+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Nên cách ly F0 tại nhà từ đầu để giảm quá tải

24/11/2021 09:35

Theo các chuyên gia việc chăm sóc, điều trị đúng người có nguy cơ cao quan trọng hơn cả việc cách ly tập trung F0.

cach ly F0 tai nha anh 1

Trước tình hình số ca F0 mới có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao, TP.HCM đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Y tế cho phép thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung F0 xuống còn 7 ngày.

Trường hợp được áp dụng thí điểm là F0 không triệu chứng đã tiêm đủ 2 liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới tăng mỗi ngày có thể dẫn đến quá tải khu cách ly tập trung và các bệnh viện.

Trả lời PV về đề xuất trên, các chuyên gia cho rằng điều này có thể góp phần đạt mục tiêu giảm quá tải. Tuy nhiên, thành phố cần nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng F0, tăng số ca tử vong để có biện pháp điều chỉnh từ gốc.

Căn cứ từ thực tiễn của TP.HCM

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 22/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung F0 dựa trên căn cứ khoa học thực tế.

“Qua khảo sát, trong tất cả F0 ở thành phố là trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine, có đến 81% không có triệu chứng bệnh, đã âm tính vào ngày thứ 7 cách ly và nhiều ngày sau đó, Thực chất, họ là người khỏe mạnh bình thường”, bà Mai nói.

cach ly F0 tai nha anh 2
Các bệnh nhân ở TP.HCM trên chuyến xe trở về nhà sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Duy Hiệu.

Trên cơ sở đó, bà Mai cho biết Sở Y tế mới đề xuất Bộ Y tế xem xét phê duyệt việc thí điểm giảm thời gian cách ly tập trung F0 tại TP.HCM.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, ông cho rằng mốc thời gian 7 ngày chưa thật sự “hoàn hảo”.

Theo các nghiên cứu quốc tế, khi đo tải lượng virus đối với bệnh nhân Covid-19 trong suốt thời gian dương tính, thì sau 10 ngày, tải lượng virus bắt đầu giảm đáng kể.

Các nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy thời gian khỏi bệnh trung bình đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là 10 ngày.

Và đến nay vẫn chưa có báo cáo hay nghiên cứu rõ ràng nào về việc thời gian khỏi bệnh khác nhau ở người đã tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine Covid-19.

Ví dụ, cùng một không gian có nguồn lây nCoV, người không tiêm vaccine sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người đã tiêm vaccine. Còn sau khi cùng bị lây nhiễm, thời gian cách ly đối với họ là như nhau.

“Trên thế giới cũng chưa có quy định về phân biệt thời gian cách ly giữa người tiêm chủng rồi và người chưa tiêm chủng”, PGS Dũng nói.

Nếu TP.HCM áp dụng thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với trường hợp F0 không triệu chứng đã tiêm đủ 2 liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng vẫn cần đánh giá kỹ lưỡng về khả năng lây nhiễm của F0.

Nghĩa là sau khi họ trở về nhà, nên tiếp tục cách ly với người trong gia đình, ít nhất 7 ngày nữa để đảm bảo an toàn.

Dành nguồn lực cho F0 có nguy cơ cao

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc lựa chọn mốc 7 ngày chỉ mang tính chất tương đối.

Để làm rõ hơn về điều kiện quyết định một F0 được xem là khỏi bệnh, cần phân loại dựa trên nhiều nhóm:

Thứ nhất là F0 âm tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Lúc này, chỉ số CT có thể vẫn còn ở mức dưới 30 và có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, nếu không xét nghiệm lại bằng rRT-PCR, trường hợp này cần được cách ly lâu hơn, ít nhất 7-14 ngày sau khi test nhanh âm tính.

Thứ 2 là nhóm F0 được kết luận âm tính bằng rRT-PCR. Nhóm này có thể được xuất viện và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, không cần phải cách ly tập trung nữa sau khi đã âm tính.

Thứ 3 là nhóm F0 có chỉ số CT trên 30. Nguy cơ lây nhiễm từ họ ở giai đoạn này rất thấp nhưng không loại trừ khả năng này, do đó, trường hợp này được rời khu cách ly tập trung nhưng theo dõi tại nhà thêm 3-7 ngày.

Thứ 4 là nhóm F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đã cách ly từ 10 ngày trở lên. Trường hợp này nên để họ về nhà tự theo dõi sức khỏe, không cần thiết ở lại bệnh viện, khu cách ly.

Việc giảm thời gian cách ly tập trung đối với những F0 khỏe mạnh, có khả năng lây nhiễm thấp là rất cần thiết, để dành nguồn lực để chăm sóc, điều trị cho F0 có nguy cơ cao.

“F0 không triệu chứng, đã âm tính nhưng giữ họ lại bệnh viện đủ ngày là vô lý, thậm chí chiếm giường bệnh của người có nguy cơ cao cần nhập viện hơn”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

cach ly F0 tai nha anh 3
Một F0 không triệu chứng ở bệnh viện dã chiến đang chờ xét nghiệm âm tính để trở về nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng đồng tình rằng việc giảm thời gian cách ly tập trung là hợp lý đối với người tiêm đủ liều vaccine và có chỉ số CT trên 30, nếu âm tính thì càng tốt.

“Nếu F0 khỏe mạnh, không triệu chứng thì nên để họ cách ly tại nhà. Cách ly, điều trị tại nhà cũng đã là tách F0 ra khỏi cộng đồng, không nhất thiết để đến bệnh viện hay khu cách ly tập trung”, PGS Hùng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nêu ý kiến rằng: “Muốn giảm tải cho bệnh viện và nhân lực y tế địa phương, nên cho F0 cách ly tại nhà ngay từ ban đầu”.

Đồng tình với quan điểm này, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), F0 không triệu chứng nếu không đủ điều kiện (như gia đình có người cao tuổi, nguy cơ cao) thì mới đưa vào bệnh viện.

Trường hợp F0 có đủ điều kiện điều trị tại nhà hoặc gia đình bị nhiễm hết thì nên linh hoạt để họ cách ly tại nhà. Điều này vừa giúp giảm gánh nặng cho y tế, F0 cũng không ảnh hưởng tâm nhiều.

“Vấn đề là các địa phương nên phân loại đúng hướng dẫn, không cứng nhắc như cứ dương tính thì đưa F0 đi cách ly tập trung”, TS Hùng nói.

Trong tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19” được ban hành ngày 6/10, Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn xuất viện của F0 gồm:

Trường hợp F0 không triệu chứng trong suốt thời gian điều trị được ra viện: Đã cách ly điều trị tại cơ sở điều trị Covid-19 tối thiểu 10 ngày và có xét nghiệm phương phương RT-PCR âm tính với với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (CT>=30) vào ngày thứ 9.

Đối với trường hợp F0 có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đạt điều kiện:

– Được cách ly tại cơ sở điều trị tối thiểu 14 ngày.

– Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.

– Có kết quả xét nghiệm rRT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (CT>=30) vào trước ngày ra viện.

Đối với F0 điều trị trên 10 ngày và có xét nghiệm rRT-PCR nhiều lần đạt nồng độ virus thấp (CT<30) được ra viện khi:

– Đã cách ly tại cơ sở điều trị đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. – Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều