+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Việt Nam có thừa bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm, không học ai cả!

Lê Ngọc Thống - 13/04/2022 09:59

Sau hơn một tháng diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, những biến động tại Đông Âu dường như đang định hình lại toàn bộ nền địa-chính trị thế giới, đặc biệt là những quan điểm, chính sách ngoại giao của các quốc gia. Trong bối cảnh đó, người ta không khỏi đặt ra câu hỏi về tầm nhìn ngoại giao của Việt Nam trong bức tranh thế giới. Cánh cò đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Lê Ngọc Thống về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Đại Hội đồng Liên Hợp quốc.

Ukraine, một quốc gia láng giềng với Nga, nghèo nhất Châu Âu, được Mỹ – NATO hỗ trợ, đang tham chiến với nước Nga – một cường quốc hạt nhân, có lực lượng quân sự mạnh bậc nhất thế giới… đang đi vào giai đoạn kết thúc: Ukraine sẽ không tồn tại trên danh nghĩa nhà nước.

Giới quan sát địa chính trị thế giới, trong nước, bàn luận rất nhiều về cuộc chiến này và khi bàn đến mối quan hệ quốc tế giữa các nước lớn với nước nhỏ, giữa các quốc gia láng giềng thì thật ngạc nhiên, người ta có đề cập đến Việt Nam.

Tác giả Lê Ngọc Thống.

Xin lỗi các quý ông! Việt Nam có thừa bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm, không học ai cả. Đối xử với các cường quốc và láng giềng như thế nào… thì người ta cần phải học Việt Nam, nghe bài giảng từ Việt Nam chứ không có chuyện ngược lại.

Những bài học từ Việt Nam.

Một thực tế mà mọi người không thể phủ nhận là vị trí địa chiến lược của Việt Nam đang nằm trong tâm điểm sự cọ xát địa chính trị mạnh giữa hai thế lực siêu cường là Trung Quốc –  láng giềng của Việt Nam, và Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề là khi Việt Nam nằm (đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) vào trong tình cảnh, bối cảnh đó thì phải làm sao để thoát?

Vị trí địa chiến lược của Việt Nam đang nằm trong tâm điểm sự cọ xát địa chính trị mạnh giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Một số nhà phân tích chiến lược nước ngoài kể cả một số nhà phân tích chính trị “tự do” trong nước cho rằng, trong tình thế đó, Việt Nam đang thực hiện đối sách “đi dây” hay đang “cân bằng lực” giữa Mỹ – Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam không “đi dây” cũng không “cân bằng lực” mà Việt Nam đã có những bước đi, đối sách khác rất khôn ngoan, tinh tế, để hạn chế ít nhất sự liên can đến sự cọ xát địa chính trị của Trung Quốc – Mỹ.

Thế nào là “cân bằng lực”?

Sau khi Liên Xô tan rã, ba nước nhỏ vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva tách ra thành ba quốc gia độc lập. Với chiến lược của Mỹ đưa NATO tiến về phía Đông, áp sát nhằm buộc Nga “quỳ gối”. Đồng thời, với ý chí bài chống Nga, ba quốc gia nhỏ này đã gia nhập NATO.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO Istanbul 2004, khi Estonia, Latvia và Litva gia nhập khối liên minh quân sự.

Nga lúc đó như “con Gấu đang ngủ đông”. Và chỉ đến khi Gruzia, Ukraine cũng đang gây căng thẳng với Nga để gia nhập NATO thì “Gấu Nga” đã tỉnh giấc, Phản ứng mãnh liệt, quyết đoán của Nga đã khiến NATO chùn tay mà không dám kết nạp Gruzia, Ukraine vào NATO như ta đã thấy… NATO tiến về phía Đông đe dọa an ninh Nga là điều Nga không thể chấp nhận và tha thứ cho kẻ nào chống lại Nga.

Bản đồ các quốc gia thuộc NATO (màu xanh) và Gruzia (màu cam).

Tuy nhiên, ba nước vùng Baltic lại khác, họ đã là thành viên của NATO và thực hiện sách lược dùng NATO để “cân bằng lực” với Nga trong khi Nga không có biểu hiện nào chứng tỏ là xâm lược họ ngoài sự tuyên truyền kích động của Mỹ và Phương Tây. Rốt cuộc, ba nước vùng Baltic không chỉ là tự dưng nhảy vào giữa làn ranh cọ xát địa chính trị của hai thế lực lớn mà nguy hiểm hơn sẽ trở thành tuyến đầu nếu như Nga – NATO xảy ra xung đột quân sự hay một cuộc chiến tranh lớn. Một sự dại dột điên rồ mà bất luận trong tình huống nào thì ba nước vùng Baltic đều là “con tốt thí” đầu tiên.

