Chuyên gia Trung Quốc: Covid-19 có thể bắt nguồn từ nơi khác
Viện sĩ Chung Nam Sơn, Tổ trưởng Tổ chuyên gia cao cấp Ủy ban Y tế Trung Quốc, nhấn mạnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (Covid-19) bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc nhưng chưa chắc chắn xuất phát từ nước này.
Đó là một phần nội dung buổi họp báo do Văn phòng báo chí TP Quảng Châu tổ chức vào sáng 27-2, nhằm thông báo tình hình phòng, chống và điều trị dịch bệnh và trả lời báo chí. Ông Chung cho rằng dù dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc nhưng ca nhiễm đầu tiên có thể không phải ở đây.
“Khi chúng ta đưa ra dự báo, chúng ta chỉ nghĩ về Trung Quốc mà không nghĩ đến các nước khác nhưng giờ dịch bệnh đang diễn ra ở các nước khác. Dù dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc là nguồn lây bệnh” – ông Chung nói. Ông Chung cho rằng nhiều loài động vật hoang dã có thể là vật chủ của virus gây nên Covid-19, không chỉ có tê tê. Nguồn gốc của virus đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Theo ông Chung, “đợt dịch này đã bộc lộ khuyết điểm của ngành y tế Trung Quốc, đó là vai trò của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) được đặt ở vị trí quá thấp, chỉ là một bộ phận kỹ thuật. Vai trò đặc biệt của CDC không được coi trọng”. Ông thừa nhận nếu Trung Quốc hành động sớm từ đầu tháng 12, hoặc thậm chí đầu tháng 1, số ca nhiễm sẽ có thể thấp hơn nhiều.
Dù vậy, ông Chung tin dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể được kiểm soát trong tháng 4. “Trên cơ sở phân tích truyền thống, cộng thêm một số nhân tố ảnh hưởng khác, cùng với các biện pháp quyết liệt của nhà nước, trải qua đợt cao điểm đi lại sau nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi đưa dự đoán đỉnh dịch Covid-19 rơi vào sau trung tuần tháng 2. Các số liệu gần đây chứng minh dự đoán này đã tiệm cận với kết quả của các cơ quan uy tín quốc tế. Chúng tôi tin rằng cuối tháng 4 sẽ cơ bản kiểm soát dịch bệnh” – ông nói.
Ngoài ra, ông Chung cho biết Covid-19 có quá trình lây nhiễm tương tự các bệnh cúm do viêm phổi khác. Tuy nhiên, mức độ lây lan cao hơn so với Viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS), với hệ số lây nhiễm (R0) 2-3 (một người lây nhiễm cho 2-3 người). Ông Chung cũng chỉ ra rằng nếu trong cơ thể người bệnh xuất hiện đủ một lượng kháng thể, bệnh nhân thông thường sẽ không bị tái nhiễm.
Hiện Hàn Quốc đang là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19.
H.Bình/NLĐ