Chuyên gia Việt Nam cùng đoàn WHO đã đến Vũ Hán
Phái đoàn WHO, trong đó có chuyên gia Nguyễn Việt Hùng, ngày 14/1 đã có mặt ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc nCoV.
Theo quy định của chính phủ Trung Quốc, các chuyên gia phải trải qua hai tuần cách ly. Nhóm nghiên cứu rời sân bay qua đường hầm dành cho khách quốc tế, được hộ tống bởi khoảng 6 nhân viên an ninh với đầy đủ đồ bảo hộ.
Phái đoàn bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia y tế, thú y và virus học từ Australia, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Qatar, Nga, Anh, Mỹ và Việt Nam. Người dẫn đầu là Peter Ben Embarek, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ động vật hàng đầu của WHO.
Ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng quốc tế, cho biết nhiệm vụ tại Trung Quốc sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào. Song ông cũng lưu ý nhóm có thể không tìm được câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc virus.
Phái đoàn WHO có mặt tại Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh đang nhăm nhe bùng phát trở lại. Nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 sau 8 tháng.
Sau khi hoàn thành cách ly y tế, các chuyên gia sẽ dành hai tuần để phỏng vấn thành viên các viện nghiên cứu, bệnh viện và tiểu thương trong chợ hải sản Vũ Hán, nơi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.
Trước đó, Trung Quốc không cấp visa cho các chuyên gia của WHO, dù một số thành viên đã lên đường. Ngày 11/1, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận nhóm đang khởi hành từ Singapore.
“Những gì chúng tôi muốn làm là trở lại khu chợ ở Vũ Hán, phỏng vấn sâu các ca nhiễm ban đầu, cố gắng tìm ra các bệnh nhân chưa được phát hiện tại thời điểm đó và thử xem có thể truy vết tiếp xúc các trường hợp dương tính đầu tiên hay không”, ông Embarek nói.
Trên phương tiện truyền thông quốc gia, Trung Quốc cho biết nCoV đã tồn tại ở nước ngoài trước khi đến Vũ Hán. Giới chức đưa ra bằng chứng về các trường hợp virus bám trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, khẳng định: “Chúng tôi tìm kiếm câu trả lời nhằm cứu giúp nhân loại trong tương lai, không phải truy thủ phạm để đổ lỗi”.
Truy tìm nguồn gốc nCoV là một công việc khó khăn. Các chuyên gia đến Vũ Hán sẽ phải làm việc với một thành phố đã thay đổi hoàn toàn so với khi virus mới xuất hiện hồi cuối năm 2019. Các chuyên gia WHO đều có bề dày kinh nghiệm tìm hiểu sâu về các loại virus, sức khỏe và dịch bệnh từ động vật.
Việc nghiên cứu nguồn gốc của mầm bệnh đã giết chết gần 2 triệu người trên toàn thế giới là thách thức lớn. Các chuyên gia phỏng đoán nCoV đến từ động vật, có thể là dơi, trước khi truyền sang người qua vật chủ trung gian. Nhưng quá trình này xảy ra ở đâu và ra sao vẫn còn là ẩn số.
Ông Nguyễn Việt Hùng là đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Con người và Động vật tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các nước đang phát triển, chủ yếu ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, nước Tây Phi như Côte d’Ivoire. Ông tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa y tế và nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm từ động vật, đồng thời đánh giá rủi ro và lợi ích để quản lý an toàn thực phẩm một cách thích hợp.
Ông Hùng cũng là người đồng sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Hệ sinh thái (CENPHER) tại Đại học Y tế Công cộng (HUPH) ở Việt Nam. Tại đây, ông phát triển danh mục nghiên cứu về sức khỏe nông nghiệp, môi trường.
Thục Linh (Theo Reuters)