+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia quốc tế: Bà Harris có thể thông báo hỗ trợ thêm vắc xin cho Việt Nam, đáp lại sự chia sẻ hào phóng Việt Nam cho Mỹ lúc đầu đại dịch

25/08/2021 06:06

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-26/8, phản ánh tầm quan trọng chiến lược của khu vực với chính sách của Mỹ. Ngoài ra, vắc xin Covid-19 và nỗ lực chung tay chống dịch cũng sẽ là một trọng tâm khác của chuyến công du.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng Mỹ lựa chọn Việt Nam lần này với lý do Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ. Vai trò ấy không chỉ là do liên kết thương mại và đầu tư song phương bền chặt, mà còn bởi mối quan hệ này là minh chứng rằng hai nước từng đối đầu hoàn toàn có thể trở thành những người bạn thân thiết, đối tác tin cậy.

Ông Ted Osius đưa ra dẫn chứng rằng, bất kỳ ai đến Việt Nam đều ấn tượng trước tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự thân thiện của người dân và bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất này. Hiện có hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt. Hợp tác giáo dục Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ.

Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Trên cơ sở liên kết về kinh tế và đầu tư, hai quốc gia đã có nỗ lực phối hợp để duy trì mối quan hệ tin cậy và hiệu quả. Trong đó, thương mại hai chiều đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trị giá trên 10 tỷ USD và nhập khẩu của Mỹ năm 2020 đạt 79,6 tỷ USD.

Nhìn nhận chuyến thăm Việt Nam ở một khía cạnh khác, rộng hơn, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Biển Đông cho rằng: “Các lợi ích địa chiến lược của Singapore và Việt Nam hội tụ khăng khít với Mỹ. Điều đó tạo cơ sở cho sự hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực đang nổi lên trong tương lai”.

Tại Việt Nam, giáo sư Thayer nhận định chuyến thăm của bà Harris sẽ xúc tiến hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Trên khía cạnh môi trường, các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, trong khi lĩnh vực kinh tế sẽ chú trọng đến thương mại kỹ thuật số, đầu tư và ổn định chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, giáo sư Thayer dự đoán rằng bà Harris có thể sẽ đề xuất thảo luận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược. Đồng thời, Phó tổng thống nhiều khả năng sẽ chuyển lời mời thăm chính thức Mỹ của ông Biden tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia đều cho rằng, nội dung hợp tác chống Covid-19 sẽ trở thành một trong những trọng tâm thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm lần này.

Theo chuyên gia Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ lo ngại về Covid-19 và biến chủng Delta nên muốn tìm cách hợp tác với các nước, đặc biệt là những nước như Việt Nam.

Vì thế, Mỹ đang gửi lượng lớn vaccine và sắp tới sẽ mở văn phòng khu vực ASEAN của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Phó tổng thống Harris có thể sẽ gặp bộ trưởng Y tế các nước ASEAN trong thời gian ở Hà Nội. Như vậy, việc thăm cấp cao hai lần liên tiếp (tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm chính thức Việt Nam) còn thể hiện Mỹ xem Việt Nam là đối tác chiến lược mà Mỹ có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực như y tế và Covid-19.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có thông báo về việc Mỹ hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam ngay trước khi bà Harris tới hoặc khi bà ấy đã có mặt ở đây. Bà ấy có thể là người thông báo điều này”, ông Murray Hiebert nhận định.

Khi Mỹ không kịp sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân vào năm 2020, Việt Nam đã chia sẻ rất hào phóng với Mỹ. Nghĩa cử ấy đã được ghi nhớ và Mỹ cũng muốn đền đáp hào phóng tương tự, khi Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Chuyến thăm Singapore và Việt Nam lần này của bà Harris không chỉ đơn thuần mang những thông điệp về song phương mà còn gửi tới những thông điệp đa phương vô cùng quan trọng. Theo cựu Đại sứ Ted Osius, lựa chọn Singapore và Việt Nam để dừng chân phản ánh tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách chiến lược của Mỹ.

Hầu hết nền kinh tế các nước ASEAN có định hướng xuất khẩu. Do đó, thương mại là điểm xuất phát tốt để Mỹ thể hiện cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và để bà Harris nhấn mạnh sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á nói riêng.

Theo cựu Đại sứ, doanh nghiệp Mỹ cũng hiểu rõ câu chuyện này. Các hãng công nghệ nhận thức rằng Đông Nam Á là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế số dự kiến vượt mốc 300 tỷ USD năm 2025. Khi các nước ASEAN thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, một phần động lực cho tăng trưởng đó sẽ đến từ kinh tế số.

Ngoài thương mại, theo giáo sư Tommy Koh, chuyên gia về luật quốc tế và là cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, có nhiều lĩnh vực hội tụ lợi ích khác giữa Mỹ và Singapore, cũng như giữa Mỹ và ASEAN. Mỹ và ASEAN đều tích cực trong việc tăng cường thúc đẩy thượng tôn pháp luật và chủ nghĩa đa phương. Đối với các nước có diện tích nhỏ như Singapore, sự tồn tại và phát triển thịnh vượng phụ thuộc vào những điều này.

Dưới nhiệm kỳ của ông Biden, Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi tháng 3 thêm lần nữa khẳng định các trụ cột của chính sách Mỹ, trong đó ASEAN là đối tác quan trọng đối với lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Phân tích những bước đi cụ thể hơn, Giáo sư Thayer cho rằng: “Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động tại Đông Nam Á thông qua hai trụ cột chính, đó là can dự toàn diện và xây dựng một mạng lưới các đồng minh và đối tác”.

Ông cũng lưu ý thêm rằng trong bài phát biểu tại Singapore hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bổ sung khía cạnh “ngăn chặn tích hợp” như trụ cột thứ ba trong chính sách tại khu vực.

“Mỹ sẽ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tuyên bố về ‘Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ của tổ chức. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể cam kết hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đối phó với những hành vi hung hăng và o ép trên Biển Đông”, ông Thayer nói.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngoại giao “dồn dập”, Mỹ thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho ASEAN và Việt Nam là mắt xích quan trọng

Nhật Hà 

Bài mới
Đọc nhiều