Chuyên gia Nga: Việt Nam ký hợp đồng vũ khí quân sự hàng trăm triệu USD với Nga
Tổng biên tập Tạp chí Xuất khẩu vũ khí (Nga) Frolov đánh giá đây là tiền đề rất quan trọng, mở đường để Không quân Việt Nam tiếp nhận tiêm kích thế hệ mới như Su-30SM hoặc Su-35.
Tin vui lớn cho Không quân Việt Nam
Cách đây tròn 1 năm, vào tháng 1 năm 2020, các hãng thông tấn Nga và nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Hà Nội đã ký hợp đồng trị giá 350 triệu USD với Moscow để đặt mua máy bay chiến đấu thế hệ mới do Nga chế tạo.
Hãng thông tấn Vedomosti cho biết, theo hợp đồng phía Nga sẽ sản xuất và chuyển giao cho Việt Nam 12 chiếc máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phi công phản lực Yak-130 với tổng giá trị là 350 triệu USD.
TASS – Thông tấn Nhà nước Liên bang Nga cũng vui mừng loan tin và nhấn mạnh Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. Quân đội Việt Nam hiện đang có trong trang bị nhiều chiến đấu cơ, tàu ngầm, tàu tên lửa hiện đại do Nga chế tạo.
Vedomosti dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, theo điều khoản hợp đồng trị giá 350 triệu USD ký năm 2019, Nga sẽ bán cho Việt Nam ít nhất 12 chiếc Yak-130. Tuy nhiên, lộ trình chuyển giao những chiếc máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phi công phản lực thế hệ mới này cho Việt Nam vẫn chưa được xác định.
Đây là dòng máy bay được chế tạo nhằm đào tạo phi công chiến đấu phản lực để bay trên những tiêm kích thế hệ mới. Bên cạnh nhiệm vụ chính là huấn luyện phi công, Yak-130 còn được trang bị vũ khí không đối không, không đối đất bao gồm tên lửa và bom có điều khiển để làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không và tấn công mặt đất.
Theo Vedomosti, với hợp đồng này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 đặt mua Yak-130 từ Nga tiếp sau Algeria, Bangladesh, Myanmar, Lào và Belarus.
Ở Đông Nam Á, hiện cả Myanmar và Lào đều đã sở hữu Yak-130, chúng vừa làm nhiệm vụ huấn luyện phi công chiến đấu phản lực, vừa có thể đảm nhiệm vai trò tiêm kích phòng không và cường kích hạng nhé.
Ông Andrei Frolov – Tổng biên tập Tạp chí Xuấn khẩu vũ khí (Nga) nhận định hợp đồng này là tiền đề đặc biệt quan trọng để Không quân Việt Nam mua thêm chiến đấu cơ hiện đại từ Nga, bao gồm cả Su-30SM và Su-35.
Tờ Times of Moscow đánh giá lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa Moscow và Hà Nội ngày càng phát triển.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, hợp đồng mua bán vũ khí đầu tiên đã được ký năm 1994-1995, theo đó Việt Nam đặt hàng tiêm kích Su-27SK một người lái và tiêm kích Su-27UBK 2 người lái dùng cho huấn luyện. Với những máy bay mới này, Không quân Việt Nam đã thành lập đơn vị không quân đầu tiên được trang bị tiêm kích thế hệ 4 hiện đại.
Trong những năm 2000, kim ngạch xuất nhập khẩu vũ khí giữa 2 nước tiếp tục tăng nhanh khi Việt Nam mua thêm 36 tiêm kích Su-30MK2, 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1, nhiếu loại radar, các hệ thống tên lửa bờ Bastion-P, 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9, đóng mới tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 theo giấy phép.
Đáng chú ý, tháng 12 năm 2009, 2 nước đã ký một hợp đồng lớn trị giá tới hơn 4 tỷ USD để chế tạo 6 chiếc tàu ngầm Kilo thuộc dự án 636 Varshavyanka. Năm 2017, Việt Nam đặt mua 64 xe tăng T-90 hiện đại. Những hợp đồng mua sắm lớn đã giúp Việt Nam vươn lên vị trí là khách hàng lớn thứ 5 mua vũ khí Nga.
Mặc dù gần đây giữa Hà Nội và Moscow chưa có thêm hợp đồng lớn nào, tuy nhiên, chắc chắn trong tương lai sẽ có thêm những thương vụ mua sắm vũ khí mới do nhu cầu hiện đại hóa quân đội nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.
