+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia Mỹ gợi ý cơ chế trọng tài hóa giải tranh chấp Biển Đông

29/07/2019 16:19

Cơ chế trọng tài sẽ mang đến giải pháp tổng thể và lâu dài cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, theo tiến sĩ Mỹ Parag Khanna.

Xuyên suốt lịch sử châu Á, các nền văn minh lớn đã không ngừng mở rộng và giao thoa trên các không gian mặt đất và mặt biển chỉ với biên giới tự nhiên, thay vì những đường biên giới có tính pháp lý ngăn cách họ.

Tuy nhiên, thế kỷ XX đã chứng kiến sự nối tiếp của chủ nghĩa đế quốc, phi thực dân hóa, chủ nghĩa đa phương và cạnh tranh ủy nhiệm kiểu Chiến tranh Lạnh, tất cả đều để lại những dấu ấn không thể phai mờ trên các mô hình tương tác ở Đông Á. Sự hội tụ của những di sản này tạo nên bối cảnh phức tạp cho các tranh chấp, như tranh chấp ở Biển Đông, nơi các biến động thời thuộc địa giờ đây chuyên thành những chiến lược quân sự và pháp lý nhằm tuyên bố chủ quyền, theo tiến sĩ người Mỹ gốc Ấn Parag Khanna, giám đốc công ty tư vấn chiến lược FutureMap, trụ sở ở Singapore.

Tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.
Tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.

Khanna nhận định những năm gần đây, cảm giác cấp bách đang ngày càng gia tăng xung quanh Biển Đông, do sự leo thang của các hoạt động thương mại và quân sự lẫn tiến trình ngoại giao. Các chính phủ trong khu vực liên tục đưa ra những tuyên bố kêu gọi hợp tác hướng tới hòa bình và thịnh vượng, đồng thời tránh đối đầu trong tranh chấp chủ quyền. Nhưng tranh chấp chủ quyền không thể được giải quyết dựa trên những tuyên bố hay lời kêu gọi. Nó cần được giải quyết thông qua “một cơ chế trọng tài sáng tạo giúp tìm ra giải pháp lâu dài, thống nhất, thậm chí có lợi cho tất cả các bên”.

Bối cảnh hiện tại ở Biển Đông không cho thấy sự đồng lòng của các nước, Khanna lưu ý. Cách tiếp cận của Trung Quốc là không ngừng thực hiện các hành động đơn phương để tạo ra những “sự đã rồi”, cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhằm đóng vai trò như những tiền đồn tạo điều kiện cho các hoạt động tuần tra quân sự và đánh bắt thương mại. Điều này tạo nên tâm lý bất an và hoài nghi  trước các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.

Để đối phó với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Philippines có cách tiếp cận theo xu hướng phòng vệ khi nộp đơn kiện bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra lên Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan. Tòa Trọng tài năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”, song phán quyết không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nên không giúp ích trong việc giải quyết xung đột.

Cách tiếp cận của khu vực ASEAN là theo đuổi một bộ quy tắc ứng xử chung để ngăn ngừa sự cố và xây dựng lòng tin. Dù được hoan nghênh, nó giống như một khuôn khổ quy phạm hơn là một cơ sở pháp lý để giải quyết xung đột, Khanna đánh giá.

Cuối cùng, cách tiếp cận của phương Tây là đề cao tính đa cực thông qua các hoạt động tự do hàng hải với sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản cùng nhiều nước khác. Những hoạt động kiểu này phát đi thông điệp về tầm quan trọng của các vùng biển cởi mở và không độc quyền, nhưng nó lại làm tăng nguy cơ xảy ra những xung đột ngoài ý muốn.

“Nhìn chung, trong khi tất cả các bên đều cam kết không khoan nhượng trước chủ nghĩa thực dụng, kết quả cuối cùng lại không như mong muốn bởi mỗi bên chỉ tập trung vào cách tiếp cận của riêng mình, dẫn đến khó đạt được đồng thuận cao”, Khanna nói.

Kêu gọi về việc cùng chia sẻ các nguồn hydrocarbon, thủy sản cũng như những nguồn tài nguyên đáy biển phong phú khác ở Biển Đông có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên về mặt logic, việc đưa ra những lời kêu gọi cùng phát triển vào lúc này vẫn còn quá sớm. Nhiều nước đã đề nghị tạo dựng một khu vực phát triển chung như biện pháp thay thế nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền nhưng các thỏa thuận về biên giới hiếm khi được cả đôi bên xem là công bằng, Khanna nhận xét. Các trường hợp thống nhất được khu vực cùng phát triển, như giữa Malaysia và Thái Lan, là bởi tranh chấp lãnh thổ giữa họ đã được giải quyết hiệu quả.

Theo ông, một tiến trình trọng tài mới, với các thành phần chính trị và pháp lý cân bằng, có thể mang đến cơ chế hòa giải và giải quyết xung đột cần thiết. Một hội đồng gồm các ủy viên đến từ các quốc gia tuyên bố chủ quyền cộng với một số thành viên độc lập sẽ được giao nhiệm vụ đưa ra giải pháp toàn diện trong khuôn khổ thời gian nhất định. Chẳng hạn, đầu năm 2018, Australia và Đông Timor đã chấp nhận một gói đề xuất được một hội đồng 5 thành viên đưa ra nhằm giải quyết vấn đề phân định ranh giới trên biển.

“Nếu nền kinh tế và xã hội đang phát triển mạnh mẽ của Đông Á có thể thể hiện sự trưởng thành ngoại giao để chấp nhận các thực tại hiện nay, họ có tiềm năng hồi sinh thời kỳ hoàng kim của sự hòa hợp giữa các nền văn minh”, Khanna nhấn mạnh.

(Theo VnExpress)

Bài mới
Đọc nhiều