+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia kinh tế: Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ đạt phát triển ‘thần kỳ’ như Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973?

13/09/2021 10:22

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, Covid-19 sẽ không để lại “vết sẹo dài” đối với Việt Nam như một số thị trường mới nổi khác mà WB dự báo. Ngược lại, Việt Nam có các điều kiện nhất định để phục hồi mạnh mẽ giai đoạn bình thường mới.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng như một số tổ chức quốc tế khác lo ngại rằng Covid-19 sẽ để lại vết sẹo lâu dài, với độ trễ nhất định, dẫn đến việc giảm triển vọng tăng trưởng của một số thị trường mới nổi trên thế giới trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital đưa ra nhận định rằng, Việt Nam sẽ không nằm trong nhóm trên. Chuyên gia Kokalari cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ được cải thiện, cùng với nhiều doanh nghiệp đang dần thích ứng với cuộc khủng hoảng hiện tại với những lý do dưới đây:

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ niềm tin

Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại và làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình. Tại đây, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cũng cho biết hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ông có niềm tin rằng, tình hình thời gian tới sẽ ổn định, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn luôn được bảo về lợi ích và quyền lợi. Kết quả là, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước, mức giảm ít nghiêm trọng hơn nhiều so với mức giảm 15% vào tháng 4/2020, khi Covid-19 lần đầu xuất hiện. Hơn nữa, một số địa phương khu vực phía Bắc (nơi tập trung hầu hết các nhà sản xuất điện tử Nhật Bản và Hàn Quốc) vẫn ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thích nghi để tồn tại… sau đó tăng trưởng mạnh mẽ

Lịch sử đã cho thấy nhiều ví dụ về các quốc gia phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn, sau đó còn trở lại mạnh mẽ hơn trước đó. Năm 1973, Nhật Bản đã bị một đòn trời giáng trước cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất. Nhưng cú sốc này thực sự đã thúc đẩy Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng trong hơn 15 năm sau đó.

Các chuyên gia VinaCapital cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tương tự. Nhiều nhà kinh tế cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đến triển vọng tăng trưởng của nhiều nước mới nổi sẽ là vĩnh viễn. Tuy vậy, trong dài hạn, Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng bền vững nhờ nhiều doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh, và các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cải cách kinh tế.

Thị trường chứng khoán dường như cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về một nền kinh tế Việt Nam “phục hồi mạnh mẽ hơn nữa”, khi VN-Index tăng tới gần 10% kể từ ngày 27/4 – khi biến thể Delta lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Ví dụ về tính thích nghi nhanh chóng

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực trong việc thích nghi với môi trường kinh doanh, cũng như đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương:

– Các ngân hàng đã bắt đầu cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trực tuyến hơn, bao gồm mở tài khoản, phê duyệt các khoản vay nhỏ…

– Hệ thống Bách hóa Xanh ở TP.HCM trung bình mỗi ngày nhận gần 50.000 đơn hàng từ các tổ, phường và qua đặt hàng online. Trong khi đó, ngày thường, hệ thống này có ít nhất 250.000 lượt mua hàng.

– Một số công ty bất động sản hiện đang cung cấp các chuyến tham quan ảo về các dự án mới.

Theo khảo sát của WB, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nền tảng số và mạng xã hội để bán sản phẩm đã tăng từ mức dưới 50% vào giữa năm 2020, lên gần 75% vào đầu năm nay. Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã nhanh chóng thích nghi với các phương thức mua sắm này.

Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Covid-19 đã và đang đặt ra vô số thách thức đối với Việt Nam về nhiều mặt, nhưng Covid-19 cũng đang phần nào thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số của đất nước, tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Bảo Trâm 

Bài mới
Đọc nhiều