+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Trả giá cao để tăng tốc mua vaccine

19/06/2021 16:20

Theo một số chuyên gia, Việt Nam cần sẵn sàng nguồn lực, chấp nhận mua vaccine với giá bằng hoặc cao hơn thị trường quốc tế để tăng tốc nhập khẩu.

TS. Vũ Thành Tự Anh

Sáng 19/6, tại tọa đàm về mở rộng nguồn tiếp cận vaccine, do trường Chính sách công và quản lý Fulbright tổ chức, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh dẫn khảo sát quốc tế cho thấy 98% người dân Việt Nam sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19. Hiện, gần 2 triệu người đã tiêm mũi một; hơn 200.000 người tiêm đủ hai mũi. “Đợt thứ tư bùng phát dịch bệnh với số ca nhiễm tăng nhanh nên Việt Nam cần thay đổi chiến lược chống dịch từ phòng thủ sang tấn công bằng vaccine. Vấn đề cấp bách hiện nay là tăng tốc nhập vaccine”, ông Tự Anh nêu vấn đề.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), Việt Nam đã thành công đăng ký nhận vaccine qua chương trình Covax. Nhưng từ cuối năm ngoái, nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung vaccine cho Covax đã đặt ra dù tổ chức này nỗ lực thương thuyết với nhiều nhà sản xuất. Các nhà sản xuất vaccine thường ưu tiên bán cho những nước mua trực tiếp.

“Thời gian tới, khi số lượng sản xuất vaccine tăng lên, Covax cũng khó tự chủ được đủ nguồn vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, chương trình này ưu tiên các nước có dịch bệnh phức tạp, trong khi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, bà Thu Anh phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia). Ảnh: VT
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia). Ảnh: VT

PGS. TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên cao cấp trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nói việc tiếp cận và mua vaccine với các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam rất khó khăn. Nguyên nhân, nhà sản xuất đưa ra nhiều điều kiện không được mặc cả giá. “Thị trường vaccine hiện nay đặc biệt bởi nhiều nước đã ứng tiền từ giai đoạn nghiên cứu nên đương nhiên được mua trước”, ông nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, cho rằng trước đây Việt Nam và nhiều nước đều thực hiện chiến lược nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc tiếp cận, mua, nhập vaccine. Người dân được tiêm theo thứ tự ưu tiên, để đảm bảo công bằng và miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay nhu cầu tiêm chủng ngày càng lớn, nhất là từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, trong khi các nguồn vaccine từ Covax về rất ít, không đủ đáp ứng.

Ông Thành đề xuất ba giải pháp để Việt Nam tăng tốc nhập vaccine. Thứ nhất, cần thay đổi cách tiếp cận vaccine. “Nhà nước phải sẵn sàng nguồn lực tài chính, chấp nhận mua vaccine với giá bằng hoặc cao hơn giá trung bình trên thị trường quốc tế. Nghĩa là Việt Nam sẽ mua vaccine thương mại giá cao, để sớm có đủ lượng tiêm cho 70% dân số”, ông Thành đề xuất. Đơn cử, Việt Nam có thể mua vaccine Pfizer đúng với giá hãng công bố là 19,5 USD/liều.

Theo ông, nhiều nước phát triển đã tiêm đủ số lượng nên sẽ mở rộng bán vaccine cho các nước khác. “Đàm phán mua giá cao đúng thời điểm này, Việt Nam sẽ có vaccine sớm. Chi phí mua vaccine dù rất lớn nhưng vẫn nhỏ hơn so với thiệt hại về kinh tế nếu để dịch bệnh bùng phát”, ông Thành nói.

Thứ hai, Chính phủ và Bộ Y tế đang khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tham gia mua, nhập vaccine. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng để vừa tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp mua vaccine, vừa giám sát, quản lý rủi ro.

“Nếu Chính phủ đứng ra mua vaccine, thủ tục sẽ mất nhiều thời gian. Khối tư nhân mua vaccine sẽ rút ngắn tối đa thủ tục và thời gian. Nhưng nhiều hãng sản xuất chỉ đàm phán với Chính phủ. Vì vậy, Việt Nam cần sớm hình thành cơ chế đàm phán ba bên là Chính phủ, doanh nghiệp, nhà sản xuất”, ông Thành nêu quan điểm.

Thứ ba, Việt Nam đã đàm phán với nhiều hãng nhưng chưa có cam kết thời gian giao hàng cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục quyết liệt thúc giục các hãng giao hàng sớm. Việt Nam sẵn sàng trả giá cao để được giao hàng trước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Fulbright
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Fulbright

Đồng tình với đề xuất trên, ông Phạm Duy Nghĩa lưu ý, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, để huy động mọi nguồn lực tham gia mua vaccine. Bộ Y tế kiểm định chất lượng từng lô hàng nhập về, tránh tình trạng vaccine giả, quá hạn sử dụng.

“Để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần ban hành quy định miễn trừ trách nhiệm cho các đơn vị này, nếu vaccine đảm bảo chất lượng nhưng xảy ra phản ứng phụ. Nếu có sự cố, Chính phủ đứng ra bồi thường”, ông Nghĩa đề xuất.

Để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, bà Thu Anh nhấn mạnh cần đảm bảo bốn tiêu chí: an toàn, hiệu quả, đạt miễn dịch cộng đồng, duy trì miễn dịch này.

Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, các địa phương cần mở thêm các điểm tiêm chủng di động, để tạo thuận lợi cho người dân. Cán bộ y tế được tập huấn, xử lý sự cố.

“Nhiều nhà dịch tễ học dự đoán vaccine không tạo miễn dịch mãi mãi,mà phải tiêm nhắc lại hàng năm. Vì vậy, Việt Nam nên lựa chọn các loại vaccine có hiệu quả với biến chủng virus phổ biến đang lưu hành trên thế giới”, bà Thu Anh lưu ý.

PGS. TS Phạm Duy Nghĩa. Ảnh: Fulbright
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa. Ảnh: Fulbright

“Tổ chức tiêm chủng cho 75 triệu người không đơn giản. Bộ Y tế nên tham khảo kinh nghiệm các nước. Mỹ tập huấn cho nhân viên hiệu thuốc cũng có thể tiêm. Đức tiêm cho mọi người ngay trên cao tốc…”, ông Nghĩa nói và đề nghị huy động cả sinh viên y khoa vào chiến dịch này.

Ngoài các lực lượng được ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đề xuất ưu tiên vaccine cho các địa phương là trung tâm kinh tế, tài chính lớn như Hà Nội, TP HCM. Công nhân các khu công nghiệp, người lao động thường xuyên di chuyển, tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao cần được ưu tiên.

Ngày 15/6, tại cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng 150 triệu liều vaccine Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Nghĩa là ít nhất 70% dân số (70 triệu người) được tiêm chủng. Kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Toàn quốc sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó một kho tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và 7 kho tại 7 Quân khu. Tất cả điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực.

Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải.

Viết Tuân

Bài mới
Đọc nhiều