Chuyên gia quân sự đưa ra các kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan
Trả lời PV, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) đưa ra đánh giá về rủi ro xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan cũng như các kịch bản mà Bắc Kinh có thể tiến hành.
Gần đây, tình hình eo biển Đài Loan liên tục căng thẳng khi cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều có nhiều động thái tăng cường hoạt động quân sự. Thậm chí, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc hồi đầu tháng 8 đã điều động xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa – pháo phản lực đa nòng PHL-16 và PCL-191 đến Chiến khu miền Đông của nước này.
Chiến khu miền Đông vốn dĩ chịu trách nhiệm khu vực eo biển Đài Loan. Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định không từ bỏ giải pháp sử dụng sức mạnh quân sự để thống nhất Đài Loan.
Bắc Kinh cân nhắc sự can dự của Washington
Cựu đại tá Schuster (đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu thống trị vùng tây Thái Bình Dương vào năm 2030. Bắc Kinh đang thể hiện sự đe dọa nhằm khuất phục Đài Bắc phải chấp nhận mục tiêu vừa nêu.
“Trong khi đó, Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan nhưng lại thể hiện quan điểm chưa rõ ràng về việc có can thiệp hay không nếu đảo này bị tấn công. Giữa tình thế như vậy, Bắc Kinh vẫn phải tính toán đến khả năng Washington can dự khi Đài Bắc bị tấn công. Nếu tấn công Đài Loan và Mỹ can dự thì khi đó Trung Quốc không thể chỉ tập trung toàn bộ lực lượng vào Đài Loan”, ông Schuster phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng hiện nay, ưu thế quân sự ở eo biển Đài Loan hoàn toàn nghiêng về Trung Quốc đại lục. Nhưng việc huy động tổng lực cho cuộc tấn công ở vùng biển này là rất mạo hiểm và có thể đánh đổi bằng những phí tổn khó lường.
“Lựa chọn hàng đầu cho Bắc Kinh là bẻ gãy ý chí chính trị của Đài Bắc. Nhưng Đài Loan khó có khả năng bị khuất phục nếu không bị tấn công quân sự. Vì thế, Trung Quốc đại lục có thể có các chọn lựa sau để tấn công Đài Loan”, ông Schuster nhận định và đưa ra các kịch bản như sau.
Phá vỡ ý chí chính trị
Trung Quốc đại lục tiếp tục tiến hành các chiến dịch đe dọa hiện tại kết hợp cùng các đòn bẩy ngoại giao và kinh tế để cô lập Đài Loan không nhận được hỗ trợ từ bên ngoài. Khi Đài Loan nhận thấy phản kháng là vô ích thì sẽ tiến hành đàm phán với đại lục để đạt thỏa thuận thống nhất. Sau khi thống nhất, Bắc Kinh có thể kiểm soát Đài Loan theo cách của họ mà có thể bỏ qua những thỏa thuận trước đó.
Đây là kịch bản hoàn hảo nhất cho Bắc Kinh nhưng thực tế không dễ đạt được, vì Đài Bắc khó có thể “đầu hàng” nếu không xảy ra chiến tranh.
Phong tỏa một số đảo do Đài Loan kiểm soát
Trung Quốc tiếp tục chiến dịch gây áp lực quân sự với mức độ leo thang cao hơn. Tại các đảo ở gần Đài Loan mà Đài Bắc đang kiểm soát, lực lượng quân sự được Đài Bắc triển khai với sức mạnh đáng kể nên việc Bắc Kinh tấn công không hề dễ dàng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng phong tỏa các đảo này để cắt đứt nguồn hỗ trợ, hậu cần từ Đài Loan.
Phương án này ẩn chứa rủi ro khá lớn cho Trung Quốc đại lục vì có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở quy mô lớn. Nếu xung đột kéo dài có thể khiến Washington phải can dự, tăng nhanh việc viện trợ vũ khí cho Đài Bắc. Ngoài ra, hoạt động quân sự nhằm vào quần đảo Đông Sa có thể khiến các nước ASEAN quan ngại cho các đảo và thực thể còn lại ở Biển Đông.
Tấn công bằng không quân và tên lửa
Bắc Kinh cũng có thể chọn lựa tấn công bằng không quân và tên lửa nếu đánh giá rằng tốc độ triển khai có thể nhanh chóng khiến Đài Bắc phải khuất phục, trong khi cộng đồng quốc tế hay các đồng minh Đài Loan không kịp phản ứng hay can dự.
Song hành biện pháp quân sự trên, Trung Quốc đại lục có thể triển khai chiến dịch tấn công mạng nhằm vào hệ thống kinh tế, tài chính của Đài Loan.
Ngay cả khi không chiếm được Đài Loan, thì với các giải pháp tấn công bằng không quân và tên lửa, kết hợp cùng tấn công mạng, Trung Quốc đại lục có thể chủ động tuyên bố ngừng bắn để đàm phán khi đạt được một số mục tiêu nhất định. Giải pháp này của Bắc Kinh nhằm khiến giới lãnh đạo ở Đài Bắc nhận thấy phản kháng sẽ chỉ lãnh hậu quả. Nhưng giải pháp này cũng ẩn chứa rủi ro cao với Bắc Kinh là Washington có thể phản ứng, đồng thời Trung Quốc bị ảnh hưởng trên chính trường quốc tế. Một cuộc tấn công nhanh với mục tiêu đủ khiến Đài Loan khuất phục thì quy mô tấn công và sức mạnh hỏa lực phải rất lớn. Khi đó, hình ảnh dân thường thương vong, nhà cửa đổ nát ở Đài Loan có thể khiến Trung Quốc đại lục bị tổn hại về chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Thêm vào đó, thực tế cho thấy với sức mạnh quân sự của Đài Loan thì Bắc Kinh khó có thể phá vỡ ý chí của Đài Bắc nếu không tiến hành chiến dịch đổ bộ tấn công.
Tấn công tổng lực
Đây là kịch bản rủi ro nhất cho Bắc Kinh vì toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị gián đoạn. Thêm vào đó, khả năng rất cao là Mỹ sẽ can dự và dẫn đến một cuộc xung đột ở quy mô lớn.
Khi đó, Trung Quốc sẽ trả giá rất đắt không chỉ về nhân mạng, mà còn là kinh tế, chính trị, ngoại giao vì đã khai mào một cuộc chiến.
Thực tế, nếu Đài Loan tiếp tục duy trì lực lượng quân sự có khả năng phòng thủ mạnh thì hoàn toàn có thể tránh được kịch bản này. Đây cũng là câu chuyện cho một số nước Đông Nam Á trước tình hình phức tạp ở Biển Đông.
(Theo SCMP, Reuters)