+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia Nga: Thành công của Việt Nam có thể coi là ‘hiện tượng’ của năm 2020

31/12/2020 22:08

Giáo sư Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định thành công của Việt Nam trong năm 2020 có thể coi là “hiện tượng”.

Chuyên gia Nga: Thành công của Việt Nam có thể coi là 'hiện tượng' của năm 2020
Ngày 16/9/2020, tại Gia Lai, lô cà phê đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Mazyrin cho biết: “Chúng tôi thấy kết quả tích cực trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng chung. Ví dụ, trong khối ASEAN, có 3 quốc gia – Việt Nam, Myanmar và Lào – có mức tăng trưởng GDP dương. Tất cả các nước khác đều có màu đỏ. Singapore âm 6%, Malaysia cũng âm 6%, Philippines âm 8,3%, Thái Lan âm 7,1% và Indonesia âm 1,5%. Đến cuối năm, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,91%”.

Giáo sư Mazyrin cho rằng đây là một thành công lớn, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới thời gian tới. Theo đó, ông nhấn mạnh có thể gọi thành công của Việt Nam là “hiện tượng”.

Tính trung trung bình toàn cầu, tăng trưởng chung năm 2020 ước tính là âm 4,4%, các nước phát triển tăng trưởng âm 5,8%, các nước đang phát triển âm 3,3%. Các cơ quan phân tích lớn đã chỉ ra Việt Nam có một số chỉ số tốt nhất thế giới.

Theo giáo sư Mazyrin, những thành tựu kinh tế có được phần lớn là do Việt Nam đã đạt được thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trong nước, hoạt động xã hội diễn ra bình thường, công việc sản xuất vận hành – tất cả những điều này ảnh hưởng đến kinh tế. Ở Việt Nam, sự suy giảm hoạt động kinh tế diễn ra trong thời gian rất ngắn, chủ yếu vào quý II/2020 – cao điểm của các biện pháp chống dịch COVID-19. Quý III, kinh tế tăng trưởng 2,69%, quý IV tăng 4,48%. Theo đà này, trong quý I/2021, các chỉ số sẽ còn cao hơn.

Giáo sư Mazyrin lưu ý “một điểm thú vị” là đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam giảm 25%, song gần 20 tỷ USD đã được đầu tư vào nền kinh tế và nếu so với số lượng đăng ký đầu tư nước ngoài thì tương đương 98% các chỉ tiêu của năm 2019. Theo đó, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm, nhưng tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế của cả nước, cả từ nước ngoài và trong nước, vẫn tăng 5,7%. Đầu tư của Việt Nam, trái với quy trình thông thường, đã tăng trưởng nhiều hơn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tức là Việt Nam đầu tư vào sự phát triển kinh tế của các nước khác tăng 16% trong năm 2020.

Thành công của ngoại thương Việt Nam cũng rất ấn tượng. Kim ngạch, trừ khu vực dịch vụ, không giảm như nhiều nước mà tăng so với năm ngoái, trong đó nhập khẩu tăng hơn 5%, xuất khẩu tăng hơn 6%. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt gần 544 tỷ USD, thực tế bằng 2 lần GDP.

Chuyên gia Nga kết luận: “Trong năm 2020, ở Việt Nam, mọi suy giảm đều không mang tính tiêu cực, không phải con số âm. Do vậy, chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 được cả chính phủ và các tổ chức xếp hạng lớn nhất thế giới đánh giá ở mức 6 – 7%”.

PV

Bài mới
Đọc nhiều