Chuyên gia lý giải nguyên nhân nữ công nhân 23 tuổi có thể lây Covid-19 sang 5 người
Nữ công nhân N.T.D. đã lây nCoV trực tiếp cho 5 người tiếp xúc gần và gián tiếp cho 1 cháu bé 3 tháng tuổi. Đáng nói, đến nay, chỉ ca bệnh này ghi nhận sự lây lan rộng cho những người tiếp xúc gần.
Ngày 30/1/2020, N.T.D. (nữ, 23 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là 1 trong 2 trường hợp đầu tiên được xác định mắc Covid – 19 tại Vĩnh Phúc.
Lần lượt trong các ngày 4/2, 6/2, 9/2 và 13/2, 5 trường hợp có tiếp xúc gần với N.T.D. được xác nhận dương tính nCoV, bao gồm: dì, mẹ đẻ, em gái, bố đẻ và 1 người hàng xóm.
Ngày 11/2, bệnh nhi 3 tháng tuổi có tiếp xúc gần với bà P.T.B. (là người dì đã tiếp xúc với trường hợp N.T.D. trước đó) tiếp tục được ghi nhận mắc Covid -19.
Như vậy, sau khi trở về từ Vũ Hán, nữ công nhân N.T.D. đã lây nCoV trực tiếp cho 5 người tiếp xúc gần và gián tiếp cho 1 cháu bé 3 tháng tuổi.
Trong nhóm 8 người Việt Nam do Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trở về Việt Nam ngày 17/1, có 6 người được ghi nhận dương tính nCoV, trong đó có N.T.D.
Tuy nhiên đến nay, chỉ có trường hợp bệnh nhân D. đã ghi nhận sự lây lan nCoV cho những người tiếp xúc gần.
Câu hỏi được nhiều người thắc mắc: Tại sao chị D. có thể lây Covid -19 cho 5,6 người trong khi điều này không xảy ra ở các trường hợp dương tính khác cùng trở về từ Vũ Hán?
Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân N.T.D. không biết mình đã mắc Covid -19, vẫn tiếp xúc gần với nhiều người khi đã có những triệu chứng khởi phát bệnh.
Về cơ chế lây lan, nCoV lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ.
Càng tiếp xúc gần, điều kiện thông khí không tốt, độ đậm đặc của virus càng cao, nguy cơ lây nhiễm càng lớn.
“Các trường hợp khác đã được cách ly ngay khi có triệu chứng, thậm chí cách ly từ lúc bệnh chưa khởi phát nên tránh được nguy cơ lây lan”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhận đinh: Nguyên nhân lây lan rộng đến từ việc phòng bệnh chưa tốt.
“Bệnh nhân D. lây nCoV cho những người xung quanh khi bệnh đã khởi phát với các triệu chứng như ho, hắt hơi. Người bệnh chưa có sự phòng hộ tốt, người tiếp xúc gần cũng không có sự phòng hộ nên việc lây bệnh là điều dễ hiểu”, PGS Phu cho biết.
Về một số ý kiến cho rằng có thể trong cơ thể bệnh nhân D. có nồng độ virus nCoV cao hơn những người khác, vì vậy dễ lây bệnh cho nhiều người, PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin: Tất cả những ý kiến này mới chỉ là suy đoán, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định luận điểm này.
Ở góc độ khoa học, việc lây lan nCoV từ khi bệnh nhân chưa có triệu chứng khá thấp. Tuy nhiên, về nguyên tắc, tất cả trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính nCoV hoặc trường hợp nghi nhiễm vẫn đang được giám sát, cách ly ở mức độ cao nhất dù chưa có triệu chứng bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Để phòng bệnh Covid -19, 2 biện pháp quan trọng nhất là cần hạn chế tiếp xúc với các trường hợp có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp (sốt, ho, khó thở).
Nếu bắt buộc tiếp xúc, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2 mét, tránh giọt bắn văng ra từ người bệnh.
Bên cạnh đó, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây (trường hợp không có xà phòng, có thể dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Nguyễn Liên/VNN