+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: “Khóa trái cửa người về quê ăn Tết là vi phạm pháp luật, quyền công dân”

20/01/2022 06:59

Chuyên gia cho rằng, một số địa phương đưa ra quy định người từ nơi khác về phải cách ly tại nhà 7-14 ngày là làm khó người dân, không khác gì cấm dân về quê ăn Tết.

Gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú (Thanh Hóa) bị chính quyền khóa cổng khi có người về quê ăn Tết.

Những ngày này, nhiều người đi làm ăn xa bắt đầu lên kế hoạch về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang đưa ra các quy định khác nhau đối với người về quê ăn Tết khiến người dân lo lắng, thậm chí không dám về.

Một số tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… yêu cầu người dân từ vùng cam, đỏ cách ly tại nhà 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc cách ly y tế tại nhà 14 ngày với người chưa tiêm đủ liều. Những người chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc từ vùng cam, đỏ tại các địa phương trên còn phải thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR.

Tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang… yêu cầu người dân có kết quả âm tính với COVID-19 trước khi về địa phương. Đáng chú ý, một số thôn, xã ở Thanh Hoá và Thái Bình còn khoá trái cổng người về từ vùng cam, đỏ gây bức xúc cho người dân.

Trả lời PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, những quy định trên không phù hợp với tình hình hiện nay vì người dân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ đầu tư rất nhiều tiền của cho chiến dịch tiêm vaccine để giảm các tác hại của bệnh, bệnh nặng và tử vong.

Việc một số tỉnh thành đưa ra quy định người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 rồi cách ly tại nhà sẽ khiến họ tìm cách chống đối.

“Người dân về có mấy ngày mà cách ly cả tuần không khả thi, không thực tế, không khác gì cấm người dân về luôn. Xét nghiệm chưa chắc an toàn, ai cũng có thể mắc COVID-19 chứ không nên phân biệt đối xử với người từ nơi khác đến. Phương pháp này không lâu dài và cũng không đúng bản chất của phòng chống dịch, khó đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, ông Hùng phân tích.

Bày tỏ quan điểm về trường hợp một số địa phương khoá trái cổng người dân từ vùng dịch về, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền công dân và vi phạm về quy định phòng chống dịch.

“Chính phủ không yêu cầu phải làm như vậy nhưng địa phương áp dụng quá mức, cái gì quá mức nghĩa là vi phạm. Địa phương chỉ cần ra quy định cách ly, có người giám sát, người ta không chấp hành thì sẽ có pháp luật xử lý chứ không thể đóng cửa, khóa chốt bỏ mặc người ta ở đó. Như thế là đang vi phạm quyền của người dân, người dân giống như bị đi tù là không được. Làm như vậy người dân không dám về và không tin vào việc phòng chống dịch”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương không nên khoá cửa nhà hay “làm khó” người dân về quê ăn Tết.

“Khi chúng ta đã chấp nhận không “zero COVID-19″, đã tiêm vaccine phòng COVID-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc COVID-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Chúng ta không “ngăn sông cấm chợ” vì tỷ lệ bao phủ vaccine đã cao”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Theo ông Trần Đắc Phu, tinh thần hiện nay là quản lý rủi ro, không cấm đoán như trước nữa, làm sao đánh giá nguy cơ nhỏ nhất cấp xã phường, đảm bảo việc phòng chống dịch. Đánh giá nguy cơ không đúng thì dẫn tới đưa ra cấp độ dịch không đúng, hoặc không đến nơi thì không phòng chống được dịch, thái quá thì lại ảnh hưởng đến xã hội, an sinh của người dân.

Vì thế, ông Phu cho rằng, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội. Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định “làm khó” người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về thì Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

“Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn”, ông Phu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đưa ra cảnh báo, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, trong thời gian về quê ăn Tết, người dân không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh, không vì tiêm vaccine rồi thì chủ quan, buông xuôi, thả lỏng. Mọi người phải thực hiện tốt 5K mọi chỗ, mọi nơi, xem bản thân mình có an toàn để về quê hay không, được đi lại hay không, lựa chọn phương tiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài ra, người dân cần hạn chế tiếp xúc với đám đông, đi nhiều nơi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập… để ăn Tết vui vẻ, an toàn.

“Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, vì nhỡ chúng ta bị nhiễm COVID-19 không có triệu chứng thì có thể lây cho người khác, đặc biệt đối với người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine”, ông Phu khuyến cáo.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều