Chuyên gia: Quy định cách ly mới của Hà Nội là không hợp lý, không đúng NQ 128
Chuyên gia dịch tễ cho rằng, quyết định bắt buộc cách ly với người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An của Hà Nội là không hợp lý và không đúng với tinh thần Nghị quyết 128.
Chiều tối qua, 16.11, UBND TP.Hà Nội bất ngờ ra quyết định điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh các ca nhiễm của thành phố những ngày qua ở mức từ 150 – 289 ca mắc mới mỗi ngày.
Điểm mới nhất là ngoài việc thí điểm cách ly F1 tại nhà, Hà Nội bắt buộc cách ly với người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, người về từ vùng 3, vùng 4 (vùng cam và vùng đỏ) đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Quyết định bất ngờ này của Hà Nội khiến nhiều người trở tay không kịp.
Anh Đ.T.Đạt (TP.HCM) công tác tại Hà Nội từ tháng 5 tới nay. Dự định về thăm nhà rồi quay lại Hà Nội làm việc, nhưng bất ngờ thấy thông tin từ TP.HCM ra phải cách ly 7 ngày, anh buộc phải thay đổi quyết định. “Tôi ở trọ, tự cách ly có thể không đảm bảo điều kiện lại phải đi cách ly tập trung. Trong trường hợp phải tự cách ly tại nhà cũng ảnh hưởng đến người xung quanh nên rất ngại”, anh Đạt chia sẻ.
Trao đổi với PV sáng nay, 17.11, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng quyết định bắt buộc cách ly nêu trên của Hà Nội là không hợp lý.
“Người từ TP.HCM hay các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An khi ra ra Hà Nội nếu đi máy bay thì đều đã phải tiêm 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính, vì sao còn phải cách ly. Hà Nội làm thế phải chăng vì lo tiêm 2 mũi vắc xin và xét nghiệm không hiệu quả?”, ông Nga nêu vấn đề.
Chuyên gia này cũng cho biết trường hợp cụ thể của cháu ông từ TP.HCM dự định bay ra Hà Nội công tác, nhưng sau khi thấy quy định bắt buộc cách ly 7 ngày thì đã phải trả vé. Lý do chỉ ra làm việc 2 ngày nhưng buộc cách ly tới 7 ngày thì rất mất thời gian.
Trước lo ngại của thành phố về việc các ca nhiễm cộng đồng đang có xu hướng gia tăng mạnh so với trước đây, theo ông Nga, việc xuất hiện các ca nhiễm mới tại Hà Nội không phải do người từ nơi khác lây lan dịch. “Dịch đã lây lan trong cộng đồng rồi, không phải là người bên ngoài mang vào. Ngay cả hiện tại nếu khám tình cờ có thể rất nhiều người có vi rút, đặc biệt là những người đã tiêm vắc xin rồi, nhưng có vi rút chứ không phải có bệnh. Chúng ta đã xác định thích ứng linh hoạt thì chỉ những người có triệu chứng hoặc có bệnh nền thì mới phải chữa trị”, ông Nga nhìn nhận.
Cũng theo chuyên gia này, TP.HCM hiện vẫn có hơn nghìn ca mắc mới mỗi ngày, song hôm qua đã cho mở lại nhiều dịch vụ hơn Hà Nội, đồng thời tính cả việc mở lại trường học trực tiếp. “Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin của 2 thành phố cao gần ngang nhau. Hà Nội không nên vì quá lo lắng mà có những quy định gây khó trong việc mở cửa, thích ứng linh hoạt, đặc biệt là với người nơi khác về thủ đô công tác, làm việc”, ông Nga khuyến nghị.
Đặc biệt, TP.HCM và nhiều địa phương khác đã cho cách ly F1 tại nhà từ lâu, vì thế Hà Nội có thể triển khai mà không cần thí điểm. “Thí điểm cách ly F1 rồi cho người dân hay tổ dân phố canh gác tại nhà thì rất phản cảm và thiếu hiểu biết, không cần thiết phải làm việc này. Quan điểm của tôi là Hà Nội bỏ cách ly tập trung đi, bỏ phong toả rộng tại khu phố hay toà chung cư, chỉ phong toả hẹp trong gia đình thôi”, chuyên gia này nhìn nhận.
Trước đó, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 8.11, thành phố đã giám sát 12.027 người từ các tỉnh, thành trở về Hà Nội, qua đó, ghi nhận 100 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, tỷ lệ là 0,83%.
Trong công điện chiều tối qua, UBND TP.Hà Nội yêu cầu: với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và cấp độ 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, Hà Nội yêu cầu cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người này phải xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 thay vì 1 lần như trước đây.
Với người chưa tiêm đủ liều vắc xin đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 về Hà Nội đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày đầu tiên.
Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần.
Tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương.
Minh Ngọc