Chuyên gia kinh tế: Hỗ trợ thêm tiền cho dân là góp phần tăng trưởng GDP mùa dịch
Trong lúc dịch bệnh tàn phá nền kinh tế, việc hỗ trợ thêm tiềm cho người dân sẽ đáp ứng 2 mục tiêu. Vừa giúp người dân bớt khó khăn vừa giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tiến sĩ Jonathan Pincus(*), Cố vấn quốc tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) có bài phân tích về vấn đề này.
Tháng 7/2021, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP).
Đây là bước quan trọng đầu tiên để giúp những người dân bị mất thu nhập do yêu cầu đóng cửa và giãn cách xã hội vì làn sóng lây nhiễm virus mới đây.
Nhiều người buộc phải cắt giảm chi tiêu vì mất thu nhập. Theo cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Phân tích và Dự báo, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), tỷ lệ nghèo đói tạm thời đã tăng mạnh.
Các hộ gia đình buộc phải giảm chi tiêu, thậm chí không thể mua những mặt hàng thiết yếu như đồ ăn và sữa cho con cái.
Chính phủ lo ngại rằng một gói hỗ trợ lớn hơn sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho kinh tế, chẳng hạn tăng nợ công và lạm phát.
Nhưng theo quan điểm của UNDP, Chính phủ có thể đưa ra một gói hỗ trợ lớn hơn mà không gây ra những tác động tiêu cực kể trên. Việt Nam cần nhanh chóng hỗ trợ thêm tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng bởi các hạn chế khi ngăn ngừa virus lây lan.
Hỗ trợ nhưng không làm tăng tỷ lệ nợ công, lạm phát
Chính phủ đo lường nợ công dựa trên tỷ lệ nợ trên GDP. Tỷ lệ này ở mức 56% vào cuối năm 2020, thấp hơn mức trần cho phép là 65%. Chính phủ tập trung vào tử số, tức khối lượng nợ công. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý đến mẫu số. Khi tăng trưởng GDP chậm lại, tỷ lệ nợ công sẽ giảm chậm hơn, thậm chí tăng lên.
Tiêu dùng hộ gia đình thường chiếm khoảng 60-70% tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, tăng trưởng GDP giảm tốc còn 2,9%, chủ yếu do tiêu dùng hộ gia đình chậm lại vì các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới và những yếu tố khác liên quan đến đại dịch.
Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng GDP đã tăng lên 5,6% do tiêu dùng hộ gia đình phục hồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng kiến tiêu dùng cá nhân giảm mạnh vào nửa cuối năm nay. Nguyên nhân là sự lây lan rộng của biến chủng Delta của Covid-19.
Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ không giảm, thậm chí còn tăng lên. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là Chính phủ hỗ trợ tiêu dùng cá nhân thông qua một chương trình hỗ trợ tiền mặt bổ sung
Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ không giảm, thậm chí còn tăng lên. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là Chính phủ hỗ trợ tiêu dùng cá nhân thông qua một chương trình hỗ trợ tiền mặt bổ sung.
Nhờ hiệu ứng số nhân (multiplier effect), chương trình hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp tiêu dùng hộ gia đình tăng nhiều hơn mức chi tiêu bổ sung của Chính phủ.
Chẳng hạn, khi chúng ta mua phở ở một nhà hàng, tiền trả cho nhà hàng sẽ được dùng để mua phở, thịt, trả lương cho đầu bếp, nhân viên phục vụ và nhân viên vệ sinh.
Không dừng lại ở đó, những đầu bếp, nhân viên phục vụ và nhân viên vệ sinh này sẽ dùng số tiền họ kiếm được để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Những người bán thịt, làm phở cũng dùng số tiền họ nhận về để trả lương cho nhân viên và các nông dân sản xuất gạo, thịt.
Vòng chi tiêu nối tiếp sẽ làm tăng tổng mức tiêu thụ. Hiệu ứng số nhân đo lường tác động tổng thể đối với tiêu dùng sau khi tăng khoản chi tiêu ban đầu. Khi hiệu ứng số nhân lớn hơn 1 thì 1.000 đồng chi cho hàng hóa và dịch vụ trong nước sẽ làm tiêu dùng nội địa tăng hơn 1.000 đồng.
Chẳng hạn, nếu hiệu ứng số nhân là 1,6, chi tiêu ban đầu 1.000 đồng sẽ làm tiêu dùng tăng thêm 1.600 đồng.
Đáp ứng hai mục tiêu
Một chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn hơn sẽ đáp ứng 2 mục tiêu. Đầu tiên, nó giúp đỡ những người dân đang chật vật vì mất thu nhập. Thứ hai, nó thúc đẩy tăng trưởng GDP nhờ gia tăng tiêu dùng hộ gia đình (mức tăng lớn hơn quy mô gói hỗ trợ).
