Chuyên gia: U22 Việt Nam thủng lưới sớm càng hay, không có Quang Hải vẫn tốt
Trừ hai khoảnh khắc sai lầm dẫn đến bàn thua, U22 Việt Nam vận hành lối chơi và kiểm soát trận đấu tốt dù không có Quang Hải.
Thủng lưới sớm, U22 Việt Nam càng có lợi
U22 Việt Nam gợi lại những ký ức buồn ở SEA Games 29 khi để thủng lưới hai bàn trong mười phút đầu trận chỉ vì những sai lầm ở hàng phòng ngự. Tuy nhiên cũng giống như trận gặp U22 Indonesia vài ngày trước, các học trò của HLV Park Hang Seo xốc lại tinh thần rất nhanh để kiểm soát trận đấu.
“Khi U22 Việt Nam bị dẫn 0-2, tôi vẫn hoàn toàn tự tin. Hai bàn thua đấy quá sớm cũng là lợi thế cho U22 Việt Nam. HLV Park Hang Seo phải điều chỉnh chiến thuật chơi hai tiền đạo, cả đội trong thế không còn gì để mất lại chơi rất thanh thoát. Hậu vệ Thái Lan không giỏi mà U22 Việt Nam có những nhân tố tốt thì việc ghi bàn không phải bất ngờ”, chuyên gia Phan Anh Tú bình luận.
“Đấy là điểm đáng khen nhất của U22 Việt Nam. Các cầu thủ thể hiện khả năng kiểm soát và điều khiển trận đấu rất chững chạc. Thêm vào đó, đối với mặt bằng Đông Nam Á, U22 Việt Nam có những cá nhân nổi trội để làm nên chuyện. Trong một thế trận mà chúng ta giữ được bình tĩnh, làm chủ tình hình thì những cá nhân hơn hẳn đối phương là yếu tố làm nên khác biệt”.
Ông Phan Anh Tú cho rằng ngoài hai bàn thắng do hàng thủ U22 Việt Nam “tặng quà”, U22 Thái Lan hoàn toàn không làm được gì khác ở mặt trận tấn công. Đội tuyển xứ chùa vàng cũng có khả năng kiểm soát bóng tốt không kém U22 Việt Nam, tuy nhiên điểm khác biệt giữa hai đội nằm ở chất lượng cầu thủ.
“U22 Thái Lan hoàn toàn không có điểm gì nổi trội, kể cả khi dẫn trước hai bàn. Cách chơi của hai đội gần giống nhau, đều có khả năng kiểm soát tốt nhưng U22 Việt Nam luân chuyển nhanh hơn”, vị chuyên gia nhận định. Quả thực, U22 Thái Lan chỉ có một, hai tình huống tiếp cận vòng cấm U22 Việt Nam để uy hiếp.
“U22 Thái Lan có những thời điểm kiểm soát tốt hơn nhưng không có con người thực sự xuất sắc ở tuyến trên nên không khai thác được. Cả hai bàn thắng của họ đều không phải những tình huống dàn xếp hay. Còn lại họ cũng chỉ cầm bóng đập đi đập lại mà không có đột biến. Xem đội bạn tấn công hoàn toàn không thấy nguy cơ.
Tôi cũng cho rằng U22 Thái Lan khi hòa 2-2 thì thái độ chơi bóng của họ có vấn đề. Họ vẫn cầm chơi bình tĩnh, không vội vàng. Có lẽ U22 Thái Lan không đặt nặng giải đấu, bởi các đội có bề dày thành tích ở giải này như Thái Lan hay Malaysia thì áp lực không lớn. Do đó, động lực thi đấu của họ không bằng U22 Việt Nam”.
Không có Quang Hải, U22 Việt Nam vẫn đá tốt
“Vắng Quang Hải không có vấn đề gì cả. U22 Việt Nam vẫn kiểm soát thế trận và vận hành lối chơi tốt. Hoàng Đức chơi trong vai trò giống Quang Hải và tôi đánh giá là rất thành công”, ông Phan Anh Tú bình luận.
Quang Hải chấn thương rõ ràng là tổn thất lớn đối với U22 Việt Nam. Tuy nhiên kể cả khi đội trưởng mang áo số 19 không thể thi đấu, lực lượng còn lại trong tay HLV Park Hang Seo vẫn có năng lực vượt trội so với các đối thủ ở tầm Đông Nam Á. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, vắng Quang Hải chỉ khiến U22 Việt Nam thiếu đi yếu tố đột biến khoảnh khắc còn sự vận hành của hệ thống chiến thuật không bị ảnh hưởng quá nhiều.
“Tất nhiên giá trị của ngôi sao như Quang Hải là những nét đặc biệt trong từng pha xử lý, thể hiện ở tình huống và khoảnh khắc. Nhưng trong việc vận hành chiến thuật nói chung, không có Quang Hải chúng ta không trục trặc. U22 Việt Nam vẫn tạo ra cảm giác yên tâm”, vị chuyên gia phân tích.
