Chuyên gia Trung Quốc phê bình Ý phòng chống dịch ‘lỏng lẻo’
Thành viên cao cấp trong nhóm chuyên gia Trung Quốc tới hỗ trợ Ý nói rằng ông không biết người Ý “đang nghĩ cái gì” vì các biện pháp phong tỏa phần lớn bị phớt lờ.
Ngày 20-3, số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho thấy Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm bất cứ ca bệnh COVID-19 mới trong nước trong ngày thứ 2 liên tiếp. Toàn bộ 39 ca nhiễm tăng thêm trong ngày 19-3 ở đây đều “nhập” từ nước ngoài.
Trong khi đó, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đại dịch đang leo thang. Đặc biệt, nước Ý hiện đã “vượt mặt” Trung Quốc về số ca tử vong do COVID-19, với 3.405 ca (Trung Quốc có 3.248 ca). Ít nhất 5 bác sĩ ở Ý nằm trong số các ca tử vong này.
Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia tới Ý để chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch COVID-19 trong tuần này. Tuy nhiên, một trong số các chuyên gia này đánh giá các biện pháp tại vùng Lombardy của Ý đang được áp dụng một cách “lỏng lẻo”.
Cụ thể, ông Tôn Thạc Bằng, phó hội trưởng Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và là lãnh đạo nhóm chuyên gia trên, vừa nói rằng ông không biết người Ý đang nghĩ cái gì vì các biện pháp phong tỏa phần lớn bị phớt lờ, theo báo South China Morning Post.
“Tôi đã nhanh chóng phát hiện được vấn đề khi tôi vừa từ thành phố Padua đi qua đây. Milan hiện là thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bên trong nước Ý, nhưng tôi thấy lệnh phong tỏa hoặc lệnh quản lý, kiểm soát vẫn rất lỏng lẻo.
Tôi thấy phương tiện công cộng tại đây vẫn vận hành, người dân vẫn đi lại. Vẫn có người tụ tập tại các khách sạn, trong khi rất nhiều người không đeo khẩu trang”, ông Tôn kể lại.
Chuyên gia Trung Quốc này chia sẻ: “Tôi không biết bọn họ đang nghĩ cái gì nữa. Chúng ta thật sự phải ngưng các hoạt động kinh tế thông thường và các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa mọi người.
Chúng ta phải ở tại nhà và làm mọi nỗ lực để cứu mạng sống. Sinh mạng là thứ xứng đáng nhất để mọi người bỏ ra mọi cái giá cứu lấy”.
Theo ông Tôn, cuộc chiến chống COVID-19 là “một cuộc chiến không có người bàng quan”, không chỉ dựa vào nỗ lực của chính phủ và các y bác sĩ, mà toàn thể người dân còn phải tuân thủ các biện pháp được áp dụng.
Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trước Ý, biện pháp phong tỏa cũng được Trung Quốc sử dụng, nhưng chỉ áp dụng với một số địa điểm như tâm dịch Vũ Hán, các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc cùng một số nơi khác.
Covid-19 vẫn ám ảnh Trung Quốc
Dù Covid-19 dường như đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nỗi lo mới về việc “nhập ngược” nCoV lại xuất hiện, trong bối cảnh số ca bệnh tăng vọt tại Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Theo Charlie Campbell, phóng viên khu vực Đông Á của Time, nỗi lo của người dân Trung Quốc tăng lên khi truyền thông nhà nước nói rằng phương Tây không thể áp dụng những biện pháp quyết liệt như Trung Quốc nhằm ngăn virus lây lan, đồng thời đưa ra số liệu về ca nhiễm nCoV mới từ nước ngoài.
Các nhân viên bảo vệ sẽ tra hỏi bất kỳ người nước ngoài nào, như quốc tịch là gì, hai tuần qua ở đâu, nhằm hạn chế tương tác xã hội của họ. Phóng viên Campbell cho biết thợ cắt tóc quen của anh tại địa phương không còn phục vụ khách nước ngoài.
Mối nghi ngờ đặc biệt rõ rệt đối với người Italy, nơi số bệnh nhân chết vì nCoV đã vượt Trung Quốc, cùng hơn 40.000 ca nhiễm. Andrea Fenn, thành viên Phòng Thương mại Italy tại Trung Quốc, kể rằng sau khi một số khách hàng đến văn phòng, đối tác người Trung Quốc của anh đã hỏi họ đến từ đâu, có phải người Italy không.
“Đó là phản ứng dễ hiểu. Không gì có thể so sánh với sự phân biệt mà người châu Á tại Italy từng trải qua khi khủng hoảng mới xuất hiện”, Fenn cho hay.
Cuộc sống của người dân Trung Quốc vẫn đảo lộn khi các thành phố áp dụng những quy định khác nhau trong công tác kiểm dịch, phương thức tiến hành cũng thiếu rõ ràng. Những người đi từ Thượng Hải đến thành phố Tô Châu lân cận đều bị cách ly bắt buộc 14 ngày. Người không đi đâu cũng phải tự cách ly nếu có bạn cùng phòng hay thành viên gia đình trở về từ nước ngoài hoặc tỉnh khác.
Trên thực tế, quá trình thực thi các quy định phần lớn phụ thuộc vào ủy ban khu phố. Một số thành viên ủy ban này thậm chí lợi dụng quyền lực mới để gây khó dễ cho người dân. “Thật vô cùng bực bội. Mọi người không biết liệu có thể vào được chính nơi ở của mình hay không, chứ đừng nói đến văn phòng”, Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, cho hay.
Những hoạt động hàng ngày cũng chưa thể bình thường trở lại, bất chấp nỗ lực ca ngợi thành tựu trong cuộc chiến chống nCoV của Bắc Kinh. Các văn phòng dần mở cửa trở lại, nhưng hệ thống sưởi trung tâm không được phép hoạt động do lo ngại virus lây lan. Trên taxi, tài xế đặt tấm nhựa ngăn cách hai hàng ghế để bảo vệ mình khỏi hành khách.
Thành Nhân