+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia hiến kế giúp Việt Nam đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19

11/06/2021 08:59

Các chuyên gia y khoa cho rằng nếu tập huấn kỹ quy trình tiêm chủng, số hóa quá trình đăng ký và khai báo nguy cơ tiêm chủng… Việt Nam sẽ nâng công suất tiêm chủng lên 500.000 liều/ngày.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia của Viện nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, trực thuộc Đại học Sydney, đánh giá tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay chậm hơn so với các quốc gia trong cùng khu vực.

Trong 94 ngày kể từ ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng (hôm 8/3), Việt Nam đang tiêm vaccine với tốc độ trung bình khoảng 15.000 liều/ngày. Tiến sĩ Thu Anh ước tính, với tốc độ hiện tại, trong trường hợp khả quan nhất đạt công suất 90.000 liều/ngày, vẫn sẽ mất khoảng 2.000 ngày, hay 6 năm, để đạt được miễn dịch cộng đồng tiêm đủ 2 liều cho 80% dân số.

Ông Ngô Hoàng Anh, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu y khoa Woolcook, Viện Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Waikato, New Zealand, cho biết: Xem xét các số liệu của các quốc gia đã phát triển, cho thấy sau 2-3 tháng thăm dò đầu tiên, các quốc gia này sẽ tiêm chủng với tốc độ trung bình đạt khoảng 0,5-1% dân số/ngày. Như vậy, Việt Nam với 11.000 trạm y tế cơ sở, 8 tiếng làm việc/ngày, công suất tiêm một giờ 5-6 người và một đợt tiêm nhắc lại, nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng, Việt Nam có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày.

Tiêm vaccine Astrazeneca cho tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm y tế TP Đông Hà, Quảng Trị, ngày 13/5/2021. Ảnh: Hoàng Táo/VnExpress
Tiêm vaccine Astrazeneca cho nhân viên tuyến đầu phòng chống Covid-19, tại Trung tâm y tế TP Đông Hà, Quảng Trị, ngày 13/5.

“Với công suất này, để có được miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ phải mất tròn một năm, tức là đến quý 3 hoặc quý 4/2022”, nghiên cứu viên Hoàng Anh ước tính.

Do đó, theo tiến sĩ Thu Anh, để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần tận dụng triệt để lợi thế của mạng lưới y tế cơ sở các cấp. Tổ chức tập huấn nhuần nhuyễn quy trình tiêm chủng vaccine Covid-19, khám sàng lọc, các biện pháp xử lý phản ứng phụ trong lúc chờ vaccine, kết hợp với sự hỗ trợ của xe cấp cứu di động từ tuyến trên. Thực hiện số hóa quá trình đăng ký và khai báo nguy cơ tiêm chủng để phân loại, lập kế hoạch.

Theo đó, người dân có thể truy cập vào website đăng ký tiêm chủng để khai báo các thông tin cá nhân và thực hiện khai báo y tế trước tiêm chủng. Những người khỏe mạnh, ít nguy cơ có thể được phân loại vào nhóm an toàn và được yêu cầu đăng ký tiêm vaccine tại trạm y tế xã phường, nơi họ đang cư trú. Những người có nguy cơ bị tác dụng phụ của vaccine như có tiền sử sốc phản vệ, tiền sử bệnh rối loạn đông máu… sẽ được phân luồng vào nhóm cần theo dõi cẩn thận, và đăng ký tiêm vaccine theo danh sách các bệnh viện tuyến trên có đủ trang thiết bị sẽ đảm nhận những ca này.

Sau khi thực hiện tiêm chủng, người dân sẽ được cung cấp một giấy chứng nhận với đầy đủ thông tin như tên vaccine được tiêm, số mũi, số lô, ngày tiêm chủng cùng với một mã QR Code. Thông tin tiêm chủng cũng có thể được liên kết với các ứng dụng chống Covid-19 do chính phủ ban hành như Bluezone… để tiến hành cấp passport vaccine khi có đầy đủ cơ chế.

Để chiến dịch tiêm chủng mang lại hiệu quả, chỉ sử dụng những loại vaccine hiệu quả cao như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Novavax, Johnson & Johnson. Các chuyên gia lấy dẫn chứng từ kết quả tiêm chủng thực tế ở Israel và Seychelles, là hai quốc gia có tốc độ tiêm và độ bao phủ vaccine tương tự nhau.

Tuy nhiên Israel đặt niềm tin vào Pfizer, còn Seychelles lựa chọn Sinopharm là vaccine sử dụng đầu tiên (chiếm 57% tổng số liều) và Covidshield. Vì vậy, trong khi Israel đã dỡ bỏ hoàn toàn tất cả lệnh cấm thì Seychelles phải tái áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đợt bùng phát lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

“Như vậy, việc lựa chọn loại vaccine phù hợp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng, đến kế hoạch mở cửa và phát triển kinh tế”, tiến sĩ Thu Anh nhấn mạnh.

