+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia đóng góp: TP.HCM nên dừng xét nghiệm diện rộng

Sơn Ca - 18/09/2021 06:50

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng TP.HCM nên dừng xét nghiệm COVID-19 diện rộng và truy vết vì rất tốn kém. Chỉ nên lấy mẫu những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, triệu chứng. Đồng thời nhanh chóng phủ rộng vaccine.

Ngày 17/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp lắng nghe các chuyên gia góp ý về việc chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố.

Chuyên gia y tế: TP.HCM nên dừng xét nghiệm diện rộng, tập trung phủ vaccine - 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Tại buổi họp, PGS TS Trần Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã đưa ra “chiến lược” về công tác phòng chống dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” thành “đánh chắc, thắng chắc”. Đồng thời, đề xuất việc sống chung với dịch COVID-19, vì đây là cuộc chiến lâu dài TP.HCM không nên tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ.

Đề xuất được đưa ra khi TP HCM tiếp tục triển khai xét nghiệm “thần tốc” diện rộng, liên tục toàn địa bàn trong nửa sau tháng 9. Trước đó, từ ngày 27/4 đến 15/9 thành phố lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và hơn 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.

Theo ông Dũng, thời gian vừa qua thành phố đã có kết quả tích cực ban đầu trong công tác phòng chống dịch như tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ oxy cho người bệnh. Kết quả rõ ràng nhất là số bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.

Trong thời gian tới, ông Dũng đề xuất, TP HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Đồng thời, ông cho rằng việc “sống chung” với dịch là tất yếu. Bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng chưa đảm bảo dịch sẽ không đến một lần nữa.

Ông Dũng nhận định Việt Nam có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể hết trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong vài năm tới, cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc. Vì thế, ông đề nghị ngành y tế thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang xét nghiệm người nguy cơ cao, triệu chứng.

PGS TS Đỗ Văn Dũng góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Cùng chung quan điểm về việc nên dừng xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết không nên xét nghiệm diện rộng vì tốn kém chi phí rất nhiều, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung nhóm đối tượng có nghi ngờ, nguy cơ cao như giao thương, sân bay.

Đối với việc mở cửa kinh tế, ông Phúc nhận định nếu mở cửa kinh tế chắc chắn số bệnh nhân sẽ tăng, thành phố cần có giải pháp đừng để F0 tử vong. Riêng với người mắc COVID-19 cũng không nên đưa họ đi cách ly khỏi cộng đồng mà nên điều trị tại nhà.

“Những người mắc COVID-19 tiếp xúc với người đã tiêm vaccine trong gia đình thì họ sẽ được miễn dịch thêm một lần nữa, giống như tiêm vaccine mũi 3, miễn dịch sẽ tăng lên. Nếu “nhốt” hết F0 thì sẽ không tạo được miễn dịch cộng đồng. Điều này là không thể tránh khỏi vì hiện tại trẻ em chưa được tiêm và chắc chắn sẽ bị lây”, ông Phúc cho biết.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, bác sĩ Lê Hoàng Ninh (nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM) cho rằng việc đóng cửa, phong tỏa chỉ phù hợp khi chặn nguồn lây dịch từ bên ngoài. Trường hợp dịch ngấm sâu, lan diện rộng thì việc chạy theo chặn nguồn lây là việc “tưởng đúng mà lại sai”, vì càng làm, càng truy càng ra F0. Do đó, bác sĩ Lê Hoàng Ninh đề nghị thành phố nên “sống cùng” với dịch COVID-19.

Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đề nghị thành phố cần tập trung bao phủ vaccine và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Đồng thời, cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.

Cũng theo GS Tuấn, nguồn lực lúc này cần tập trung về việc bao phủ vaccine tới người dân toàn thành phố, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, TP.HCM cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng và hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

Lực lượng y tế lấy mẫu cho người dân phương 11, quận Bình Thạnh, ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá tất cả ý kiến trong hội nghị đều cho rằng, dịch COVID-19 không thể loại bỏ được hoàn toàn ra khỏi cộng đồng thời điểm này và sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Với những xác định này, cũng đã đến lúc thành phố phải có sự chuẩn bị về tâm thế để ứng phó với môi trường sống mới có chủng virus Delta.

Theo ông Nên, TP.HCM đã chuẩn bị các điều kiện tương đối đảm bảo để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong đó, sự chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của người dân là một trong những yếu tố quan trọng để thành phố vượt qua giai đoạn tới.

“Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội, sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm”, ông Nên nhìn nhận.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đề nghị các đơn vị cần có chiến lược rõ ràng. Việc giãn cách kéo dài đã khiến nhiều người mất việc, phát sinh nhiều vấn đề, nên về lâu dài, thành phố cần tính toán đến các chiến lược về di dân, xây dựng nhà ở xã hội.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều