Chuyên gia Mỹ: Muốn “dọa” ông Tập, phải dùng một cú sốc kinh tế cực lớn – 14 tháng thương chiến vẫn chưa đủ!
Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc cho rằng cuộc thương chiến kéo dài 14 tháng qua chỉ có “rất ít ảnh hưởng trực tiếp” tới nền kinh tế của Trung Quốc, SCMP đưa tin.
Cụ thể, trong một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ gần đây, các chuyên gia đã tranh luận rằng trong thực tế, so với cuộc thương chiến với Mỹ, thì các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như “núi nợ” chất chồng là mối đe dọa lớn hơn đối với nền kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn của nước này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia này cũng thừa nhận rằng nếu cuộc thương chiến tiếp diễn và tiếp tục leo thang, thì nó cũng sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế của Trung Quốc.
Những nhận định trên được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung chỉ vài giờ trước khi các nhà đàm phán thương mại của hai nước xác nhận về cuộc đối thoại trực tiếp về vấn đề xung đột thương mại, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới.
Trong số các chuyên gia tham dự buổi điều trần này có ông Victor Shih, Phó Giáo sư về chiến lược và chính sách toàn cầu tại trường Đại học California, San Diego. Vị học giả này cho rằng cuộc thương chiến với Mỹ có thể gây ra bất đồng trong nội bộ bắc Kinh khi họ tìm phương hướng giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Giới chức Bắc Kinh hiện nay chia thành hai phe, một bên ủng hộ theo đuổi các chính sách kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này, một bên cho rằng nên tiếp tục cải cách dựa trên thị trường, trong đó bao gồm loại bỏ các khoản nợ rủi ro. Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp kích thích, tuy nhiên đó vẫn chưa phải là các biện pháp toàn diện từng được nước này áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi những thiệt hại từ cuộc thương chiến dần tích tụ lại, học giả Shih dự đoán rằng sắp tới ông Tập sẽ phải đẩy mạnh kích thích kinh tế. Bắc Kinh đã áp dụng một số chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng cường chi tiêu tài khóa nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
“Một cú sốc cực lớn về kinh tế mới đủ để đe dọa quyền lực của ông Tập”, ông Shih phát biểu trước đông đảo quan chức và các chuyên gia Mỹ tại phiên điều trần. Theo học giả này, các khoản nợ khổng lồ và cuộc thương chiến với Mỹ sẽ càng khiến chính quyền trung ương Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế của nước này.
Ông Andrew Polk, nhà đồng sáng lập viện nghiên cứu Tam khoa trung Quốc, thì tin rằng khi cuộc thương chiến kéo dài, những tác động tiêu cực đối với thương mại, kinh tế, đầu tư và phát triển kĩ thuật sẽ là gánh nặng đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc.
Cuộc chiến thuế quan đã tạo ra khoảng cách giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu tháng 7 của Bộ Thương mại Mỹ vừa được công bố hôm thứ 4 vừa qua, trong 7 tháng đầu năm nay, số hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 18,2%; trong khi đó số hàng hóa nước này nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 12,3%.
Theo ông Polk, quyền định giá của các doanh nghiệp Trung Quốc không còn lớn như trước do thuế quan, tuy nhiên, bù lại, họ không phải chịu quá nhiều thiệt hại nhờ quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh.
Đề cập tới những vấn đề nội bộ của Trung Quốc, chuyên gia Polk cũng có chung quan điểm rằng kinh tế Trung Quốc suy giảm theo chu kỳ “gần như hoàn toàn” là do các yếu tố trong nước, – dù cuộc thương chiến với Mỹ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các công ty của nước này.
Mỹ nên hành động như thế nào?
Những nhận định trên của giới chuyên gia đều trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của báo giới gần đây, ông Trump đã khẳng định Mỹ đang “dẫn trước” Trung Quốc: “Tôi là người được chọn. Ai đó phải tiên phong, vì vậy tôi đang đối đầu với Trung Quốc. Và mọi người biết gì không? Chúng ta đang chiến thắng.”
Ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang chậm lại, và các nhà phân tích đã đổ một phần trách nhiệm cho cuộc chiến thương mại với Mỹ và tình trạng kinh tế giảm tốc trước khi cuộc thương chiến bùng nổ.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc vào tháng 8 năm nay là 49,5, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này đã co lại.
Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 8 của Mỹ cũng co lại lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua ở mức 49,1, theo dữ liệu của Viện Quản lý cung ứng. Việc tăng giảm liên tục cho thấy ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc thất vọng trước tình hình căng thẳng thương mại.
Các đòn thuế quan đã buộc các nhà lập pháp Trung Quốc phải tập trung vào việc “dập lửa, thay vì cải cách cơ cấu kinh tế”, đại diện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phát biểu tại phiên điều trần trên.
Trong khi đó, các chuyên gia đề xuất rằng các nhà lập pháp Mỹ nên tập trung vào việc tăng cường sức mạnh kinh tế trong nước bằng các chính sách đầu tư hợp lý trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục hay khoa học; đồng thời gây sức ép khiến Trung Quốc mở cửa nền kinh tế của họ, thay vì cố gắng tác động đến hành vi của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại.
Hồng Anh/Soha News