Theo Viện nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, dữ liệu nghiên cứu và thực tế cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả cao, bảo vệ khỏi lây nhiễm, bị bệnh nặng và tử vong. Số liệu tiêm chủng tại Israel, nơi có gần 95% chủng virus lưu hành là B.1.1.7 (biến chủng Anh) cho thấy tiêm 2 mũi Pfizer (cách nhau ít nhất 7 ngày), hiệu quả hơn 94% khỏi nhiễm bệnh không triệu chứng, hơn 97% khỏi nhập viện do bị bệnh nặng, hơn 96% khỏi tử vong.

Khi độ bao phủ của vaccine tại Israel đạt 50%, số ca mới nhiễm bắt đầu giảm nhưng vẫn có những đợt bùng dịch sau đó. Khi độ bao phủ đạt 72%, các đợt bùng dịch dường như không xuất hiện. Đặc biệt, khi xem xét hiệu quả của vaccine với các biến chủng khác như D614G (châu Âu), B.1.351 (Nam Phi), số liệu của chương trình tiêm chủng tại Anh, Qatar, Nam Phi đến ngày 14/5, hiệu quả của vaccine Pfizer cũng rất cao.

Vaccine công nghệ mRNA khác, Moderna, cũng cho thấy ưu thế khi đạt hiệu quả cao với biến chủng D614G. Riêng đối với biến chủng B.1.617 (Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh mắc triệu chứng đạt 33% sau 3 tuần tiêm mũi 1 và tăng lên 88% sau 2 tuần tiêm mũi 2.

Đối với vaccine AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm đạt 52% đối với biến chủng D614G; hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng đạt 74% với cả biến chủng D614G và B.1.1.7 và 58% với biến chủng P1 (Brazil). Tuy nhiên với biến chủng B.1.351, vaccine có hiệu quả rất thấp (10%). Đối với biến chủng B.1.617 (Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh mắc triệu chứng đạt 33% sau 3 tuần tiêm mũi 1 và tăng lên 60% sau 2 tuần tiêm mũi 2.

Đối với vaccine Johnson & Johnson và Novavax, theo nghiên cứu tại Mỹ, Brazil, hiệu quả bảo vệ của vaccine này tương tự như vaccine AstraZeneca, tuy nhiên hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng đối với biến chủng B.1.351 cao hơn – 64% (J&J) và 51% (Novavax).

Còn với vaccine Sputnik V, hiện mới có thông tin về hiệu quả của vaccine với biến chủng D614G. Khi tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh có triệu chứng khi nhiễm D614G đạt 91,6% và bảo vệ khỏi bệnh nặng đạt 100%. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu công bố đầy đủ tại các quốc gia triển khai vaccine này.

Bảng phân tích kết quả vaccine với những chủng khác nhau.

Bộ Y tế Việt Nam đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax. Trong đó, Covax tài trợ miễn phí 38,9 triệu liều vaccine. Việt Nam đã nhận hai lô, gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều vào ngày 16/5, đều là vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, Việt Nam đã đặt mua trực tiếp 30 triệu liều từ AstraZeneca, đã nhận hai lô tổng cộng hơn 400.000 liều. Với vaccine Sputnik V của Nga, Bộ Y tế đã thỏa thuận mua 20 triệu liều trong năm 2021, tuy nhiên chưa rõ thời gian cung ứng.

Bộ Y tế vừa đàm phán thành công với các hãng dược Moderna và Pfizer. Trong đó, Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam vào tháng 5. TP HCM đề nghị được mua số vaccine này. Tuy nhiên hiện số vaccine này chưa về Việt Nam.

Các vaccine sản xuất trong nước đang tiến đến những giai đoạn khác nhau của quá trình thử nghiệm lâm sàng, bao gồm Nanocovax ở giai đoạn 3 vào đầu tháng 6, và IVAC ở giai đoạn 1/2.

Đợt dịch bùng phát hiện tại đặt một thử thách không nhỏ lên hệ thống y tế, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để thực hiện thử nghiệm lâm sàng vaccine nghiên cứu trong nước với những vùng có nguy cơ cao, dịch bùng phát mạnh. Khuyến cáo này cũng sẽ giải quyết bài toán về tình nguyện viên, khi đến cuối tháng 5/2021, mới có 800 trên tổng số 13000 tình nguyện viên cần thiết tham gia vào thử nghiệm giai đoạn này của Nanocovax.

Lê Cầm 

Bài mới
Đọc nhiều