Chuyên gia: Thi THPT quốc gia như hiện nay là lạc lậu
Theo chuyên gia, kỳ thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, còn phương thức thi như hiện nay là lạc hậu so với thế giới.
Tại cuộc họp của Bộ GD&ĐT với Ủy ban Giáo dục quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng 25/9, bàn về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến kỳ thi THPT 2020 giữ ổn định như 2019. Từ sau đó sẽ bắt đầu lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự kiến năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia giữ ổn định như năm 2019 với mục tiêu tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, đảm bảo độ khách quan, tin cậy và có thể đánh giá được năng lực học sinh.
Tiếp đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ dự kiến có một số thay đổi là tất cả các học sinh không bắt buộc phải tham gia thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, những em hoàn thành chương trình lớp 12, nếu không có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp THPT mà vẫn đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ, sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Chỉ những học sinh có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mới cần tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Nội dung thi sẽ nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi vẫn là trên giấy, nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Các ý kiến cho rằng về cơ bản phương án thi hiện nay là tốt, cần tiếp tục có những cải tiến để phù hợp với lộ trình tăng cường tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy và học trong phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh chương trình mới chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi.
Đồng tình với ý kiến này, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng phương án thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Phương án thi THPT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên giấy như hiện nay là quá lạc hậu so với thế giới.
“Một hệ thống giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, một nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng. Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu không sẽ lạc hậu”, GS. Phạm Tất Dong nói.
Trong khi đó, ý kiến của TS. Lê Thống Nhất, TS. Quách Tuấn Ngọc nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng công nghệ để chống tiêu cực, giảm sự can thiệp không cần thiết của con người vào các khâu của kỳ thi.
“Bộ GD&ĐT cần xem xét việc cho phép các doanh nghiệp tham gia cung cấp hạ tầng, dịch vụ công nghệ, ngân hàng câu hỏi phục vụ cho kỳ thi”, TS. Lê Thống Nhất đề xuất.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia đề nghị trong phương án thi THPT sau năm 2020 phải nêu rõ lộ trình các bước triển khai hình thức thi trên máy tính.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng hình thức thi này, TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen. Sau đó ngành giáo dục tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng.
“Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ muộn”, ông Sơn nói.
Các ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải làm rõ hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở các địa phương khác với việc thi nhiều lần tại các trung tâm khảo thí để làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
“Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì chúng ta phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM góp ý thêm.
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, cầu thị để chuẩn bị cho phương án thi THPT sau năm 2020 một cách căn cơ, có lộ trình chắc chắn, có sở cứ khoa học.
“Hình thức thi THPT trong những năm tới cần tiếp tục hoàn thiện, áp dụng công nghệ để bảo đảm chất lượng, kết quả công bằng, khách quan. Bộ sẽ từng bước triển khai hình thức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục chuẩn hoá và mở rộng ngân hàng đề thi.
Quan trọng nhất vẫn là năng lực, đội ngũ cán bộ khảo thí, lực lượng giáo viên phải được kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng toàn diện. Máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 cần chắn chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương.
Bộ GD&ĐT làm rõ phương án cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT cho học sinh; phân định hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia với hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi nhiều lần trong năm.
“Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không có chuyện học sinh chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.
“Sau cuộc họp hôm nay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.
(Theo VTC News)