“Chuyên gia RFA” lại múa phím chê bai chính sách Nông nghiệp của Việt Nam
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa có bài trả lời phỏng vấn về việc gỡ khó và định vị thương hiệu nông sản Việt với rất nhiều đề xuất và giải pháp. Thế nhưng RFA lại cắt xén bài phát biểu này rồi lồng ghép các nội dung vụn vặt nhằm chê bai Bộ trưởng.
Không quá khi nói Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp trên thế giới. Tính theo giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản thì Việt Nam hiện đứng khoảng thứ 15 thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ đô la. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, đến nay Việt Nam đã đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo trên toàn thế giới. Điều này có được là nhờ những chính sách và chủ trương hết sức đúng đắn như Cơ chế Khoán 100, Nghị quyết 10 – NQ/TW năm 1988 về Ðổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, Nghị quyết số 26 – NQ/TW, ngày 5/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Hiệu quả mang lại từ những chính sách này là sản lượng Nông nghiệp của Việt Nam đã tăng vọt, từ đó dẫn đến những vấn đề mới liên quan đến “đầu ra” cho các sản phẩm.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra rất nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt là xây dựng tổ hợp đa chức năng ở cửa khẩu để tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu, lâu dài là giải pháp kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu. Việc ùn ứ các xe chở nông sản tại biên giới Trung Quốc được chỉ rõ là vì nông sản Việt Nam thiếu chuẩn hóa chất lượng và phụ thuộc vào đường tiểu ngạch, luôn luôn bị động khi xuất khẩu. Vì thế Bộ trưởng nêu ra ý kiến đã được RFA trích dẫn là “xây dựng đề án chuẩn hóa vùng nguyên liệu; thành lập liên minh của những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường để cùng ngồi lại, thảo luận chiến lược xuất khẩu nông sản.”
Ai đọc bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng cũng thấy trong đó đầy tâm huyết và trách nhiệm, có lẽ vì thế mà RFA không dám trích dẫn toàn bài, họ chỉ cắt xén một đoạn rồi mỉa mai khi Bộ trưởng kêu gọi cần “cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp”. Họ có vẻ không hiểu được tính toàn diện trong những phát biểu ở tầm Bộ trưởng, mà chỉ thích chọc ngoáy theo kiểu “thầy bói xem voi”. Đơn cử là cách họ trích dẫn các ý kiến chuyên gia về những khía cạnh nhỏ lẻ, rồi lồng ghép suy luận cá nhân của mình vào với dụng ý để chê bai Bộ trưởng nói không giống chuyên gia. Có lẽ việc phơi bày những cái mà họ cho là “không giống” đó mục đích là để chê bai trình độ của Bộ trưởng, rộng hơn là chê bai trình độ của lãnh đạo Việt Nam như cái cách mà xưa nay họ vẫn “gõ phím” nhiệt tình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan được biết đến với rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp thời còn giữ cương vị Bí thư Đồng Tháp. Ông là người nghĩ ra mô hình “Hội quán nông dân” để tăng cường trao đổi giữa người nông dân với chính quyền. Ông có nhiều trăn trở và phát hiện rất đúng, rất trúng những vấn đề của ngành nông nghiệp như: biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Ông từng nói: “ngành nông nghiệp phải là cơ sở của công nghiệp chế biến và thương mại. Khi và chỉ khi làm tốt hai lĩnh vực chế biến và tổ chức hệ thống tiếp thị, phân phối thì mới thoát ra “cái bẫy” đang lùng nhùng như hiện nay”. Điều này thể hiện sự am hiểu tường tận của ông đối với ngành nông nghiệp, và nhận được rất nhiều kỳ vọng của người dân.
Từ sau thời kỳ đổi mới, nông nghiệp Việt Nam chưa có năm nào không tăng trưởng, đã đứng top 15 và tiến tới top 10 toàn thế giới về xuất khẩu. Bình luận chê bai thiếu thiện chí của RFA với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khiến cho họ “lòi việc thiếu hiểu biết” như dân gian thường nói. Khi nhận xét về một vấn đề cần công tâm, khách quan, nhưng họ lại lồng ghép tư duy cá nhân luôn nhắm đến xuyên tạc, bôi nhọ, thành ra chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
An Diễm