Chuyên gia lo vỡ đập Tam Hiệp khi lũ nhấn chìm miền nam Trung Quốc
Trận lũ đang càn quét miền nam Trung Quốc được đánh giá là dữ dội nhất trong 80 năm qua, buộc nhiều tỉnh thành phải kích hoạt báo động đỏ. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang đang chịu sức ép rất lớn.
Lưu vực sông Trường Giang (hay Dương Tử) hiện đang bước vào mùa mưa lũ, tuy nhiên lũ trên thượng nguồn đập Tam Hiệp – công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới – năm nay đạt quy mô chưa từng thấy kể từ năm 1940.
Cảnh báo mưa lũ mức cao nhất đã được phát ra cho các cộng đồng dân cư ở trung và hạ nguồn, bao gồm 10 tỉnh thành gồm Quý Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Quảng Tây.
Đăng lên Twitter video cảnh nước chảy như thác xuống tường ngăn lũ ở Trùng Khánh, tác giả đoạn tweet người Trung Quốc mô tả: “Thành phố núi Trùng Khánh đã trở thành thành phố nước. Đập Tam Hiệp đang gặp nguy”.
Thực tế, lũ ở thượng nguồn sông Trường Giang đang gây không ít lo ngại cho đập thuỷ điện Tam Hiệp, có lẽ là thử thách lớn nhất cho công trình biểu tượng của Trung Quốc kể từ khi khánh thành năm 2003.
Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ. Lưu lượng nước đổ về tăng từ 20.500m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày, làm dấy lên lo lắng cấu trúc đập đang chịu sức ép lớn và người dân gần đó cần được sơ tán ngay lập tức.
Trái với tuyên bố trấn an của truyền thông nhà nước, nhà khoa học Trung Quốc Wang Weiluo, một chuyên gia thuỷ văn, mới đây cảnh báo rằng đập Tam Hiệp không ổn định như người ta tưởng, nó có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Trong cuộc phỏng vấn với Radio France Internationale, ông Wang cho rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bê tông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng.
Trong cuộc họp báo ngày 10-6, thứ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Ye Jianchun cũng thừa nhận mực nước trên ít nhất 148 con sông ở Trung Quốc đã dâng cao trên mức cảnh báo, chứng tỏ rằng khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn.
Theo báo Taiwan News, trên mạng xã hội những ngày qua xuất hiện nhiều video ghi lại cảnh nước dâng nhấn chìm thành phố, làng mạc ở miền nam Trung Quốc.
Ở tỉnh Quý Châu, mưa đã kéo dài suốt 1 tuần, gây ra lũ quét, sạt lở núi… Có 6 khu vực chìm hoàn toàn dưới nước, sâu nhất đến 4m, thương vong chưa thể thống kê hết.
Hôm 22-6, Trạm quan trắc thuỷ văn Trùng Khánh lần đầu tiên trong 80 năm qua đưa ra báo động đỏ trên sông Kỳ Giang – một nhánh thượng nguồn của sông Trường Giang.
Chỉ trong vòng 8 giờ sau, dòng nước đục ngầu đã cuồn cuộn trên đường phố Trùng Khánh, nhấn chìm toàn bộ trạm xăng, cột đèn, buồng điện thoại công cộng…
Tin tức địa phương cũng hỗn loạn như chính thời tiết, một số cơ quan báo đài thậm chí bị mất liên lạc do thời tiết, phương tiện thì bị nước cuốn trôi.
Sông Kỳ Giang ở Trùng Khánh hôm 22/6 đã trải qua trận lụt lớn nhất kể từ năm 1940. Mực nước cao nhất đạt 227,6 mét, vượt quá mực nước an toàn 5,1 mét. 100 ngàn người đã phải sơ tán đến nơi an toàn. Trạm giám sát thủy văn Trùng Khánh đã đưa ra cảnh báo đỏ về lũ lụt trong lưu vực sông Kỳ Giang.
Đông Phương ngày 23/6 dẫn tin Bộ tổng chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia của Quốc Vụ viện Trung Quốc, tính đến ngày 15/6, đợt mưa lũ này đã khiến tổng cộng 8 triệu 521 ngàn người ở 24 tỉnh, thành. khu tự trị bị ảnh hưởng, gần nửa triệu người đã phải sơ tán và sơ tán, hơn 7.300 ngôi nhà bị sập. Thiệt hại kinh tế trực tiếp là 20,67 tỷ nhân dân tệ.