Đây thực ra không phải trận đầu tiên ở SEA Games 30 U22 Việt Nam không có Quang Hải trên sân. HLV Park Hang Seo có đủ phương án để ứng phó với trường hợp này.
“Thực ra trận gặp U22 Singapore chúng ta có chút trục trặc, nhưng đó là khi các vị trí khác cũng bị xáo trộn, ví dụ như Hùng Dũng, Tiến Linh không đá chính. Trận gặp U22 Thái Lan có lực lượng đầy đủ, không có Quang Hải thì hệ thống vẫn vận hành nhịp nhàng. Với chất lượng đội hình hiện có, so với trình độ của SEA Games, tôi cho rằng U22 Việt Nam thiếu Quang Hải không sao”.
Đức Chinh làm bệ phóng cho Tiến Linh
Ngay sau khi có bàn gỡ 1-2, HLV Park Hang Seo quyết định điều chỉnh nhân sự. Ông tung Hà Đức Chinh vào đá cặp với Tiến Linh trên hàng tiền đạo, rút Hồ Tấn Tài ra nghỉ để kéo Trọng Hoàng về lại cánh phải. Đây là lần thứ ba ở SEA Games 30, ông Park sử dụng Tiến Linh và Đức Chinh trên sân cùng lúc.
“Việc sử dụng Tiến Linh với Đức Chinh ở tuyến trên tạo ra thêm khoảng trống và phương án phối hợp, mở ra đường chuyền bóng cho tuyến tiền vệ”, chuyên gia Phan Anh Tú phân tích.
Cặp tiền đạo Đức Chinh, Tiến Linh có sự phân công nhiệm vụ rõ rệt. Đức Chinh di chuyển rất năng nổ, tích cực tranh chấp với đối phương để giữ bóng và phối hợp với đồng đội. Trong khi đó Tiến Linh thường trực quanh vòng cấm để làm nhiệm vụ mà anh giỏi nhất, đó là rình rập chờ cơ hội kết liễu. U22 Việt Nam chưa ghi bàn nào từ sự kết hợp này nhưng việc sử dụng cặp tiền đạo Đức Chinh, Tiến Linh trong hai trận đấu gần nhất cũng mang lại những nét tích cực trong cách tấn công.
“Ở trận gặp U22 Singapore ông Park dùng Đức Chinh đá cắm, tuyến tiền vệ U22 Việt Nam không lên được bóng vì trung phong ở trên không cài được người và cũng không thể giữ bóng chờ đồng đội lên phối hợp, do đó không gây ra được áp lực. Tiến Linh vào sân, Đức Chinh trở thành vị trí đệm rất tốt”, ông Phan Anh Tú nói.
“Trận này cũng vậy. Đối thủ bị hút theo đường chạy của Đức Chinh, tạo cho Tiến Linh khoảng trống trong vòng cấm. Hai tiền đạo mở ra khá nhiều đường thoát bóng cho tuyến tiền vệ.
Tất nhiên cũng phải tính toán hoàn cảnh trận đấu, không phải trận nào cũng làm vậy được. Nhưng khi hàng tiền vệ cầm được bóng rồi thì hai tiền đạo như vậy rất lợi hại. Tiến Linh đè người tốt, chiều cao tốt nên chơi vòng cấm rất hay”.
U22 Việt Nam sẽ vào chung kết SEA Games 30
Đứng đầu bảng “tử thần”, U22 Việt Nam sẽ chạm trán U22 Campuchia ở vòng bán kết. Đội tuyển láng giềng đã gây bất ngờ ở vòng bảng khi đứng trên U22 Malaysia và chủ nhà U22 Philippines để lần đầu tiên lọt vào top 4 đội của SEA Games. Họ cũng là đội bóng hiếm hoi ở giải đấu này không gặp trở ngại mặt sân do đã quá quen với mặt cỏ nhân tạo.
“U22 Campuchia và U22 Myanmar là những đội bóng xứng đáng nhất ở bảng A. U22 Campuchia là phát hiện mới, nhờ công tác chuẩn bị tốt nên sự tiến bộ của họ là hiển nhiên. Họ chơi rất nhuyễn. Trái ngược với U22 Thái Lan, trình độ cao nhưng thời gian chuẩn bị không nhiều”, chuyên gia Phan Anh Tú nhận xét.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng U22 Campuchia cũng như U22 Myanmar chỉ là những đội bóng thú vị chứ chưa phải là đối thủ đáng gờm đối với U22 Việt Nam.
“Họ cũng không có gì đáng để gọi là nguy hiểm, đều dưới tầm U22 Việt Nam. Đến cả U22 Indonesia, U22 Thái Lan mạnh hơn mà chúng ta vẫn đối phó được thì không lý nào không giải quyết được hai đối thủ ở bảng kia. Vấn đề là U22 Việt Nam sẽ gặp vất vả đến đâu, thắng ở thời điểm nào thôi”.
Tiểu Cường/VTC