Chuyên gia quốc tế chỉ rõ yếu tố “then chốt” giúp Việt Nam đánh bại dịch Covid-19
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó phải kể đến việc tăng cường xét nghiệm.
Trong lúc doanh nhân Phan Quốc Việt đang thăm một ngôi chùa tại tỉnh Tây Ninh, miền Nam Việt Nam thì ông nhận được cuộc gọi của một quan chức chính phủ. Đó là thời điểm cuối tháng 1 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 một vài ngày trước đó và chính phủ đang liên hệ với các công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực xét nghiệm y tế để yêu cầu giúp đỡ.
“Quan chức đó nói rằng Việt Nam cần phải hành động nhanh chóng”, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nói. Việt Á là đơn vị được cấp phép để sản xuất đại trà bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 gây nên bệnh Covid-19, đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Việt Nam đẩy mạnh chương trình xét nghiệm trên diện rộng nhằm đối phó với dịch bệnh.
Kết hợp nhiều biện pháp, hành động nhanh và quyết liệt
CNA cho rằng, Việt Nam – quốc gia có 96 triệu dân và có chung đường biên giới với Trung Quốc đã cho thấy sự thành công trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Việt Nam chính thức thông báo ghi nhận 270 ca mắc và không có ca tử vong nào tính đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nước láng giềng Philippines, với quy mô dân số nhỏ hơn, báo cáo số ca mắc cao gấp 30 lần và hơn 500 ca tử vong.
Tỷ lệ lây nhiễm thấp như vậy giúp Việt Nam có lợi thế để khôi phục nền kinh tế sớm hơn nhiều so với những quốc gia khác, Reuters dẫn lời một số chuyên gia về y tế công cộng đánh giá. Các chuyên gia này nhấn mạnh, sở dĩ Việt Nam thành công là bởi nước này đã thực hiện những biện pháp sớm và quyết liệt như hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, cách ly hàng chục nghìn người, nhanh chóng đẩy mạnh việc xét nghiệm, triển khai hệ thống theo dõi những người có nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ông Matthew Moore – một quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) – người đã hợp tác với cơ quan chức năng của Việt Nam để đối phó dịch bệnh kể từ đầu tháng 1/2020 cho biết: “Các bước đi này rất dễ mô tả nhưng lại khó thực thi, song Việt Nam đã rất thành công khi thực hiện hết lần này đến lần khác”. Ông Matthew Moore cho biết, CDC có “niềm tin rất lớn” vào phản ứng của chính phủ Việt Nam trước cuộc khủng hoảng Covid-19.
Việt Nam đã gia tăng số lượng phòng xét nghiệm Covid-19 từ 3 phòng vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng 1 lên đến 112 phòng vào tháng 4/2020.
CNA dẫn thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết, tính đến ngày 29/4, đã có tổng số 213.743 xét nghiệm được tiến hành tại Việt Nam, trong đó có 270 xét nghiệm cho kết quả dương tính. Theo Reuters, tỷ lệ 791 xét nghiệm/1 ca mắc bệnh đến nay là cao nhất trên thế giới. Đứng thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc) với 140 xét nghiệm/ 1 ca mắc.
Theo các chuyên gia, Việt Nam thành công nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vai trò lãnh đạo của chính phủ, nền kinh tế thị trường mở và sự sẵn sàng hợp tác của người dân vốn có kinh nghiệm trong ứng phó với nhiều dịch bệnh trước đó.
Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam ứng phó một cách có tổ chức. Các quyết định về chính sách trên toàn quốc được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, không gây nhiều tranh cãi”. Phòng thí nghiệm của giáo sư Thwaites đã tham gia hỗ trợ để xử lý các xét nghiệm, với năng lực tăng cường năng lực từ việc thực hiện 100 xét nghiệm/1 ngày lên đến gần 1.000 xét nghiệm/ngày.
Theo ông, số xét nghiệm có kết quả dương tính mà phòng thí nghiệm của ông xử lý phù hợp với các dữ liệu của chính phủ.
Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard cho biết, số bệnh nhân trên 60 tuổi mắc Covid-19 tại Việt Nam chiếm chưa đến 10%. Đây là nhóm tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất do dịch bệnh này.
Ông Pollack nói thêm, tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam đều được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và được chăm sóc tốt. Chuyên gia này cũng so sánh cách ứng phó của Việt Nam với Hàn Quốc –một quốc gia khác cũng triển khai chương trình xét nghiệm quy mô lớn và có tỷ lệ tử vong tương đối thấp.
Chuyên gia Pollack cho biết: “Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc là khoảng 2%, một phần vì họ tiến hành xét nghiệm rất rộng rãi”. “Nếu chúng tôi áp dụng tỷ lệ này cho số trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 ở Việt Nam và xem xét một số yếu tố khác, chúng tôi có thể hiểu làm thế nào Việt Nam tránh được các ca tử vong do dịch bệnh”.
Krutika Kuppalli, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và an toàn sinh học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói: “Việt Nam thực hiện rất tốt biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, nhờ việc xét nghiệm, cách ly và kiểm dịch”.
Tăng cường quan hệ hợp tác công – tư
Theo CNA, vào cuối tháng 2/2020, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang xem nhẹ mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, Việt Nam và các đối tác đã bắt đầu tìm nguồn cung ứng cần thiết để sản xuất hàng loạt dụng cụ xét nghiệm Covid-19 từ Mỹ và Đức.
Học viện Quân Y của Việt Nam đã phối hợp với Công ty Công nghệ Việt Á chế tạo thành công bột kit xét nghiệm Covid-19 và được sự cấp phép của chính phủ để sản xuất hàng loạt. Doanh nhân Phan Quốc Việt cho biết, các bộ kit đã giúp cung ứng 250.000 xét nghiệm tại Việt Nam và còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Bộ kit xét nghiệm của Công ty Công nghệ Việt Á được đưa vào sử dụng vào ngày 4/3. Theo số liệu từ Bộ Y tế, đầu tháng 3, chỉ một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn người tại các cơ sở cách ly được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nhưng đến đầu tháng 4, số xét nghiệm đã vượt quá con số những người phải cách ly.
Ngày 23/1, Việt Nam đã hoãn các chuyến bay đến và đi từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc – nơi dịch bệnh khởi phát ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên. 1 tuần sau đó, Việt Nam đóng cửa đường biên giới dài 1.400km với Trung Quốc, song vẫn duy trì hoạt động trao đổi thương mại cần thiết.
Đến giữa tháng 3/2020, Việt Nam ban hành quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng trên toàn quốc. Một số nhà máy may mặc tại Việt Nam đã chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Việc xét nghiệm tại Việt Nam diễn ra song song với chương trình theo dõi liên lạc tiếp xúc của bệnh nhân và cách ly hàng chục nghìn người, trong số này có nhiều người trở về từ nước ngoài để tránh dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ.
Các nhân viên y tế đã làm xét nghiệm đi xét nghiệm lại đối với những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và chỉ cho phép họ ra khỏi khu cách ly khi có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần. Ngoài ra cũng có nhiều xét nghiệm được thực hiện với những nhóm người không ở trong khu cách ly nhưng có nguy cơ cao phơi nhiễm virus, chẳng hạn như tại một số khu chợ ở Hà Nội.
Hồng Anh/VOV