Đó là điển hình của đối sách “cân bằng lực” mà các nhà phân tích thời cuộc muốn nói đến.

Tại Biển Đông, thực thế là đã có sự tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời, cũng có mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương… Việt Nam cũng ở trong vị trí, tình thế giống với ba nước vùng Baltic, nhưng bởi Trung Quốc chứ không phải là Nga. Và đương nhiên, chúng ta không dại thực hiện đối sách “cân bằng lực” kiểu của ba nước vùng Baltic trên.

Thế nào là “đi dây”?

“Đi dây” theo nghĩa đen là một hành động rất mạo hiểm mà chỉ cần một sơ sẩy là tai nạn. Buộc phải quan hệ với hai cường quốc vừa là đối tác vừa là đối tượng chẳng khác nào “đi dây” trên vực thẳm, cho nên, mức độ nguy hiểm là vô cùng lớn. Đó là một sai lầm có thể dẫn tới thảm họa.

Ngoại giao “đi dây” là một sai lầm có thể dẫn tới thảm họa.

“Đi dây” giữa hai cường quốc như thế còn nguy hiểm hơn “cân bằng lực” bởi sự phụ thuộc mang tính sống còn vào trong mỗi bên là rất cao mà chính bản thân không thể tự quyết định số phận của mình.

Nếu “đi dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam phải luôn luôn bị động điều chỉnh chính trị, đối ngoại, quốc phòng… theo sự thay đổi của Trung Quốc và Mỹ. Và cho đến một mức tới hạn nào đó, Việt Nam sẽ hỗn loạn, tự “té” khi không thể cân bằng.

Thực tế đã chứng minh rằng có nhiều lúc tình hình tranh chấp trên Biển Đông diễn ra căng thẳng, nhưng Việt Nam vẫn không thực hiện đối sách “đi dây” khi điều mong muốn của ai đó là Việt Nam sẽ lao về phía Mỹ đã không xảy ra.

Đối sách của Việt Nam là gì?

Đó là chỉ có thể thực hiện đối sách “cân bằng ngoại giao” để nhằm mục tiêu thực hiện chính sách trung lập với nguyên tắc: Lợi ích dân tộc, quốc gia trên hết.

“Cân bằng ngoại giao” dựa trên đường lối “Việt Nam muốn là bạn với các nước trong đó có Trung Quốc và Mỹ”. “Cân bằng ngoại giao” khác biệt căn bản với “đi dây”. “Cân bằng ngoại giao” là sự phát triển mối quan hệ một cách cân bằng chứ không điều chỉnh mối quan hệ (chính trị, an ninh…) phù hợp để cân bằng với đối tác như “đi dây”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng 10/2020.

Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam thực hiện, thực chất là biểu hiện của chính sách trung lập, là một sự phủ định đối sách “cân bằng lực” rất rõ ràng.

Trung lập của Việt Nam là không chống Trung Quốc cũng không chống Mỹ, Việt Nam không lấy Mỹ để “cân bằng lực” với Trung Quốc trên Biển Đông… Nhưng làm sao để kết quả cho ra phải giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc, trong một môi trường hòa bình, hợp tác cùng có lợi?

Quả thật, điều này nói thì dễ, nhưng thực hiện được là rất không dễ dàng mà phải có trí tuệ, bản lĩnh cộng với sự nỗ lực của toàn quốc gia để tạo nên sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Lịch sử đã chứng minh rằng, không phải quốc gia nào muốn trung lập cũng thành công. Trung lập thành công khi và chỉ khi nếu anh ngả theo bên nào thì cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về bên đó.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (phải) và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại hội đàm ngày 11/9/2021.

Với ý nghĩa đó thì, nếu khi xảy ra đối đầu Trung Quốc – Mỹ mà “cân bằng lực” hay so sánh lực lượng, sẽ nghiêng hẳn về bên nào mà Việt Nam theo thì khi đó, Trung Quốc và Mỹ mới để cho Việt Nam “ngồi yên theo dõi”. Còn nếu Việt Nam theo bên nào mà không ảnh hưởng gì đến tương quan lực lượng thì Trung Quốc và Mỹ không để cho Việt Nam “ngồi yên”. Họ sẽ “tiện tay” làm những thứ gì họ muốn mà không sợ gì. Nhà nước Campuchia thời Sihanouk cũng tuyên bố trung lập, nhưng Mỹ đâu có cho họ  “ngồi yên theo dõi” chiến tranh xảy ra ở Việt Nam… Bởi vì Campuchia trọng lượng “nhẹ như bông thốt nốt” khiến Mỹ không quan tâm.

Đến đây bài học cho Ukraine là gì? Họ đã chọn tham gia khối Liên minh quân sự NATO. Tất nhiên, tham gia liên minh quân sự hay liên minh kinh tế là quyền tự quyết chủ quyền an ninh của một mỗi quốc gia, nhưng nó không thể đe dọa đến an ninh quốc gia khác.