Mở đường cho Su-30SM và Su-35 về Việt Nam
Ông Andrei Frolov – Tổng biên tập Tạp chí Xuấn khẩu vũ khí (Nga) nhận định Yak-130 mà Việt Nam đặt mua sẽ thay thế và đồng thời là sự bổ sung hoàn hảo cho những máy bay huấn luyện phản lực L-39.
Ông nhấn mạnh: “Về lý tuyết, Việt Nam có thể lựa chọn một số loại máy bay huấn luyện phản lực khác, tuy nhiên việc Yak-130 lọt vào mắt xanh của Hà Nội là do tính năng kỹ chiến thuật hoàn hảo trong khi giá cả lại rất cạnh tranh… Thêm vào đó, việc mua Yak-130 mở đường cho các máy bay tiêm kích Su-30SM và Su-35 của Nga có cơ hội đến với Không quân Việt Nam”.
Việc Việt Nam lựa chọn máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực từ Nga là điều không có gì bất ngờ bởi lẽ dòng máy bay này đáp ứng hoàn hảo mọi tiêu chí:
Thứ nhất, Yak-130 phù hợp với nhu cầu sử dụng. Hiện nay Không quân Việt Nam đang sở hữu tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 do Nga chế tạo, nếu sử dụng dòng máy bay huấn luyện có cùng xuất xứ mang nhiều điểm tương đồng sẽ hết sức thuận lợi, giúp rút ngắn được thời gian đào tạo phi công, tiết kiệm được nhiều kinh phí.
Hiện Yak-130 được Không quân Nga coi là loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35,… và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân nữa.
Thứ hai, một mũi tên trúng nhiều đích. Yak-130 có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5 của của Nga.
Do vậy, nếu trong tương lai, Việt Nam mua thêm các dòng tiêm kích hiện đại hơn từ Nga thì Yak-130 đương nhiên là lựa chọn tốt nhất để đào tạo những phi công sử dụng chúng.
Ngoài ra, khi cần, Yak-130 có thể đảm nhiệm vai trò là máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ do nó được trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không để sử dụng tên lửa có điều khiển Vikhr, tên lửa không đối không R-73 và tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser cũng như bom có điều khiển KAB-500Kr.
Thứ ba, giá hợp lý. Căn cứ vào các hợp đồng mà Nga đã ký với khách hàng nước ngoài thì hiện nay đơn giá của Yak-130 rơi vào khoảng 15 triệu USD/chiếc, cũng có thể cao hơn tùy theo option của đối tác về các vũ khí/khi tài đi kèm cũng như công tác bảo dưỡng, sửa chữa cung cấp phụ tùng,…
Trong khi đó, “người anh em” trực hệ của Yak-130 là Alenia Aermacchi M-346 Master do Italia sản xuất có giá trên 20 triệu USD/chiếc. Một đối thủ khác là KAI T-50 Golden Eagle tới từ Hàn Quốc có giá không dưới 25 triệu USD/chiếc. Còn dòng Hongdu L-15 của Trung Quốc vốn đã kém hơn về tiếng tăm và độ tin cậy thì giá lại ngang ngửa với Yak-130.
Đó là chưa kể nếu mua máy bay phương Tây, Việt Nam còn phải chi thêm rất nhiều để mua những vũ khí, trang bị đi kèm nhằm đảm bảo hoạt động của máy bay mới. Còn với Yak-130, ta có thể tận dụng được nhiều thứ sẵn có mà không phải mua bổ sung gì đáng kể.
Theo thông tin mà truyền thông Nga mới công bố gần đây thì những chiếc Yak-130 đầu tiên chế tạo theo hợp đồng với Việt Nam đã thành hình trên dây chuyền sản xuất tại Nhà máy chế tạo hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ).
Chỉ vài tháng nữa thôi là chúng có thể được hoàn thành và bay thử, trước khi bàn giao cho Không quân Việt Nam.
Hy vọng, những chiếc Yak-130 sẽ là tiền đề để Không quân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đào tạo những phi công xuất sắc bay trên tiêm kích Su-30SM và Su-35 hoặc thậm chí là cả tiêm kích tàng hình Su-57 trong tương lai.
PV