Nếu GDP tăng nhanh hơn, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, thúc đẩy tăng trưởng sẽ gia tăng nguồn thu thuế của Chính phủ. Khi tiêu dùng giảm, doanh thu của Chính phủ cũng giảm theo. Các nhà hàng và cửa hàng trả ít thuế giá trị gia tăng hơn. Các công ty trả ít thuế doanh nghiệp hơn.
Một chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn hơn sẽ đáp ứng 2 mục tiêu. Đầu tiên, nó giúp đỡ những người dân đang chật vật vì mất thu nhập. Thứ hai, nó thúc đẩy tăng trưởng GDP nhờ gia tăng tiêu dùng hộ gia đình (mức tăng lớn hơn quy mô gói hỗ trợ)
Khi tiêu dùng và tăng trưởng GDP được thúc đẩy, khoản thu thuế lớn hơn góp phần chi trả cho chính chương trình hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ.
Chính phủ cũng không cần lo lắng về lạm phát giá cả. Nền kinh tế đang hoạt động chưa hết công suất vì tiêu dùng cá nhân giảm. Tình trạng khóa cửa và giãn cách xã hội buộc các hộ gia đình phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch tiêu dùng do mất thu nhập và các cửa hàng đóng cửa.
Việc tiêu dùng bị trì hoãn hay hủy bỏ là một hình thức tiết kiệm bắt buộc hoặc không tự nguyện. Điều này tạo ra dư tiền và hàng tồn kho của công ty. Chúng là khoản lỗ ròng so với tổng cầu.
Bằng cách vay số tiền này và chi tiêu cho chương trình hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ sẽ huy động các nguồn lực nhàn rỗi để sử dụng một cách hiệu quả.
Tình trạng thiếu hụt lao động và các mặt hàng thiết yếu sẽ không xảy ra. Do đó, nguy cơ lạm phát là rất nhỏ.
Gói hỗ trợ 5% GDP hàng quý
UNDP đề xuất chương trình hỗ trợ tiền mặt tương đương 5% GDP hàng quý, tức khoảng 77.000 tỷ đồng. Quy mô của gói hỗ trợ này tương đương các nước láng giềng trong đợt phong tỏa đầu tiên vào năm 2020.
Những hộ gia đình nhận được hỗ trợ tạm thời sẽ đóng góp phần lớn vào mức chi tiêu gia tăng, bổ sung vào cầu cuối cùng và tạo thu nhập cho doanh nghiệp địa phương. Do hiệu ứng số nhân, tổng mức tăng tiêu dùng cá nhân sẽ cao hơn nhiều.
Cách nhanh nhất để hỗ trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng là trao tiền mặt cho trẻ em dưới 6 tuổi (yêu cầu xuất trình giấy khai sinh của trẻ), phụ nữ mang thai, người từ 60 tuổi và người khuyết tật.
UNDP đề xuất chương trình hỗ trợ tiền mặt tương đương 5% GDP hàng quý, tức khoảng 77.000 tỷ đồng. Quy mô của gói hỗ trợ này tương đương các nước láng giềng trong đợt phong tỏa đầu tiên vào năm 2020
Các yêu cầu hành chính có thể được giữ ở mức tối thiểu. Một sổ đăng ký điện tử có thể tổng hợp danh sách những hộ gia đình và cá nhân đã nhận hỗ trợ.
Tiền hỗ trợ có thể được chuyển hàng tháng, hoặc thanh toán một lần trong quý IV/2021. Các khoản hỗ trợ này sẽ gắn với những yêu cầu sinh hoạt tối thiểu trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP).
Một số người có thể phản đối rằng chương trình phúc lợi trên sẽ trao các khoản trợ cấp cho những hộ gia đình không cần đến chúng. Đây là điều khó tránh khỏi, nhưng không phải là vấn đề lớn. Bởi gói hỗ trợ chỉ là tạm thời.
Nhiều gia đình giàu có thậm chí sẽ chẳng bận tâm đến những khoản tiền tương đối nhỏ này.
Rốt cục, việc trao nhầm cho những hộ gia đình không gặp khó khăn là cái giá nhỏ phải trả để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Đó là hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và duy trì tăng trưởng kinh tế.
(*)Tiến sĩ Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), là chuyên gia kinh tế phát triển. Các nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đề nghèo đói, thị trường lao động và tài chính phát triển. Ông có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế cũng như giảng dạy tại nhiều đại học bao gồm Đại học London và Đại học Fulbright Việt Nam.
Jonathan Pincus – Biên dịch: Thảo Cao