Vùng thượng lưu, trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử đều bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, mực nước trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp tăng lên và đã vượt quá mức cảnh báo lũ lụt gần 2 mét vào Chủ nhật (21/6). Trên mạng Trung Quốc gần đây đã lan truyền một bài báo phân tích về thương vong cụ thể của vụ vỡ đập; trong đó nói rằng nếu đập Tam Hiệp bị vỡ hoàn toàn, hơn 10 tỷ mét khối lũ sẽ trút xuống trong một thời gian ngắn và khu vực ven sông từ đập Tam Hiệp đến thành phố Trường Sa, Hồ Nam sẽ phải chịu đựng tác động trực tiếp của trận lụt với lưu lượng đỉnh lũ là 1 triệu đến 2,37 triệu mét khối mỗi giây và tốc độ xả sẽ cao tới 100 km mỗi giờ, thiệt hại sẽ rất thảm trọng.
Bài báo chỉ ra rằng độ cao trung bình của mặt đất ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc cao hơn mực nước biển dưới 50 mét. Nếu lũ lên cao tới 64 đến 71 mét so với mực nước biển đổ tới, sẽ làm vỡ đập Cát Châu Ba rồi nhấn chìm toàn bộ thành phố cùng tên, sau đó đổ tới thành phố Nghi Xương chỉ trong nửa giờ. Người dân cơ bản không có cơ hội trốn thoát và chỉ thành phố có thể chết 500 ngàn người. Ngoài ra, các thành phố Sa Thị Hồ Bắc, Bình Nguyên, Giang Hán, Vũ Hán, Nam Kinh, thậm chí các tuyến đường sắt Bắc Kinh – Quảng Châu và Bắc Kinh – Cửu Long đều bị ảnh hưởng.
Theo Đông Phương, một chuyên gia lo ngại rằng đập Tam Hiệp đang phải đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan với mưa lớn ở cả thượng, trung, hạ lưu sông Dương Tử cùng một lúc, có nguy cơ vỡ đập và hiện tượng biến dạng đập gần đây lại được nói đến. Ông nói rằng khi đập Tam Hiệp được xây dựng, cùng một đội ngũ chịu trách nhiệm cả luận chứng, thiết kế, thi công, kiểm tra chất lượng xây dựng cuối cùng. Rõ ràng là “cầu thủ kiêm trọng tài”.
Đài quan sát khí tượng trung ương tiếp tục đưa ra cảnh báo màu vàng cho những cơn mưa lớn. Dự kiến sẽ có những trận mưa lớn đến rất lớn vào thứ Tư (24/6) ở miền trung và bắc Hồ Nam, đông nam Hồ Bắc và nam An Huy. Đồng thời, mực nước của đập Tam Hiệp vượt quá mức báo động phòng chống lũ lụt, gây ra lo ngại 600 triệu người dọc theo sông Dương Tử có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ đập. Trên thực tế, chất lượng công trình và khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp đã bị nghi ngờ trong những năm gần đây. Đã có chuyên gia thủy lợi từ lâu đã cho rằng đập Tam Hiệp sẽ gây hậu quả tai hại.
Đối với đập Tam Hiệp, đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết cực đoan với mưa lớn ở cả thượng nguồn và hạ lưu sông Dương Tử, gần đây đã có tin đập bị biến dạng. Trên thực tế, ngay từ tháng 7 năm ngoái, một bức ảnh vệ tinh đã được lưu hành trên mạng Internet Trung Quốc, cho thấy thân đập của đập Tam Hiệp bị biến dạng rõ rệt với mức đáng kể, khi so sánh với bức ảnh chụp trước đó.
Tuy nhiên, Tập đoàn Tam Hiệp sau đó đã lên tiếng, nói bản đồ vệ tinh Google có liên quan không phải do vệ tinh trực tiếp chụp, mà được hình thành bởi một loạt thuật toán. Do sự khác biệt trong một số thuật toán giữa Google Maps và China Maps, một số cảnh đã bị lệch; dữ liệu giám sát kể từ khi đập hoạt động cho thấy tất cả các kiến trúc vẫn bình thường. Nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc sau đó dẫn lời các chuyên gia nói rằng đập Tam Hiệp có độ dịch chuyển ngang khoảng 3 cm, nhưng đó chỉ là “biến dạng đàn hồi” và là một hiện tượng bình thường trong xây dựng.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), hiện sống ở Đức, đã nghi ngờ dự án đập Tam Hiệp không hề có khả năng chống lũ như chính phủ nói và nói mục đích thực sự của việc xây dựng đập của chính quyền là để phát điện. Khi trước, nhiều nhà khoa học do lo ngại về tính khả thi của cơ chế kiểm soát lũ, đã từ chối ký tên vào báo cáo khả thi.
Ông phát biểu trên trang China Press, khi mới xây dựng các học giả nổi tiếng như Tiền Chính Anh, Trương Quang Đấu phụ trách thiết kế và giám sát chất lượng công trình đã viết thư cho ông Quách Thụ Ngôn, Phó chỉ huy công trình Tam Hiệp phàn nàn về chất lượng xây dựng không tốt do xây dựng quá nhanh, thời gian quá ngắn. Chuyên gia này, so với việc đập biến dạng, vấn đề nghiêm trọng hơn của đập Tam Hiệp là rò nước. Ông cho rằng, nếu đập vở thì tính từ thân đập cho đến Thượng Hải ra đến cửa biển “tất cả đều sạch trơn”. Ông kêu gọi các cư dân ở hạ lưu “hãy chuẩn bị tâm lý, sớm có kế hoạch cứu sinh”.
Cố Giáo sư Đại học Thanh Hoa Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli), một chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc, khi còn sống đã đề xuất rằng đập Tam Hiệp sẽ gây ra 12 hậu quả thảm khốc, bao gồm làm sạt lở bờ ở hạ lưu sông Dương Tử, cản trở vận tải đường sông, di dân, tích bùn đáy hồ, chất lượng nước xấu, lượng điện sản xuất không đủ, khí hậu bất thường, động đất thường xuyên; bệnh sán máng lây lan, suy thoái sinh thái, lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn. Tất cả 11 điều cảnh báo này đều đã ứng nghiệm trong những năm gần đây. Và cuối cùng, Giáo sư cho rằng Đập Tam Hiệp cuối cùng sẽ bị buộc phải cho nổ tung.
Theo Đông Phương ngày 24/6, bên cạnh nỗi lo về ngập lụt do đập Tam Hiệp gây ra và vỡ đập do mưa lớn; ngay từ khi đập mới xây dựng, điều đáng quan tâm nhất là nhiều con đập đã trở thành mục tiêu quan trọng trong thời kỳ chiến tranh. Nếu đập Tam Hiệp bị phá hủy hoặc hư hại do chiến tranh hoặc khủng bố, các sinh linh vùng hạ lưu sông Dương Tử sẽ gánh chịu thảm họa, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.
Những người lạc quan cho rằng đánh bom các cơ sở thủy lợi dân sự quy mô lớn như thế ảnh hưởng sinh mạng hàng trăm triệu người sống là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ không xảy ra trong các cuộc chiến tranh hiện đại; trong khi các phương pháp mà các tổ chức khủng bố sử dụng rất khó gây thiệt hại cho con đập, Ngay cả nơi yếu hơn là âu thuyền cũng được xây dựng 5 cấp tại Đàn Tử Lĩnh không liền với đập chính, vì vậy sẽ không gây vỡ đập.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng đập Tam Hiệp nằm ở vùng giữa trên bản đồ Trung Quốc, cách bờ biển và biên giới hơn 1.000 km. Nếu một quốc gia định tấn công bằng máy bay ném bom, nó sẽ bị chặn ở gần bờ biển. Ngay cả đối với máy bay ném bom tàng hình, cũng phải mất hơn một giờ để bay từ biên giới đến Tam Hiệp và PLA có đủ thời gian để ứng phó. Nếu dùng tên lửa hành trình tầm xa tấn công đập Tam Hiệp, do tốc độ tên lửa khá chậm, lực lượng phòng không mặt đất và lực lượng chiến đấu cơ PLA cũng có đủ thời gian đối phó.
Cũng theo Đông Phương, qua tìm hiểu, PLA đã triển khai ba loại tên lửa xung quanh đập là Hongqi-9, Hongqi-16 và Hongqi-7, hình thành các mạng lưới phòng không tầm cao, trung bình và thấp. Đồng thời, các máy bay chiến đấu J-10 và J-11 cũng được triển khai tại các sân bay xung quanh làm lực lượng phòng không cơ động của đập Tam Hiệp. Khi trước khi luận chứng về Tam Hiệp, một số người cũng đã tranh luận về sự an toàn của con đập nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kết luận của cuộc tranh luận là “cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân nên thuộc phạm trù an ninh quốc gia, không thuộc vấn đề phải xem xét khi thiết kế an toàn đập”. Nhưng sau đó, cũng có người chỉ ra rằng thân đập của Tam Hiệp là loại đập trọng lực bê tông mạnh nhất và áp dụng thi công đổ theo giai đoạn. Ngay cả khi thân đập bị nổ, nó sẽ không gây ra sự cố vỡ đập trên toàn bộ dòng, có khả năng kháng đòn tấn công hạt nhân ở mức độ nhất định.