Chuyên gia: Kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề đòn bởi trừng phạt của phương Tây
Giới chuyên gia nhận định, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây vẫn có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga nếu được duy trì một cách lâu dài.
Theo báo Bưu điện Washington, Mỹ, châu Âu và các đồng minh vẫn phải dựa vào Nga để được cung cấp dầu khí và một số vật liệu chuyên dụng. Tuy nhiên, các nước này cũng cung cấp nhiều máy móc, phương tiện, công nghệ và thiết bị để nền kinh tế Nga có thể vận hành.
Đó là lý do tại sao các biện pháp trừng phạt có thể phát huy hiệu quả. Nếu không thể kết nối với thương mại toàn cầu, các nhà máy của Nga sẽ không hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đóng cửa và các mặt hàng sẽ trở nên khan hiếm.
Ngay cả việc cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ các quốc gia đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn khiến nhiều lĩnh vực của nước này bị xáo trộn. Một số công ty Nga có phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện nước ngoài, như hãng ô tô Lada, được cho là đã ngừng hoạt động các dây chuyền sản xuất vào đầu tháng này.
Trong khi đó, các quốc gia thường xuyên mua bán hàng hóa với Nga sẽ chỉ chịu ít thiệt hại hơn một khi sợi dây thương mại này bị cắt đứt. Theo công ty dữ liệu Trade Data Monitor, Nga chi khoảng 11,5 tỷ USD/năm cho mặt hàng nhập khẩu lớn nhất à ô tô. Trong đó, 63% lượng phương tiện cơ giới nhập khẩu vào Nga đến từ các nước Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, tăng trưởng trong kinh doanh quốc tế của 3 nước trên sẽ chỉ giảm khoảng 3% nếu ngừng giao thương với Nga.
Các hãng hàng không Nga cũng thường phụ thuộc vào máy bay phản lực của Boeing và Airbus. Nếu không có các mặt hàng nhập khẩu liên quan đến hàng không vũ trụ, Nga sẽ có nguy cơ cạn kiệt các bộ phận chuyên dụng cần thiết để bảo trì máy bay, do chúng không phải lúc nào cũng có sẵn từ những nhà cung cấp của bên thứ ba.
Theo ước tính từ trang Castellum.ai, hơn một nửa hàng hóa và dịch vụ được Nga nhập khẩu đến từ hơn 46 quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế thương mại với nước này. Trong đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), những nơi áp lệnh trừng phạt ngặt nghèo nhất đối với Nga, cũng là những nơi nước này nhập khẩu nhiều mặt hàng nhất.
Jeff Schott, chuyên gia theo dõi các biện pháp trừng phạt và thương mại của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Tất cả những điều này đã và đang có tác động đến nền kinh tế Nga. Đồng Rúp liên tục mất giá, lãi suất cao và lạm phát đang tăng vọt. Hàng hóa nhập khẩu vào Nga về cơ bản rất khó tìm và không được bổ sung, vì không ai dám bán hàng cho nước này do lo sợ mất tiền, hoặc chỉ được thanh toán bằng đồng Rúp”.
Ngoài các biện pháp trừng phạt mang tính bề nổi, những hạn chế được thiết lập trong cốt lõi của các hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu cũng đang khiến hầu hết các quốc gia gặp khó khăn trong giao dịch với Nga. Các ngân hàng lớn trên toàn cầu như Goldman Sachs, JPMorgan Chase hay Deutsche Bank đều cho biết họ đang giảm hoạt động kinh doanh ở Nga. Thậm chí, những công ty không bị tác động bởi các lệnh trừng phạt hoặc danh tiếng bị ảnh hưởng từ việc giao thương với Nga vẫn lo sợ trước viễn cảnh chỉ được trả tiền bằng những đồng Rúp ngày càng mất giá.
Theo nhà kinh tế Judah Levine từ công ty vận chuyển hàng hóa Freightos, những quốc gia không cấm vận Nga sẽ vẫn gặp khó khăn để đưa hàng hóa của mình vào được nước này, do các công ty phụ trách từ 30 đến 50% năng lực vận chuyển trên toàn cầu đã rút hoạt động khỏi Nga.
Hiện tại, những hy vọng để Nga có thể “sống sót” khỏi các lệnh trừng phạt chủ yếu nằm ở Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, cung cấp tới 1/4 hàng hóa nhập khẩu của Nga và không bị ảnh hưởng bởi trừng phạt.
Mary Lovely, một thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng Trung Quốc có thể thay thế một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu tại Nga. Tuy vậy, mặt hàng của Trung Quốc cũng không thể thay thế hoàn toàn phương Tây, đặc biệt đối với hàng hóa công nghệ cao, và không có gì đảm bảo nước này sẽ sẵn lòng bán chúng cho Nga. Ngay cả khi đã sẵn lòng, thì việc chế tạo, sản xuất và cung cấp các thiết bị thay thế cụ thể sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều thời gian mà Nga có thể không đủ kiên nhẫn.
Trong khi đó, thị trường Nga chỉ chiếm 2% lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu. Phil Levy, trưởng bộ phận kinh tế của công ty hậu cần Flexport, nhận định với giá trị đồng Rúp ngày càng giảm, không rõ các doanh nghiệp Trung Quốc có muốn đầu tư vào Nga ngay cả khi được pháp luật cho phép hay không.
“Nga sẽ là một nơi rất khó khăn để kinh doanh. Ngay cả khi không có bất kỳ mối đe dọa rõ ràng nào từ phương Tây, những điều kiện tại Nga, nơi có nhiều vấn đề về tiền tệ và ngân hàng, có thể khiến các công ty Trung Quốc phải thận trọng”, ông Levy cho biết.
Dù vậy, bức tường bao vây nền kinh tế Nga không hẳn là bất khả xâm phạm. Moscow vẫn giữ được đòn bẩy đáng kể đối với châu Âu do có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Dầu và khí đốt của Nga hiện vẫn chảy vào các thị trường quan trọng ở châu Âu, và tiếp tục giúp cho Moscow thu về hàng tỷ USD mỗi tuần.
Nhưng những lỗ hổng trên cũng đang dần khép lại. “Châu Âu hiện tại vẫn phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga, song các nước này đã công bố nhiều kế hoạch cắt giảm phần lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga trong những năm tới”, chuyên gia Jeff Schott cho hay. “Đòn bẩy năng lượng của Nga sẽ bị xói mòn theo thời gian. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nếu được duy trì, sẽ hạn chế tăng trưởng năng suất trong ngành công nghiệp của Nga, và làm suy yếu năng lực quân sự của nước này”.
Việt Anh