+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Phong tỏa phải khoa học, virus không tự bay từ nhà này sang nhà khác

21/09/2021 09:50

“Phạm vi phong tỏa phải dựa trên cơ sở khoa học, bởi virus không thể tự bay từ nhà này sang nhà khác, mà chủ yếu lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần”, PGS Trần Đắc Phu nói.

Nhiều chuyên gia nêu đề xuất trên khi góp ý về việc phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch ở các tỉnh, thành. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền cơ sở nhiều nơi “rất lo ngại khi phát hiện F0”, dẫn đến việc phong tỏa cả đơn vị hành chính diện rộng một cách cực đoan, cứng nhắc, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, từ sinh hoạt, lao động đến sản xuất, kinh doanh…

PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp cộng đồng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với tâm lý lo sợ dịch bệnh lây lan, khi phát hiện F0, thay vì điều tra dịch tễ một cách kỹ lưỡng, xét nghiệm sàng lọc để xác định phạm vi ổ dịch, “nhiều nơi vội vàng phong tỏa cả thôn, xóm, xã, phường, khu chung cư hoặc rộng hơn”.

Cách làm này gây lãng phí nguồn lực và “phong tỏa rộng mà không chặt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong khu phong tỏa sẽ tăng lên”.

PGS Trần Đắc Phu.

PGS Trần Đắc Phu đề xuất các địa phương nên xác định nguy cơ dịch bệnh đến đâu phong tỏa đến đó. Để đánh giá được mức độ và phạm vi nguy cơ, mỗi khi phát hiện F0, ngành y tế địa phương phải xét nghiệm những người liên quan, đồng thời khẩn trương điều tra dịch tễ.

Đơn cử, nếu một tòa chung cư phát hiện F0, chính quyền có thể phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực, để ngăn chặn người ngoài vào và người ở trong ra. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn xét nghiệm sàng lọc, nếu cư dân trong tòa nhà âm tính thì thu hẹp phạm vi, chỉ phong tỏa một tầng, nơi có F0. Đồng thời, ngành y tế khẩn trương điều tra dịch tễ những người tiếp xúc với ca bệnh.

Tương tự, nếu phát hiện F0 tại một ngõ phố, chỉ cần xét nghiệm, điều tra dịch tễ và phong tỏa nhà có F0 hoặc một vài nhà cạnh đó, thay vì phong tỏa cả phường, xã. “Phạm vi phong tỏa phải dựa trên cơ sở khoa học, bởi virus không thể tự bay từ nhà này sang nhà khác, mà chủ yếu lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần”, ông Phu phân tích.

Chuyên gia này nêu ví dụ, khi xảy ra ổ dịch tại ngõ 228 và 330 (tháng 8/2021), phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ phong tỏa hai ngõ này thay vì cả phường, sau đó áp dụng biện pháp giãn dân. Đến nay, ổ dịch tại hai ngõ 228 và 330 không lây nhiễm ra nơi khác, chứng tỏ biện pháp phong tỏa hẹp có hiệu quả.

“Phong tỏa hẹp dễ quản lý hơn phạm vi rộng, nên thường có hiệu quả cao hơn, ông Phu nói.

Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 24/8. Ảnh: Tất Định
Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 24/8. Ảnh: Tất Định

Từ thực tiễn chống dịch tại địa phương, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết khi ghi nhận F0, cán bộ phải có mặt ngay tại khu dân cư để cùng ngành y tế điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, khoanh vùng theo từng tình huống chứ “không áp dụng cứng nhắc theo nguyên tắc nào”.

Theo lãnh đạo quận Hải Châu, nếu đợt dịch trước lực lượng chức năng phong tỏa cứng từng khu vực để truy vết, xét nghiệm sàng lọc, thì lần này do tốc độ lây nhiễm của chủng Delta, chính quyền địa phương áp dụng thêm giãn dân tại các các hẻm nhỏ và chung cư có F0, để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, nói việc phong tỏa “không nhất thiết đủ 14 ngày, mà dựa vào kết quả xét nghiệm”.

Giữa tháng 6, khi phát hiện ổ dịch ở đường Lê Duẩn, cơ quan chức năng đã phong toả cứng toàn bộ tam giác ba đường Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Lý Thái Tổ. Sau ba lần xét nghiệm, những khu vực cư dân không có ca mắc được dỡ bỏ, thu gọn việc phong toả vào hẻm có người nhiễm nCoV.

Trong tất cả các đợt dịch, Đà Nẵng “chưa bao giờ phong tỏa cả xã, thậm chí cả huyện, quận khi phát hiện một vài F0”. Khi phát hiện nhiều ổ dịch và nguy cơ lây lan lớn, Đà Nẵng giãn cách toàn thành phố, nhưng không phong toả cứng các quận.

Thành phố đang có định hướng sống chung an toàn với dịch, ông Thạnh cho rằng khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì vẫn phải phong toả “trong phạm vi vừa đủ tuỳ theo yếu tố dịch tễ của người bệnh” để xét nghiệm ngay tức thời (có thể test nhanh, sau đó làm xét nghiệm RT-PCR với trường hợp nghi ngờ). “Nhưng không nên giãn cách cả khu vực hay cả phường, quận khi phát hiện vài ổ dịch”, ông Thạnh nêu quan điểm.

Tại Hà Nội, trong chỉ thị điều chỉnh biện pháp chống dịch ban hành tối qua (20/9), Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các quận, huyện, thị xã khi thực hiện phong tỏa, cách ly trên địa bàn phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Đồng thời, các đơn vị cấp quận phải xác định mục tiêu thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch nhanh nhất, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp như: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế ngay từ cơ sở…

Tình nguyện viên tiếp tế nhu yếu phẩm cho từng nhà có người cách ly y tế trong khu phong toả trên đường Vườn Chuối, quận 3, TP HCM, ngày 30/7. Ảnh: Quỳnh Trần
Tình nguyện viên tiếp tế nhu yếu phẩm cho từng nhà có người cách ly y tế trong khu phong toả trên đường Vườn Chuối, quận 3, TP HCM, ngày 30/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, để thực hiện được nguyên tắc phong tỏa ở phạm vị nhỏ nhất có thể, đòi hỏi chính quyền cơ sở phải “có bản lĩnh, ứng xử linh hoạt” và dựa trên khuyến cáo của ngành y tế.

Còn theo đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam), các địa phương phải thay đổi nhận thức, khi phát sinh F0 tại bất kỳ nơi nào, chỉ nên coi đó là “điểm dịch”, thay vì là “vùng dịch” như trước đây. “Xác lập quan điểm này, thì sẽ xác định được phạm vi phong tỏa theo diện hẹp, đồng thời xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để tầm soát”, GS Trí nói.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, hiểu biết và ý thức phòng bệnh của người dân về Covid-19 được nâng cao qua gần hai năm cả nước chống dịch; năng lực và kinh nghiệm của ngành y tế về xét nghiệm, truy vết được củng cố tốt hơn; nhiều tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine mũi một như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh…

“Đây là những điều kiện thuận lợi để chấm dứt tình trạng phong tỏa tràn lan”, ông Nga nêu quan điểm.

Ngày 15/9, phát biểu tại hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi có F0 thì phải phong tỏa hẹp nhất có thể.

“Nhưng để an toàn, có nơi chỉ có một khu phố đã phong tỏa cả xã, phường; có một xã thôi cũng phong tỏa cả huyện. Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, lộ trình, không có biện pháp. Như vậy cứ phong tỏa hết 14 ngày lại phong tỏa tiếp”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.

Nguyễn Đông

Bài mới
Đọc nhiều