Chuyên gia nói gì về vụ tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Vero Cell?
Liên quan đến sự việc một nam thanh niên tên T.C. tại phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức, TPHCM) bị tiêm sai loại vaccine Vero Cell dù mũi một đã tiêm AstraZeneca xảy ra ngày 3/10, lãnh đạo địa phương cho biết vẫn đang kiểm tra sự việc.
Đơn vị hỗ trợ tiêm chủng cho điểm tiêm trường THPT Nguyễn Huệ (phường Long Thạnh Mỹ) là Bệnh viện Lê Văn Thịnh thông tin, hiện sức khỏe anh C. vẫn đang được theo dõi sát. Nếu không có gì bất thường, sau khoảng 3 tuần sẽ tiến hành tiêm tiếp một mũi vaccine AstraZeneca cho người này.
Để tìm hiểu việc tiêm trộn vaccine sai hướng dẫn của Bộ Y tế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dân hay không, chúng tôi đã liên hệ bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.
Bác sĩ Khanh khẳng định, việc tiêm chủng như trên dù có thể khiến người dân lo lắng nhưng gần như không ảnh hưởng gì.
Theo bác sĩ Khanh, trên thực tế ông đã nghe một số tỉnh miền Tây xảy ra các trường hợp tương tự. Trên thế giới, đã có một nước cho phép tiêm trộn 2 loại vaccine AstraZeneca và Vero Cell là Campuchia, nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam.
Cụ thể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, Campuchia đã tiến hành tiêm 2 mũi vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm cho người trên 18 tuổi. Đến khi xuất hiện biến chủng delta gây bùng phát và lây lan dịch mạnh, Campuchia quyết định tiêm nhắc mũi 3 là vắc xin AstraZeneca cho người dân.
Việc tiêm trộn trên đã diễn ra từ tháng 8. Bác sĩ Khanh nhận định, dù có tiêm trộn theo kiểu ngược lại (mũi hai AstraZeneca, mũi 2 Vero Cell) thì kết quả cũng như nhau, không vấn đề gì. “Nếu cần thiết, cảm thấy lo và có khả năng, 28 ngày sau khi tiêm trộn mũi 2 như trên có thể tiêm thêm một mũi vaccine AstraZeneca” – chuyên gia nói.
Lý giải cho điều này, bác sĩ Khanh phân tích, mục đích của việc tiêm nhắc mũi 3 cùng loại vắc xin với mũi đầu trong mốc thời gian trên là để tạo lại miễn dịch như mong muốn. Việc tiêm trộn mũi 1 AstraZeneca, mũi hai Vero Cell vẫn có khả năng tạo miễn dịch nhưng không tốt bằng.
Thông thường, khoảng chuyển đoạn trong chích ngừa mũi 2 là 4 tuần. Đây là mốc thời gian bắt đầu một chu kỳ sinh lý miễn dịch mới, để tế bào bắt đầu tiếp nhận kháng nguyên cùng loại lần thứ hai. Dù vậy theo một số nghiên cứu, khi cần thiết việc tiêm nhắc có thể rút ngắn xuống 3 tuần.
Bác sĩ Khanh chia sẻ, mục tiêu lớn nhất hiện tại là phải đạt được 2 mũi vaccine Covid-19 cho toàn dân. Nếu không có đủ nguồn cung vaccine, Bộ Y tế nên cân nhắc cho phép tiêm trộn mũi một AstraZeneca và mũi 2 Vero Cell. Sau đó, tùy tình hình có thể tiêm tiếp mũi 3 khi đủ vaccine.
Trước đó, sáng 3/10 anh T.C. đến điểm trường THPT Nguyễn Huệ (phường Long Thạnh Mỹ) để tiêm vaccine Covid-19 mũi 2. Tiêm xong, anh kiểm tra lại giấy xác nhận thì phát hiện mình bị tiêm vaccine Vero Cell, dù mũi một là AstraZeneca.
Người dân sau đó đã phản ánh sự việc đến Trạm Y tế phường Long Thạnh Mỹ thì được trấn an “không sao đâu” và cho về nhà theo dõi. Phía lãnh đạo phường cho rằng họ chỉ có nhiệm vụ tổ chức điểm tiêm và giữ an ninh trật tự, việc tiêm như thế nào do nhân viên y tế quyết định.
Còn đại diện đơn vị hỗ trợ tiêm chủng khẳng định, việc mời người dân đến, kiểm tra giấy xác nhận tiêm mũi 1, phát loa thông báo, cho vào trong là do phường quản lý. Trước điểm tiêm chủng cũng có dán bảng thông báo rõ ràng loại vaccine được tiêm trong ngày.
Hoàng Lê