+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: Đóng cửa vì biến thể Omicron không phải là cách lâu dài

08/12/2021 14:47

Khoa học đã khẳng định virus corona sẽ không ngừng đột biến ngày nào nó còn tồn tại, các biến thể mới sẽ xuất hiện trong suốt phần đời còn lại của chúng ta.

Do đó, việc các nước châu Á – Thái Bình Dương, dù với tỉ lệ phủ vắc xin cao, hối hả tự cô lập khi nghe tin biến thể Omicron xuất hiện đặt ra viễn cảnh cuộc sống sẽ không bao giờ thật sự trở lại bình thường.

Theo Đài Al Jazeera, hàng loạt chuyên gia, từ nhà virus học, dịch tễ học, y đức học và kinh tế học, đều đồng tình rằng “đoạn kết” của đại dịch không phải là cái ngày virus biến mất, mà là một lựa chọn mang tính chính trị – xã hội của loài người.

“Thay vì đi tới một cách vô định, chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ nên định nghĩa ‘điểm kết thúc’ là gì” – ông Ian Mackay, nhà virus học từ Đại học Queensland (Úc), đặt vấn đề.

Vị chuyên gia nhấn mạnh bản thân ông không đồng tình với lối tiếp cận “vô lo” của nhiều nước phương Tây những ngày đầu đại dịch, nhưng phản ứng của các nước trước biến thể Omicron tạo cảm giác mọi thứ quay trở lại năm 2020, “giống như ném hết mọi hiểu biết có được ra ngoài cửa sổ và bắt đầu lại từ đầu”.

“Cảm giác cá nhân của tôi là chúng ta không nên đóng cửa biên giới, bây giờ và cả khi đã hiểu hơn về Omicron – chỉ trừ khi tình hình tồi tệ hơn mọi dự báo” – ông Mackay bổ sung.

Từ khi tin tức loan ra hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhiều quốc gia đã nhanh chóng ban lệnh cấm đi lại với khu vực miền nam châu Phi, một số nền kinh tế còn đi xa hơn đến mức “sập cửa” với hầu hết người nước ngoài, ví dụ Nhật Bản, Israel, Hong Kong…

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, thậm chí trước khi Omicron xuất hiện, vận tải hàng không ở châu Á – Thái Bình Dương đã đóng băng phần lớn, giảm gần 93% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Roberto Bruzzone, giám đốc Trường Y tế cộng đồng Pasteur Research Pole thuộc ĐH Hong Kong, cho biết đã cố gắng đấu tranh cho việc thay đổi quan điểm về đại dịch trong một thời gian dài, rằng con người cần học cách sống chung với virus.

“Bởi vì virus sẽ tái xuất hiện bất cứ khi nào anh mở cửa lại biên giới, và thậm chí ngay bây giờ Omicron đã có mặt ở khắp nơi” – ông giải thích.

Hình ảnh của biến thể Omicron, ký hiệu B.1.1.529 – Ảnh: Đại học Y Nam Carolina

Bà Catherine Bennett, nhà dịch tễ học từ Đại học Deakin (Úc), thẳng thắn chỉ ra sự chia rẽ trong dư luận công chúng và tính toán chính trị đã tạo ra cái vòng tròn tự cô lập không hồi kết, thay vì tập trung tìm cách sống chung với dịch một cách có chừng mực và an toàn.

“Nên tăng hoặc giảm các biện pháp an toàn sức khỏe cộng đồng khi có tín hiệu virus thay đổi, không phải đạp phanh thắng gấp” – bà Bennett gợi ý.

Ông Alberto Giubilini, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đạo đức thực hành (ĐH Oxford, Anh), thì cho rằng xã hội cần mạnh dạn lựa chọn để vượt qua trạng thái “tình trạng khẩn cấp không ngừng nghỉ” hiện tại, vốn mang tính chất xã hội – văn hóa hơn là dựa trên khoa học.

“Đại dịch kết thúc khi con virus trở nên kiểm soát được và chúng ta học cách sống chung với nó. Điều đó lại phụ thuộc vào cách chúng ta hành động nhiều hơn là virus. Chúng ta cứ mãi xem một số thứ là ‘khoa học’ trong khi chúng không phải khoa học.

Đoạn kết của đại dịch là một quá trình thương thảo chính trị, và là một vấn đề đạo đức. Đại dịch kết thúc khi chúng ta thay đổi cách tiếp cận với con virus vốn có khả năng không bao giờ biến mất” – ông Giubilini nêu quan điểm.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều