+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia TQ: Phát hiện 2019-nCoV đột biến ngay khi lây truyền trong 1 gia đình

04/02/2020 07:14

Các nhà khoa học cho biết, gen của virus corona chủng mới (2019-nCoV) đã trải qua một số hình thức đột biến nhất định khi nó lây lan trong gia đình.

Chuyên gia TQ: Phát hiện 2019-nCoV đột biến ngay khi lây truyền trong 1 gia đình
Chuyên gia TQ: Phát hiện 2019-nCoV đột biến ngay khi lây truyền trong 1 gia đình

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, họ đã phát hiện thấy tình trạng đột biến đáng chú ý ở virus corona chủng mới, nhiều khả năng xảy ra khi lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình.

Mặc dù vẫn chưa rõ biến chủng gây ra những tác động gì nhưng chúng có nguy cơ làm thay đổi phương thức hoạt động của virus.

Nghiên cứu sự lây nhiễm trong 1 gia đình ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, các nhà khoa học cho biết, gen của virus đã trải qua một số hình thức đột biến nhất định khi nó lây lan trong gia đình.

Virus biến chủng liên tục nhưng phần lớn những thay đổi ấy là đột biến đồng nghĩa hay còn gọi là đột biến câm (synonymous/silent), không tác động nhiều tới phương thức hoạt động của virus. Tuy nhiên, đột biến không đồng nghĩa (nonsynonymous) có thể làm thay đổi đặc tính sinh học của virus, cho phép chúng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau.

Theo nghiên cứu mới của giáo sư Cui Jie và cộng sự từ Viện Pasteur Thượng Hải, 2 đột biến không đồng nghĩa đã xảy ra trong chủng virus tách từ mẫu bệnh của gia đình nói trên. Trường hợp này cho thấy “sự tiến hóa có thể đã xảy ra trong giai đoạn lây truyền giữa người và người”, Cui viết trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học National Science Review.

“Cần theo dõi chặt chẽ sự đột biến, tiến hóa và thích nghi của virus”, các nhà khoa học nhấn mạnh.

Nhóm của Cui cũng đã phát hiện tổng cộng 17 tình huống đột biến không đồng nghĩa từ các trường hợp nhiễm bệnh trên khắp Trung Quốc trong khoảng 30/12 đến cuối tháng 1.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ “vẫn chưa có câu trả lời” về việc liệu virus corona chủng mới có tốc độ đột biến nhanh hơn SARS hay các loại virus khác không bởi “hầu hết các trình tự gen hiện có đều không hoàn chỉnh”.

Giải trình tự gen là một kỹ thuật tốn kém và mất nhiều thời gian. Theo SCMP, gen của virus corona chủng mới có gần 30.000 cặp cơ sở (base pairs), dài hơn nhiều loại virus khác, gồm cả loại virus “bà con” SARS.

Hiện vẫn chưa rõ tình trạng đột biến của virus ảnh hưởng như thế nào tới người bệnh. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, tình trạng này có thể khiến những người đã phục hồi tái nhiễm bệnh và tạo điều kiện cho virus “đánh lừa” các phương pháp phát hiện hiện thời bởi những phương pháp này chỉ nhằm vào một mảnh nhỏ trong bộ gen – SCMP nhấn mạnh.

Thi An/SH

Bài mới
Đọc nhiều