước về tinh thần chống giặc dịch, với nhiều giải pháp mà dư luận thậm chí thấy là cực đoan, từ ngày 1/3, bắt đầu nới lỏng hơn. Theo đó, địa phương này đã tạm dừng hoạt động của 8 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Hưng Yên cho phép các dịch vụ được hoạt động trở lại, kể cả dịch vụ cắt tóc, gội đầu, spa, gym, yoga và hoạt động tập luyện thể thao ngoài trời.

Từ tâm dịch Hải Dương, từ 1/3, hàng loạt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đồng loạt quay trở lại hoạt động như Công ty TNHH KPF Việt Nam, Công ty TNHH LMS Vina trong khu công nghiệp Đại An mở rộng, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Vifon trong khu công nghiệp Tân Trường; Công ty TNHH Ford Việt Nam…

Nổi bật là Quảng Ninh, dẫu rất căng thẳng vì dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký quả quyết: “giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 2 con số và tăng thu ngân sách tương ứng với mục tiêu tăng trưởng”. Quảng Ninh phấn đấu cả năm 2021 GRDP tăng 10,1%.

Cũng ngay trong ngày 1/3/2021, theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra cuối tháng 2, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch, đã nhóm họp cùng các địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Chỉ trong chiều tối của ngày này, văn bản đã được ban hành, tốc độ nhanh chưa từng có, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, được sự đồng thuận cao của các địa phương cũng như doanh nghiệp.

Sẵn sàng họp đêm

Chuẩn bị cho thời khắc chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, “Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng họp ban đêm để không còn tồn đọng vấn đề gì lại cho khóa mới”. Thực tế, điều này cũng đã được ghi nhận tại phiên họp thứ 53 của UBTVQH, diễn ra vào tuần trước. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn chứng về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ cùng nhận xét, Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật; đồng thời luôn thực hiện theo tư tưởng thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật rất tốt. Đây là điểm tiến bộ rất tích cực so với nhiệm kỳ trước.

“Bởi vậy, Chính phủ khóa này đã hạn chế được tình trạng tiền trảm hậu tấu, không để lại hậu quả cho khoá sau phải xử lý. Mặc dù khoá này Chính phủ cũng đang phải giải quyết tồn tại của khoá trước, đến giờ vẫn chưa xong, nhưng vẫn nỗ lực trong mọi hoạt động chỉ đạo điều hành để bảo đảm về sau không phải xử lý những vấn đề mang tính giải quyết hậu quả”, ông Nguyễn Hạnh Phúc tái khẳng định, “đây là dấu ấn rất tốt trong nhiệm kỳ Chính phủ này”.

Lúc này, mọi hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ vẫn giữ nhịp độ hăm hở như “không hề phía trước sẽ có cuộc chia ly”. Thủ tướng Chính phủ vừa giao các bộ, ngành có liên quan và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị “Hội nghị của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Dự kiến Hội nghị được tổ chức trong khoảng từ ngày 10-15/3/2021.

Vào tháng 9/2017, lần đầu tiên có một hội nghị lớn nhất từ trước đến nay bàn cách cấp bách giải cứu đồng bằng Sông Cửu Long khỏi nguy cơ thảm họa vì biến đổi khí hậu diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại hội nghị đó, Thủ tướng khẳng định: “Ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn đồng bằng Sông Cửu Long có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển đồng bằng Sông Cửu Long. Chính phủ không họp để đưa ra chủ trương chung chung. Mà họp để ra nghị quyết, để bố trí nguồn lực. Ra được nghị quyết rồi thì phải chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, đốc thúc, không để chảy tuột như nước đổ lá khoai”.

Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chương trình hành động tổng thể thực hiện nghị quyết được ban hành sau đó với rất nhiều tâm huyết của Thủ tướng cũng như của cả Chính phủ. Chính phủ quyết đưa miền Tây trở lại thời kỳ trù phú và xuyên suốt từ đó đến nay, Nghị quyết 120 chưa từng “nguội”. Ngay cả bây giờ cũng vậy.

Đoàn Trần

Bài mới
Đọc nhiều