Chuyên gia: TP.HCM nên dũng cảm mở cửa, phục hồi kinh tế
Từng bị Covid-19 bùng phát, khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn Singapore. PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP.HCM cần mạnh dạn lập kế hoạch phục hồi kinh tế, chấp nhận ca mắc tăng bởi sống chung an toàn với Covid-19 sẽ làm tăng miễn dịch cộng đồng.
“Nếu số ca mắc Covid-19 gia tăng, TP.HCM có nguy cơ phải phong tỏa thêm một lần nữa hay không?” là vấn đề được PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, đặt ra tại Hội thảo về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025, sáng 16/10.
TP.HCM chưa đạt bình thường mới
Ông Dũng phân tích với tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần.
Như vậy, không chỉ người đã tiêm vaccine được bảo vệ mà người chưa tiêm cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới.
“Tuy nhiên, miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn có khả năng gia tăng”, chuyên gia cảnh báo.
Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng với biến chủng Delta, các vaccine hiện nay không thể nào giúp đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng hoàn toàn. Điều này có nghĩa để tiếp tục kiềm chế dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện 5K; có quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, tổ chức và phải có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh; xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời.
“Vì vậy, chúng ta chưa ở điều kiện bình thường mới ở thời điểm hiện tại”, ông Dũng lý giải.
Dẫn chứng từ Singapore, ông Dũng cho biết quốc gia này đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vaccine là 85%. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách thì số ca mắc tăng lại, khiến Chính phủ Singapore phần nào e dè và trì hoãn mở cửa.
Theo ông, không chỉ Singapore mà các quốc gia thực hiện tốt chính sách Zero Covid trong quá khứ đều gặp khó khăn khi nới lỏng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu hay TP.HCM từng bị dịch bệnh hoành hành sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn.
“TP.HCM khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc có thể gia tăng nhưng không nhanh như Singapore. Điều này gợi ý chúng ta cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế”, ông Dũng nêu quan điểm.
Lý giải sự phát tán của virus SARS-CoV-2 trong không khí khi xâm nhập vào người đã có miễn dịch sẽ giúp củng cố hiệu lực của vaccine, ông Dũng cho rằng cơ chế này sẽ làm tăng cường miễn dịch cộng đồng. “Như vậy, sống chung an toàn với Covid-19 sẽ tăng cường thêm miễn dịch cộng đồng”, TS Đỗ Văn Dũng nói.
Từ lập luận đó, ông đề nghị bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch; thay thế biện pháp cực đoan bằng biện pháp kinh tế để có hiệu quả cao hơn.
Ông Dũng kiến nghị TP.HCM mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ; đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện mũi tiêm tăng cường khi cần thiết.
“TP.HCM có thể chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát; đồng thời, không cần thiết cách ly người F1 nếu họ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine”, ông Dũng đề xuất.
Chính sách hỗ trợ của TP.HCM phải cao hơn cả nước
Góp ý cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, TS Trần Du Lịch cho rằng hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi.
Ông cho rằng các biện pháp trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”.
Thành phố chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất thành phố phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở địa phương trở về làm việc.
Về giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội, ông Lịch đề nghị mức cao hơn mặt bằng chung cả nước. Lý do là TP.HCM chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và là nơi có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất.
Thành phố đồng thời cần triển khai nhanh dự án quan trọng bị ngưng trệ như: Xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại TP Thủ Đức; xây dựng đô thị thông thông minh; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp số hóa các hoạt động… Các dự án bất động sản cũng cần được tháo gỡ vướng mắc để khai thông mạnh mẽ.
Ba vấn đề phục hồi kinh tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh dù diễn biến vẫn chưa hết phức tạp.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, quá trình phục hồi kinh tế của thành phố tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, đánh giá và nhận diện xu hướng, diễn biến dịch; tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế thế giới và cả nước, đặc biệt là TP HCM.
Thứ hai, tính toán để giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của TP HCM với cả nước; đồng thời giữ vị trí của TP HCM trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.
Thứ ba, TP HCM làm thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố đã đặt ra; hoặc điều chỉnh để tận dụng, phát huy thời cơ mới, động lực mới trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn lắng nghe góp ý về các vấn đề cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để thành phố sớm khôi phục kinh tế.
Phạm Minh