+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia TP.HCM dự đoán về biến thể Omicron và Delta

29/11/2021 15:07

PGS TS BS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM khẳng định, còn quá sớm để kết luận về biến thể Omicron. “Tuy nhiên, chúng ta có những dự đoán”.

Omicron lành hơn Delta?

Ông cho rằng, virus có nguyên lý tiến hóa chung, biến thể mới sẽ lây nhiễm nhiều hơn và ít gây chết người hơn. Theo PGS Đỗ Văn Dũng, nếu chủng virus gây chết người nhiều quá, thì sẽ không còn vật chủ để lây lan. Do đó, virus sẽ giảm độc tính để ít gây chết vật chủ nhất.

Ngoài ra, biến thể sẽ có khuynh hướng “trốn” vắc xin.

Biến thể Delta từng xuất hiện khiến cuộc chiến chống Covid-19 bước sang giai đoạn khốc liệt hơn. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM điểm lại các biến thể đã từng xuất hiện của nCoV.

“Trước đây, đã ghi nhận các biến thể Alpha, Delta…Chúng ta rất sợ Delta, nhưng đến nay cũng đã quen dần. Sau đó, còn 3 biến thể khác ít được nhắc đến là Lambda, MU và Delta Plus. Tuy nhiên, Omicron là biến thể có thay đổi khá nhiều trong protein gai”.

Câu hỏi đặt ra, liệu Omicron có lây lan nhanh hơn Delta?

PGS Đỗ Văn Dũng phân tích, về mặt sinh học phân tử, trong protein S, có nhiều đột biến hơn nên có khả năng virus sẽ xâm nhập nhanh hơn.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus nCoV bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới

Thứ 2, PGS Dũng phân tích, ở nơi có biến thể Delta phổ biến, thông thường các biến thể khác sẽ không  lây lan nhiều. Thế nhưng ở Nam Phi, Omicron vẫn xuất hiện, chứng tỏ có khả năng lây lan mạnh hơn Delta.

“Vậy, Omicron gây bệnh nặng hơn hay nhẹ hơn? Các nhà khoa học hiện chưa trả lời được”, PGS Dũng chia sẻ.

Ông dẫn chứng từ dữ liệu thông tin từ các bệnh nhân Nam Phi nhiễm biến thể này,  triệu chứng chủ yếu là đau cơ, không viêm phổi nhiều. Có thể đưa ra suy đoán, biến thể này đã nhẹ hơn, không tấn công vào phổi nữa.

“Tất nhiên đây là dự đoán, không ai dám chắc chắn, vì lượng bệnh nhân nhiễm biến thể còn ít, trẻ tuổi và phần lớn đã tiêm chủng”.

Như vậy, việc tiêm vắc xin vẫn còn hiệu quả dù Omicron có dấu hiệu “trốn” được một phần vắc xin Covid-19.

Gấp rút tăng cường vắc xin mũi 3

PGS Đỗ Văn Dũng cho biết, hiện các nhà khoa học tại Nam Phi đang thực hiện các thử nghiệm, xem xét Omicrion có bị kháng thể của vắc xin tiêu diệt hay không. Vì chưa hiểu rõ về biến thể mới, nên biện pháp tốt nhất là “tránh và cô lập biến thể”.

“Dù nặng hay nhẹ cũng cần cô lập để tránh lây lan. Đó là lý do nhiều quốc gia đang có các biện pháp giới hạn, cách ly người về từ vùng nguy cơ, thậm chí là đóng cửa”.

PGS Dũng đưa ra dự đoán, Omicron có thể “trốn, phá” được vắc xin, nhưng không hoàn toàn. Do đó, các bệnh nhân nhiễm biến thể này tại Nam Phi hiện có triệu chứng nhẹ khi đã tiêm đủ liều.

Vắc xin và 5K vẫn là ưu tiên hàng đầu để ứng phó với Omicron lúc này.

Điều cần thiết với Việt Nam và TP.HCM nói riêng lúc này, là tăng cường mũi vắc xin thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên cao nhất như: người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế trực tiếp làm việc trong các cơ sở điều trị Covid-19…

Trong thế giới mở hiện nay, việc lây lan của các biến thể là khó tránh khỏi, Delta là một ví dụ. “Nhưng dù có lây nhanh thế nào, cũng khó có thể thoát được lớp khẩu trang. Do đó, 5K vẫn cần nghiêm chỉnh nhất có thể”, BS Khanh khuyến cáo.

Với đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế luôn đặt mục tiêu hàng đầu phải bảo vệ đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, người có bệnh nền để giảm nguy cơ tử vong. Dù là Delta hay Omicron, nguyên tắc này luôn được tôn trọng.

Vị bác sĩ này cũng cho rằng, không còn thời gian để chậm trễ với việc sản xuất vắc xin và thuốc đặc trị. “Đây là vấn đề an ninh chống dịch, vô cùng quan trọng. An ninh chỉ có được thật sự khi chúng ta chủ động sản xuất, cung cấp được vắc xin và thuốc ngay từ trong nước cho người dân sử dụng”.

Đánh giá nguy cơ Omicron xâm nhập vào Việt Nam, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, so với nhiều quốc gia, Việt Nam tương đối an toàn về mức độ giao lưu, khoảng cách địa lý với Nam Phi. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát chặt người từ nước ngoài về. Vì vậy, “Nguy cơ vẫn có, nhưng thấp hơn”.

Hết sức cẩn trọng với sự xuất hiện biến chủng mới, vị thành viên của Tổ tư vấn chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế cho TP.HCM nhận định, Omicron cho thấy đại dịch vẫn còn nhiều tình huống bất ngờ.

Khai Tâm 

Bài mới
Đọc nhiều