Ý chí muốn gia nhập NATO và theo phương Tây chống Nga đã được thể hiện qua Hiến pháp Ukraine. Ukraine cho Mỹ-NATO lập căn cứ quân sự, đưa tên lửa đến trước cửa ngõ biên giới Nga… Chính hành động đó của Ukraine đã đe dọa an ninh quốc gia của láng giềng Nga. Chính quyền Kiev không chỉ “không thèm học bài giảng” từ chính sách ngoại giao của Việt Nam, mà chính sách đối nội, đối ngoại chống Nga, bài xích, khủng bố người Nga cực kỳ quyết liệt, hung hăng… Nếu không phải là Nga, thì bất kỳ một quốc gia nào cũng sẽ ra tay đáp trả nhưng hành động tràn đầy sự thù địch như thế.

Nạn nhân của một cuộc pháo kích từ quân đội Ukraine nhắm vào thường dân Donbass vào năm 2014.

Nói nghiêm túc, chính quyền Kiev chỉ cần học một ít “bài giảng” (kinh nghiệm) của Việt Nam thôi thì không đễn nỗi có tình thế, tình cảnh, như bây giờ…

Muốn là bạn với mọi quốc gia, Việt Nam chẳng sợ “tiền lệ” nào cả!

Vậy, chính quyền Kiev khôn ngoan hay là ngu muội khi biến một đất nước Ukraine tươi đẹp – rộng nhất châu Âu, dân số đông nhất châu Âu chỉ sau Nga, có vị trí địa chiến lược quan trọng – thành một bãi chiến trường, thành một “tên lính xung kích đánh nhau với Nga đến người cuối cùng” cho lợi ích của Mỹ và NATO?

Một khách sạn lớn và xa hoa một thời nay bị tàn phá nặng nề gần sân bay Donetsk, Đông Ukraine.

Thông qua cuộc chiến Nga – Ukraine, cũng có một số người phản đối Việt Nam “bỏ phiếu trắng” về vấn đề “lên án Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu rút quân ngay lập tức”, họ cho rằng, ủng hộ Nga là một tiền lệ không tốt nếu như khi Trung Quốc làm vậy với Việt Nam thì ai sẽ lên tiếng phản đối?

Nhưng tiền lệ nào? Ukraine đã phạm một sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại, đối nội phạm đưa Nga đến vị trí không còn chỗ để lùi, nên Nga phải động binh.

Mối quan hệ quốc tế của hai hay nhiều quốc gia tốt hay xấu… đều bắt nguồn từ nguyên nhân địa-chính trị. Vì vậy, muốn hiểu, biết, bản chất, sự thật của mối quan hệ quốc tế đã và đang diễn ra thì hãy căn cứ vào các mâu thuẫn địa-chính trị và từ cách giải quyết mâu thuẫn đó logic hay không, đúng hay không đúng, để kết luận.

Đưa ra luật pháp quốc tế hay Hiến chương Liên Hợp quốc… chỉ là hình thức bên ngoài, không phải là nội hàm bên trong (nội dung, bản chất). Do đó, nó không phải là căn cứ để kết luận. Nổ súng trước hay đánh phủ đầu không hẳn là kẻ gây chiến, đưa quân sang lãnh thổ nước khác không hẳn là xâm lược…

Năm 2014, phong trào Euromaidan xảy ra, chính quyền hợp pháp của Tổng thống Ukraine Yanukovych bị lật đổ, chính quyền thân Mỹ – phương Tây được dựng lên và Hải quân Mỹ – NATO tiến đến Crimea đẩy Nga ra khỏi đó, tức đưa Hạm đội Biển Đen lên cạn, “dí dao găm” vào mảng sườn phía Nam của Nga.

Cuộc biểu tình Euromaidan lật đổ Tổng thống hợp pháp Viktor Yanukovic.

Hãy quên Crimea là vùng đất lịch sử của Nga đi mà phải hiểu rằng, nó là một căn cứ cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với an ninh Nga trước sự mở rộng của NATO về phía Đông bao vây Nga. Nên nhớ, Mỹ – NATO coi Nga là kẻ thù và khi hai thế lực đã đi đến bước cài thế, chiếm vị trí xuất phát tấn công, thì không có một luật pháp, hiến chương nào cao hơn luật quân sự, chiến tranh.

Tiền lệ nào? Việt Nam muốn là bạn với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với láng giềng hùng mạnh Trung Quốc. Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh, không sợ bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù chúng hùng mạnh, hung bạo đến đâu. Đó mới là tiền lệ.

Lê Ngọc Thống

Bài mới
Đọc nhiều